Trong giáo lí nhà Phật, “quy luật nhân quả” là quy luật tồn tại một cách khách quan không phải do Phật đà quy định hay tự tạo nên. Đức Phật chỉ đem quy luật ấy nói cho mọi người biết, tức ngay đến phật tử hay Đức Phật cũng không thoát khỏi quy luật này. Trong thực tế cuộc sống, những điều xảy ra đều chịu sự chi phối của luật nhân quả nhưng đôi khi chúng ta không để ý.
Các quan niệm về vận mệnh
Trước hết, để hiểu rõ hơn về luật nhân quả của Phật giáo, chúng ta cần làm rõ một số thuyết khác cũng có bàn về vận mệnh như: thuyết phong thủy, tướng mệnh. Trong những thuyết này thường có câu: “nhất triều lạc địa mệnh an bài”, tức khi một đứa trẻ rời khỏi cơ thể mẹ, cất tiếng khóc đầu đời tức là vận mệnh của nó đã được định đoạt sẵn. Nó giống như cuốn sổ được viết từ trước, trong đó có may mắn có bất hạnh, có phú quý nghèo hèn, có sướng vui buồn khổ đều do cuốn sổ vận mệnh đó chi phối.
Thuyết phong thủy chủ yếu dựa trên triết lí “thiên thời-địa lợi-nhân hòa”, được coi là tam khí ảnh hưởng đến con người. Vì vậy, khi xây nhà người ta thường phải chọn ngày lành tháng tốt, ấy là lấy thiên thời; phải chọn hướng nhà phù hợp, ấy là địa lợi; khi động thổ phải mời người nhân từ, phúc đức, có đầy đủ cả con trai, con gái để động thổ gọi là nhân hòa.
Tuy nhiên, ngày nay không còn nhiều người tìm hiểu phong thủy để ý đến yếu tố “nhân hòa” mới là quan trọng nhất. Chỉ chăm chú đập tường, khoét vách, bài trí đồ đạc, phối hợp màu sắc…tức môi trường bên ngoài, mà quên không nhắc nhở gia chủ chăm chút yếu tố nội tại là con người.
Câu khẩu quyết quan trọng nhất của phong thủy phản ánh quan niệm trên chính là “phúc địa phúc nhân cư, phúc địa đẳng phúc nhân”. Dịch nghĩa: Nơi mảnh đất “phúc địa” tức phong thủy tốt nhất trong trời đất đều phải “người phúc đức” mới ở đó được, mảnh đất “phúc địa” luôn chờ người “phúc đức” đến. Nói cách khác, nếu người không có phúc đức thì không thể ở nơi có phong thủy tốt, nếu được rồi thì sau cũng mất.
Trong tướng mệnh tử vi, người ta lại căn cứ vào thời khắc sinh ra của đứa trẻ, được gọi là “sinh thần bát tự” (tám chữ can chi ghi ngày, giờ, tháng, năm đứa trẻ sinh ra) để đưa ra một loạt các dự báo về tính cách và biến cố cuộc đời đứa trẻ sau này. Nhưng tướng mệnh cũng luôn nhắc nhở mọi người rằng: “đức năng thắng số”, “tướng tùy tâm chuyển”, “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”. Nghĩa là “đức” mà con người tạo ra có thể thắng được vận mệnh, có thể vượt lên trên số mệnh.
Quan niệm của Phật giáo
Phật giáo cũng thừa nhận có vận mệnh tồn tại, có thể đoán trước. Vì vậy mới có câu: “Muốn biết quá khứ hoặc tương lai của một người chỉ cần nhìn những điều người đó đang nhận hoặc đang làm ở hiện tại là có thể biết được”. Nhưng khác với với các thuyết khác như phong thủy, tướng số, tử vi cho rằng, vận mệnh là cái đã định trước. Phật giáo cho rằng, vận mệnh là do tự bản thân con người nắm giữ, quyết định nên hoàn toàn có thể cải thiện, thay đổi.
Theo giáo lí nhà Phật, “nhân quả” hay còn gọi là “nghiệp, nhân, duyên, quả, báo”. Trong đó từ ý nghĩa của từ “nghiệp” có thể hiểu là hoạt động, tạo tác của cơ thể và tâm ý con người, tức tất cả hành vi, lời nói, tư tưởng. Theo cơ quan tạo tác, nghiệp được chia thành “thân nghiệp’, “khẩu nghiệp” và “ý nghiệp”, tức hành vi thân thể, lời nói và ý nghĩ.
Về tính chất, nghiệp lại được chia thành ba loại đó là “thiện nghiệp”, “ác nghiệp” và “không thiện không ác”. Tuy “nghiệp” là cái không thể nhìn thấy, không sờ mó thấy nhưng nó lại có sức ảnh hưởng rất lớn, nó chi phối cuộc sống của con người. Nói một cách đơn giản, “nghiệp” chính là nguyên nhân hay còn gọi “nhân nghiệp”.
“Quả” là kết quả, “báo” có nghĩa là báo ứng, ứng vào. “Duyên” là điều kiện, ví dụ, khi gieo hạt tức “nhân” gặp điều kiện không khí, nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm tức là “duyên” thì tạo ra “quả”. Nói cách khác, khi nhân và duyên kết hợp với nhau thì mới tạo ra quả báo, hay nguyên nhân trong một điều kiện chín muồi thì sẽ cho ra kết quả tương ứng. Nếu gặp điều kiện tốt thì nhanh ra quả, nếu gặp điều kiện không tốt thì chậm cho ra quả.
Trong cuộc sống thường nhật, khi chúng ta làm một việc gì đó, nói một câu hay thậm chí một ý nghĩa trong đầu thì đó là đang gieo cái nhân tức đang tạo ra nghiệp. Căn cứ vào cái “nhân” đó thiện hay ác thì sẽ tạo thành nghiệp thiện hoặc nghiệp ác không giống nhau, khi báo ứng tạo ra kết quả vui buồn sướng khổ cũng khác nhau.
Quy luật này có mối liên hệ mật thiết với sự sống chết luân hồi. Con người có sinh ra thì có chết đi, chết rồi lại được đầu thai để sinh ra, sự sinh tử luân hồi ấy là từ nhân đến quả, từ quả đến nhân, liên tục không ngừng. Muốn biết kiếp trước của người đó như thế nào, nhìn những điều họ đang phải nhận là có thể biết được. Muốn biết kiếp sau của người đó thế nào thì nhìn vào những việc họ đang làm là có thể biết được.
Giáo lí nhà phật cho rằng “nhân quả” có quy luật nhất định có thể nhận thức được nhưng nó không hề cứng nhắc. Từ quan niệm nhân quả của nhà Phật chúng ta có thể thấy, những việc hiện tại chúng ta đang nhận là do “nhân” đã trồng trước đây tạo ra. Nhân muốn hình thành lên quả thì ở giữa phải có duyên tức điều kiện.
Nhân đã tạo ra trong quá khứ thì không thể thay đổi được, nó đã là mặc định. Cái có thể thay đổi chính là duyên, điều kiện để tạo ra kết quả, nếu nay cắt đứt cái duyên ấy thì nhân không có cơ hội tạo ra quả. Nói cách khác, kiếp trước ít nhiều đều làm điều xấu nhưng kiếp này bỏ điều xấu làm việc thiện thì ác duyên sẽ đứt. Chỉ có thay đổi từ gốc rễ, thay đổi nhân duyên thì mới chuyển biến, thay đổi được kết quả.