Mẹ già gần 70 tuổi tìm đến văn phòng luật, nhờ lấy lại ngôi nhà mà cậu con trai quý tử đã cầm cố vì bóng bánh. Hỏi ra bà đã sang tên cho cậu ta từ một năm trước, bây giờ có trời mới đòi được.
Tôi năm nay 32 tuổi, đang công tác tại một văn phòng luật ở Sài Gòn. Làm việc trong môi trường này, tôi được tiếp xúc với nhiều người, nhiều hoàn cảnh khác nhau. Sau vài năm trong nghề, tôi nhận ra rằng thứ đáng sợ nhất trong cuộc đời này chính là “lòng người”.
Một hoàn cảnh khá “éo le” mà tôi đã từng tiếp, đó chính là mẹ già đi đòi lại nhà. Tôi nhớ như in ngày bà đến gặp tôi với bộ quần áo đã cũ mèm, chân mang dép lê. Từ chỗ bà ở, đạp xe qua văn phòng tôi cũng hết gần 1 tiếng. Khi nghe bà muốn đòi lại tài sản, tôi đã nghĩ ngay đến tình huống anh chị em tranh giành mảnh đất tổ tiên để lại. Thế nhưng, người mà bà đâm đơn kiện lại chính là đứa con trai đích tôn “dứt ruột đẻ ra”.
Được biết, chồng bà mất sớm, một tay bà nuôi cậu con trai khôn lớn. Biết mình tuổi cao sức yếu, và cũng chỉ có mỗi cậu con trai quý tử, nên bà đã sang tên nhà cho cậu ta vào cuối năm trước.
Thế nhưng cậu con trai “có lớn mà không có khôn”, vì ham mê bóng bánh nên đã cắm sổ đỏ để vay nóng. “Lãi mẹ đẻ lãi” con mà không có khả năng trả nợ, nên người ta đến tịch thu ngôi nhà.
Tuổi xế chiều, mẹ già phải đi thuê trọ. Dù rất muốn giúp bà, nhưng trường hợp này tôi đành phải lắc đầu từ chối.
Lại có một trường hợp khác mà tôi gặp phải, cậu con trai năn nỉ mẹ sang tên ngôi nhà ở quê để “có tiếng có miếng” lấy vợ thành phố. Thế nhưng vợ chồng vừa cưới được 6 tháng, cậu ta bán phắt nhà mẹ đi để lấy tiền mua chung cư trên thành phố. Mẹ già rơi vào tình huống tiến thoái lưỡng nan, không có nhà nên đành theo con lên thành phố, ở nơi đất khách quê người không một người thân thích. Bây giờ muốn về quê thì lại chẳng biết ở đâu.
Ảnh minh họa internet
Có một trường hợp người bố “gà trống nuôi con”, vì để con đậu visa đi du học Châu u nên bố phải sang tên ngôi nhà cho con. Sau khi cô con gái về, người bố này rơi vào hoàn cảnh có nhà nhưng lại chẳng khác nào đi “ăn nhờ ở đậu”.
Đấy chỉ là một vài trường hợp mà tôi nhớ, chứ còn nhiều tình huống “dở khóc dở cười” hơn mà tôi được dịp tiếp xúc. Suy cho cùng, khi đã sang tên nhà cho con cái thì bố mẹ không còn quyền quyết định. Dù có là ruột thịt trong nhà, nhưng đã sang tên đổi chủ bố mẹ cũng chẳng khác gì đi ở thuê. Nếu gia đình êm ấm thuận hòa thì không sao, nhưng khi nổi sóng nổi gió mới nhận ra sang tên nhà cho con cái quá sớm là quyết định quá nóng vội mà không lường trước hậu quả. Khi dấu đã đóng, tên đã điểm muốn thay đổi cũng chẳng được.
Nhìn chung lại, vấn đề của nhiều bố mẹ già thường hay gặp phải là sự thiếu hiểu biết về di chúc. Đa phần những người này đều sang tên tài sản cho con cái từ khi còn sống hoặc đến lúc ra chết con cái mới chia đất cát của bố mẹ, dẫn đến xung đột giữa những người thân trong gia đình với nhau.
Các bậc làm cha làm mẹ ở tuổi xế chiều, muốn sang tên nhà cửa hay đất cát gì cho con cái, chớ nên vội vàng. Hãy tham khảo ý kiến của luật sư trước khi quyết định giao tài sản cho bất kỳ ai kể cả người thân, để tránh những mất mát và ân hận không đáng có về sau.