Theo Gia đình Việt Nam, mỡ máu cao còn được gọi là rối loạn mỡ máu hay máu nhiễm mỡ, tăng cholesterol máu. Bệnh đặc trưng bởi hiện tượng tăng thành phần mỡ gây hại và giảm thành phần mỡ bảo vệ cơ thể.
Mỡ máu cao có liên quan mật thiết đến thói quen ăn uống nhiều mỡ, nội tạng động vật, thịt đỏ, thức ăn nhanh, đồ ăn chiên rán… Chính vì vậy, không ít người giật mình khi được chẩn đoán mỡ máu cao mặc dù luôn áp dụng chế độ ăn thanh đạm, thuần chay không chất béo.
Trên thực tế, ăn thịt thực sự có liên quan đến chứng tăng lipid máu. Bởi vì hàm lượng cholesterol và axit béo bão hòa trong thịt tương đối cao, ăn những thức ăn này trong thời gian dài sẽ tự nhiên làm tăng lipid máu.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, mỡ máu tăng cao không chỉ liên quan đến chế độ ăn uống mà còn do nhiều yếu tố khác gây ra như thức khuya, ít vận động, hút thuốc, uống rượu, sinh hoạt không điều độ, tâm lý bất ổn,… Do đó, ngay cả khi không ăn thịt, việc tiếp xúc với các yếu tố này có thể dẫn đến tăng lipid máu.
Nếu mù quáng từ chối việc ăn thịt, năng lượng cần thiết cho cơ thể cần phải được bổ sung bằng cách ăn các thực phẩm khác. Một khi tổng lượng calo nạp vào vượt quá tiêu chuẩn, lipid máu cũng sẽ tăng lên.
Ngoài ra, ăn chay một cách mù quáng có thể dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, chẳng hạn như thiếu vitamin B, dẫn đến rối loạn chuyển hóa chất béo từ đó có thể dẫn đến tăng lipid máu.
Những yếu tố làm tăng mỡ máu
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng thiếu lành mạnh, có 5 yếu tố có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng mỡ máu cao.
Nhiễm trùng
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc nhiễm các loại virus, vi khuẩn và mỡ máu cao. Chẳng hạn khi nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, virus herpes có thể làm tăng mức cholesterol toàn phần và cholesterol “xấu” – LDL.
Ngoài ra, việc tăng cholesterol “tốt” – HDL cũng không hoàn toàn có lợi đối với cơ thể. Cholesterol HDL có tác dụng vận chuyển cholesterol dư thừa từ các mô, cơ quan, mạch máu về gan để xử lý. Chính vì thế, mức cholesterol HDL cao được cho là giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đan Mạch cho thấy cholesterol HDL cao có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Mắc bệnh lý đường tiêu hóa
Khi đường ruột bị tổn thương, các vi khuẩn có sẵn trong đường ruột sẽ tạo ra nội độc tố. Từ đó, gây ra phản ứng miễn dịch và làm tăng cholesterol “xấu”.
Ảnh minh họa.
Mắc bệnh cường giáp
Hormon tuyến giáp có ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa chất béo. Các nghiên cứu cho thấy những người bị suy giáp có mức cholesterol “xấu” và toàn phần cao.
Nhiễm độc
Việc nhiễm các độc tố có thể dẫn tới sự gia tăng mỡ máu xấu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngộ độc thủy ngân có thể dẫn đến tăng cholesterol. Một nghiên cứu trên thỏ cho thấy những con thỏ được tiêm bisphenol A sẽ bị tăng mỡ máu và mắc bệnh tim. Ngoài những chất này, các hóa chất khác như thuốc trừ sâu, chất hóa học bắt chước estrogen cũng có thể gây ra vấn đề tương tự với mỡ máu.
Căng thẳng
Khoa học đã chứng minh những người mắc bệnh Cushing -một tình trạng mà cơ thể sản xuất quá nhiều hormone căng thẳng cortisol thường bị tăng mỡ máu. Khi cơ thể bị căng thẳng, nồng độ cortisol cũng bị tăng lên và cũng sẽ có tác động tương tự với mỡ máu.
Ăn gì giúp giảm mỡ máu?
Để dự phòng và điều trị tăng mỡ máu, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng. Mục tiêu của chế độ ăn là giảm rối loạn chuyển hóa lipid máu, giảm triglycerid máu, cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt.
Do đó, người bệnh mỡ máu cao cần duy trì chế độ ăn giảm chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, axit béo no và cholesterol, tăng cường các axit béo chưa no từ dầu thực vật và mỡ cá.
Các khuyến nghị quốc tế về cholesterol trong chế độ ăn trung bình nên dưới 300 mg/ngày/người. Cholesterol có trong các thức ăn nguồn gốc động vật, nhất là óc, bầu dục bò, bầu dục lợn, tim, trứng gà toàn phần, gan lợn, gan gà. Hạn chế các thức ăn này góp phần làm giảm lượng cholesterol trong khẩu phần ăn.
Khi gặp tình trạng mỡ máu cao, nhiều người thường kiêng trứng vì cho rằng loại thực phẩm này nhiều cholesterol. Lòng đỏ trứng có nhiều cholesterol nhưng đồng thời có nhiều lecithin – chất điều hòa chuyển hóa cholesterol trong cơ thể. Do đó, những người có cholesterol máu cao không nhất thiết kiêng hẳn trứng, nên ăn 1-2 lần mỗi tuần.
Về nguồn cung cấp protein cho cơ thể, người bệnh nên cân đối protein nguồn gốc động vật và thực vật bao gồm thịt nạc, cá nạc, đậu phụ, đậu đỗ và các sản phẩm sữa ít béo… Ưu tiên nguồn đạm từ thực vật.
Chế độ ăn uống của người mỡ máu cao cũng cần đảm bảo ăn nhóm thực phẩm giàu chất xơ như gạo lứt, gạo lật, ăn nhiều rau xanh, quả chín. Ngoài ra, cần lưu ý không uống các loại đồ uống và thực phẩm nhiều đường sucrose, glucose, fructose, maltose, dextrose như siro ngô, nước ngọt, nước ép trái cây và mật ong.