Tôi cứ tưởng người thành phố sống thoáng lắm, ai dè còn thua xa người nhà quê

Qua một tháng ở chung với các cháu, tôi mới ngộ ra: “Hóa ra người thành phố sống chẳng thoáng như tôi đã tưởng, tính toán chi li còn hơn người nhà quê chúng tôi”

Đầu năm vừa rồi ông nhà tôi bị TN xe cộ, phải nhập viện ở trên thành phố. Trời phật phù hộ nên ông ấy đã qua cơn nguy kịch, nhưng phải nằm viện thêm vài tháng để theo dõi tình hình sức khỏe cũng như phục hồi chức năng.

Để tiện cho việc chăm sóc chồng, tôi và các con đã bàn nhau thuê một phòng trọ gần bệnh viện. Thế nhưng khi biết chuyện bác cả, cháu trai đằng chồng đã mở lời: “Thời gian tới bác gái cứ qua nhà cháu tá túc. Bác lên đây lạ đường lạ cái nên cứ qua cháu ở một thời gian. Có những lúc như này, vợ chồng cháu mới được giúp đỡ nhà mình”.

Ảnh minh họa.

Thật tình, tính tôi trước nay rất ngại việc nhờ vả, nhưng các cháu nhiệt tình quá với ông nhà tôi cũng động viên về đấy ở với con cháu cho vui. Suy đi tính lại, tôi cũng người ở quê lên thành phố được đôi ba lần, đường xá mua bán mù mịt, nên thôi ở với cháu cho chắc ăn. Mà tiện cái, nhà nó cách bệnh viện có hơn 2 cây số, nếu ông nhà tôi cần gấp cái gì thì chạy tới chạy lui cũng dễ.

Mấy ngày đầu khi sống cùng gia đình các cháu, không khí rất vui vẻ thuận hòa. Chúng nó cũng rất nhiệt tình cơm nước và đưa đón tôi ra ra vào bệnh viện để lo chuyện bác cả. Thế nhưng lâu dần, tôi cảm thấy ở với các cháu không phải ý kiến hay.

Vốn là dân lao động chân tay, nên đến bữa tôi đã quen với việc ăn nhiều cơm, nhiều thịt, nhiều rau. Phải ăn như thế mới có sức mà cày bừa. Thế nhưng bữa cơm gia đình chúng nó cái gì cũng ít: cơm nấu ít, thức ăn mặn thì lèo tèo, rau thì vài gắp là hết đĩa. Nhập gia tùy tục nên tôi cũng tỏ ra là mình ăn ít, nhưng mỗi khi vào viện với chồng tôi phải tấp vội vào quán ăn bát phở, bát bún mới đủ bụng.

Chưa kể, cứ tưởng thành phố sống thoáng thế nào. Mà có bát nước mắm chấm không hết cũng để lại. Cháu dâu tôi bảo: “Nước mắm chấm không hết bác cứ úp vào để cho gián khỏi động tới là được, ngày mai có xào nấu thì lấy ra tra”. Gớm, người thành phố gì mà tiết kiệm thế.

Có lần được ngày cuối tuần, gia đình các cháu nghỉ làm nên tính chiêu đãi tôi món lẩu hải sản. Con bé rủ tôi đi chợ để cho bác xem chợ trên thành phố khác gì ở quê. Ấy thế mà khi đi chợ cùng cháu dâu, tôi muối mặt vô cùng. Nó mặc cả từng mớ rau, miếng thịt, con cá. Tôi mang tiếng ở quê đấy, nhưng đi chợ chẳng bao giờ mặc cả “từng đồng từng hào” như nó.

Không riêng chuyện ăn uống, vợ chồng nó còn để quần áo hai ngày mới giặt. Chúng lấy lý do là không đủ mẻ giặt sẽ nhanh hỏng quần áo. Nhưng tôi biết thừa, chúng tiết kiệm điện nước thì đúng hơn.

Cuối tuần trước, gia đình con trai út nhà tôi ở quê lên thành phố để thăm phố. Khi tôi và các con vào thăm ông nhà xong xuôi thì gia đình cháu họ có đề nghị mời cả nhà đi ăn hàng một chuyến cho biết quán xá thành phố. Khó lòng từ chối nên tôi và các con đành gật gù đồng ý.

Tất nhiên, tôi cũng dặn các con nhớ phải trả tiền ăn bữa hôm nay vì dù gì hai em cũng đỡ đần tôi suốt gần tháng nay. Khi ăn uống xong xuôi xong thì con trai tôi đứng ngay dậy để trả tiền. Thế nhưng cháu trai lại nhiệt tình quá nên cứ đòi trả. Hai bên cứ giằng co qua lại cũng ngại, nên con tôi đành để cho em họ trả tiền.

Ấy thế mà tối hôm ấy khi đi ngang qua phòng chúng nó, tôi đã nghe cháu dâu nói thế này: “Sao lúc anh họ trả tiền chồng không để anh ấy thanh toán. Dù sao cả tháng này tiền ăn ở sinh hoạt của bác gái, vợ chồng mình cũng lo hết mà”.

Ảnh minh họa.

Khi nghe hai đứa nói vậy tôi sững người một lúc. Tôi cũng đang tính mấy nữa sẽ đi mua vài bộ quần áo mới cho hai đứa cháu để tỏ lòng cảm ơn. Ấy vậy mà chưa gì chúng nó đã so đo được mất như này, chắc vài ngày tới tôi phải lấy cớ chuyển ra ngoài cho đỡ phiền các cháu thôi. Qua một tháng ở chung với các cháu, tôi mới ngộ ra: “Hóa ra người thành phố sống chẳng thoáng như tôi đã tưởng, tính toán chi li còn hơn người nhà quê chúng tôi”

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/toi-cu-tuong-nguoi-thanh-pho-song-thoang-lam-ai-de-con-thua-xa-nguoi-nha-que-d158239.html