Nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng kiếm tiền bằng sự nổi tiếng của con bất chấp sức khỏe thể chất, tâm hồn của trẻ bị tổn thương nặng nề.
“Cha mẹ lợi dụng con nhỏ để kiếm tiền” đang là chủ đề tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc mà còn ở nhiều nước trên thế giới.
Theo các chuyên gia, từ khi dịch bệnh bùng phát khiến mọi người phải ở nhà, cha mẹ cũng bắt đầu cầm điện thoại ghi lại những hình ảnh thường ngày của con cái nhiều hơn.
Số đông cư dân mạng cho rằng mô hình biến con nhỏ thành gương mặt nổi tiếng đang dần bị biến tướng, nhiều phụ huynh chỉ nhắm vào lợi nhuận và ngày càng xa rời ý định ban đầu là chia sẻ tình yêu thương, hạnh phúc.
Năm 2020, mạng xã hội nước này dậy sóng trước câu chuyện một người mẹ quay vlog ăn uống cho con gái 3 tuổi. Điều đáng nói, đứa trẻ được cho ăn rất nhiều dù đã thuộc dạng béo phì.
Ở tuổi lên 3, Peggy nặng 35kg và mẹ cô bé vẫn muốn “vỗ béo” con gái để quay video đăng lên mạng xã hội kiếm tiền. Bé gái này đã có một tài khoản riêng với hơn 5.000 người theo dõi nhưng lượng xem cao nhất của một video lại lên tới 55.600 lượt.
Video đầu tiên được bố mẹ Peggy quay lại cảnh cô bé vừa ăn vừa chơi, nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, lúc đó em chỉ mới 1 tuổi rưỡi. Nhưng đến tháng 8/2019, khi Peggy 2,5 tuổi đã 25 kg. Năm ngoái, cô bé đã cán mốc 35kg.
Lượng video được đăng lên ngày càng nhiều, với các từ ngữ gây tò mò, chẳng hạn như “vài giây là ăn xong”… Tuy nhiên, thức ăn của Peggy lại gồm toàn những món như bánh mì kẹp thịt, nước ngọt, gà rán, mì gói… Món nào cũng rất nhiều calo nhưng bé vẫn ăn một cách bừa bãi. Không chỉ vậy, lượng thức ăn ai nhìn vào cũng thấy choáng váng.
Lo lắng cho sức khỏe của Peggy, nhiều người đã để lại lời nhắn khuyên nên cho bé ăn theo chế độ ăn uống cân bằng. Tuy nhiên, bố mẹ Peggy đã làm ngơ và tiếp tục cho con ăn thịt nướng, xúc xích, xiên que,… Thậm chí, họ còn hào hứng đăng video tuyên bố Peggy sẽ phá mốc 50 kg.
Ăn uống vô độ và tăng cân quá nhiều khiến khung xương non nớt của cô bé không thể chịu được, làm đôi chân của bé bị biến dạng. Trong một đoạn video, Peggy vừa đi vừa lắc lư như sắp ngã nhưng không thể dừng lại. Tuy nhiên, bố mẹ Peggy vẫn chọn cách phớt lờ hoặc trốn tránh trách nhiệm.
Huang Jianfeng, một bác sĩ nhi khoa ở Thượng Hải, cho hay, Peiqi đã bị béo phì. Căn bệnh này có thể dẫn đến huyết áp tăng, tiểu đường, thậm chí có nguy cơ mắc tim mạch khi đến tuổi trưởng thành. Hơn nữa, thừa cân cũng sẽ tác động đến đời sống xã hội, phát triển tâm lý và thể chất của trẻ.
“Cha mẹ không sử dụng con làm công cụ để thu hút sự chú ý và kiếm tiền. Hành động này sẽ tác động tiêu cực đến không chỉ đứa trẻ mà cả xã hội”, vị này nói.
Phẫn nộ trước thái độ của ông bố bà mẹ này, cộng đồng mạng đã chung tay nhấn nút report (báo cáo). Hiện tài khoản của Peggy đã bị xóa, tất cả các video đều đã mất hết. Hành vi ngược đãi kiểu này không dễ để mọi người phát hiện ra, nhưng làm trẻ đau lòng hơn là đánh đập, mắng mỏ. Một số người nói rằng bố mẹ Peggy đã sử dụng con gái mình để làm công cụ kiếm tiền, những người như họ hiện nay không phải là hiếm.
Tại xứ sở kim chi, việc biến con trở thành một ngôi sao nhí trên mạng với kênh YouTube riêng đã và đang trở thành xu hướng được các ông bố bà mẹ đua nhau chạy theo. Một điều có thể dễ dàng nhận thấy là mặc dù chính các bé là nhận vật chủ đạo xuất hiện trên kênh của chúng song những người đứng đằng sau để xây dựng nội dung, hình ảnh, quay dựng và đăng tải lên mạng thậm chí là hưởng lợi từ các sản phẩm này lại chính là cha mẹ.
Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng bàn cãi nếu phụ huynh chỉ đơn thuần quay lại những khoảnh khắc vui chơi ngẫu hứng của con trẻ như một cách lưu giữ kỷ niệm và chia sẻ với mọi người. Tuy nhiên, ngày càng nhiều các kênh YouTube đánh mạnh vào những nội dung mang tính hút khách hơn để câu view, thu hút thêm lượt đăng ký mới, khiến những đứa trẻ bị đặt vào tâm thế phải làm theo những chỉ dẫn, mệnh lệnh từ cha mẹ chúng.
Trong khi nhiều bạn bè trang lứa còn mải ham chơi và được chăm sóc cẩn thận thì Boram (6 tuổi) – một YouTuber đình đám tại Hàn Quốc sở hữu hai kênh YouTube có hơn 32 triệu người đăng ký, đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình em. Số lượng người theo dõi khổng lồ trong mỗi video giúp Boram bỏ túi hàng triệu USD mỗi tháng.
Chính hai kênh YouTube này đã khiến cha mẹ của em giàu lên trông thấy. Họ nhanh chóng sở hữu một căn hộ tiền tỉ và lập công ty riêng có tên Boram Family với mục đích quản lý và khai thác nguồn lợi từ hai kênh YouTube của Boram. Cuối tháng 7.2019, truyền thông Hàn đồng loạt đưa tin công ty của bố mẹ sao nhí này vừa chi tiền mua một tòa nhà 8 triệu USD (hơn 185 tỉ đồng) tại khu nhà giàu ở Cheongdam-dong (Gangnam).
Cách đây không lâu, cha mẹ của Boram bị dân mạng phanh phui chuyện lạm dụng con gái quá mức để kiếm tiền khi liên tục tung các video để cô bé thực hiện các thử thách quá sức mình (trong đó có clip Boram phải dùng xe hơi đồ chơi để kéo xe của bố chạy trên đường).
Đây không phải lần đầu phụ huynh của Boram bị chỉ trích vì biến con gái thành công cụ kiếm tiền. Tháng 9/2018, tổ chức Save the children từng lên án những người giám hộ của bé khi đặt con vào các tình huống khó xử, gây ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ như: ăn cắp tiền trong ví của bố, phá hỏng món đồ chơi yêu thích, đóng giả đang mang thai và sinh con… Trước áp lực từ dư luận, cha mẹ của Boram từng công khai xin lỗi và gỡ các video nói trên.
Đằng sau sự bùng nổ của những đứa trẻ nổi tiếng trên mạng là cả một hệ thống lợi ích lớn. Họ cùng thúc ép trẻ hành động trước ống kính, nhằm thỏa mãn sự tò mò của người xem, kể cả những sở thích méo mó. Nhiều chuyên gia chăm sóc sức khỏe tinh thần cảnh báo, điều này không chỉ gây ra các tổn hại về mặt thể chất, nó còn khiến các em đối mặt với những tác động tiêu cực đối với cảm xúc về lâu dài.
Dựa vào con cái để kiếm tiền đã trở thành một mục đích lớn của nhiều bậc cha mẹ.
Một nhân vật chuyên sản xuất những video YouTube cho trẻ em tiết lộ những sao nhí làm YouTube thường không được vui chơi tự do như bạn bè cùng trang lứa. Trong khi đó, một chuyên gia về trẻ em phát biểu: “Con nít bây giờ khó có thể vui chơi trong tâm thế thoải mái và tự do làm những gì chúng thích, chúng đang chơi trong sự ép buộc, xem chuyện chơi như một hình thức làm việc. Đã đến lúc các ông bố bà mẹ nên hỏi lại con mình rằng liệu chúng có thực sự muốn như vậy không”.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc cho tương lai của con, cha mẹ không nên sử dụng con cái như một công cụ kiếm tiền mà nên dành thời gian để chăm sóc tốt hơn cho tuổi thơ của con. Cha mẹ không nên phơi bày sự phức tạp của xã hội người lớn quá sớm trước mắt con để con bị áp lực rằng con người phải lao vào kiếm tiền. Hãy cho con những điều thú vị và đẹp đẽ để con khám phá cuộc sống này.