“Mình nghĩ nếu tình trạng ấy còn tiếp tục kéo dài, chồng mình còn ích kỷ không biết nghĩ tới nhà vợ, chắc có lúc mình phải nghiêm túc nhìn nhận lại cuộc hôn nhân này…”, Nga kể lại.
Điều hạnh phúc nhất của phụ nữ đi làm dâu chính là được gia đình nhà chồng thấu hiểu và quan tâm để họ không cảm thấy mình đơn độc.
Nga (33 tuổi) tâm sự, cô lấy chồng gần nhà, hai bên nội ngoại cách nhau chưa đầy chục cây số. Sau cưới vợ chồng cô lên thành phố làm ăn, chỉ thi thoảng có dịp nghỉ lễ hoặc nhà có công việc vợ chồng mới về.
Có điều Nga kể chồng cô tính gia trưởng, anh luôn phân biệt đối xử giữa hai bên nội ngoại, mặc dù 2 nhà cách nhau chưa đầy 30 phút đi xe nhưng mỗi lần về quê, anh luôn yêu cầu vợ con ở bên nội, ít khi được sang ngoại. Anh quan niệm rằng phụ nữ lấy chồng rồi là phải chăm lo cho nhà chồng, bên ngoại hết trách nhiệm. Điều này khiến cô bất bình và cảm thấy bất công cho bố mẹ đẻ bởi bản thân luôn tận tụy chăm cho nhà nội còn nhà ngoại chồng cô không ngó tới. Có điều phân tích cho chồng nhiều lần, anh vẫn cố tình không chịu hiểu thành thử Nga có cảm giác bất lực trong cuộc sống hôn nhân, thậm chí nhiều khi cô còn thấy chồng đối với mình giống như người xa lạ vì cả 2 không tìm được tiếng nói chung.
“Tết vừa rồi chồng mình trực nên vợ chồng không về quê. Nghỉ lễ 30/4, 2 đứa cắt phép thêm để nghỉ nguyên tuần về quê chơi. Thế mà chồng mình vẫn không cho vợ về ngoại. Anh ấy bảo: ‘Lâu mới về quê thì cô phải chú tâm lo tròn bổn phận làm dâu, không có kiểu cả năm mới về nhà chồng được vài ngày mà lại chạy tót về ngoại, thế khác gì bố mẹ tôi có con dâu như không’…”, Nga bức xúc kể lại.
Bởi lâu vợ chồng mới về quê nên Nga không muốn to tiếng với chồng ngay tại nhà nội, sợ bố mẹ nghe thấy sẽ phiền lòng rồi lại đánh giá con dâu không biết suy nghĩ nên đành nín nhịn. Có điều trong lòng cô thực sự ấm ức vô cùng, thậm chí còn nghĩ nếu tình trạng ấy còn tiếp tục kéo dài, chồng cô còn ích kỷ không biết nghĩ tới nhà vợ, chắc có lúc cô phải nghiêm túc nhìn nhận lại cuộc hôn nhân của chính mình bởi cô không thể để bố mẹ đẻ chịu thiệt thòi mãi.
“Tối ấy vợ chồng mình tranh cãi trong phòng một lúc nhưng sau thì mình vẫn nhún nhường tính để sau quay lại thành phố mới nói chuyện lại với chồng. Tuy nhiên sáng sớm hôm sau ngủ dậy, mình định ra quét dọn nhà cửa và nấu đồ ăn sáng thì đã thấy mẹ chồng ngồi sẵn đợi ở phòng khách. Bà gọi 2 vợ chồng mình ra bảo: ‘Quần áo của các con hôm qua thay, mẹ giặt phơi khô gấp bỏ vali rồi. Nay thời tiết đẹp, 2 đứa đưa bọn trẻ về thăm ông bà ngoại đi. Lâu mới về quê phải ở cả 2 nhà cho công bằng. Mẹ cũng mua giỏ hoa quả nhờ các con mang sang biếu ông bà thông gia bên đó.
Hôm qua đi ngang qua phòng các con, mẹ vô tình nghe thấy 2 đứa kể chuyện, thằng N. không cho vợ về thăm nhà ngoại như thế là không được. Nội ngoại đều như nhau, bố mẹ mong con mong cháu thế nào thì ông bà thông gia bên ấy cũng mong như vậy”, Nga hạnh phúc kể lại lời mẹ chồng.
Mẹ chồng Nga ngồi phân tích phải trái đúng sai cho con trai nghe, mắng anh ăn ở thiếu công bằng với nhà vợ là không thể chấp nhận. Bà còn dậy con trai muốn vợ mình là dâu hiền thì bản thân đàn ông phải biết làm rể thảo, không bao giờ có chuyện chỉ 1 người hi sinh, 1 người được nhận mãi.
Thậm chí bà còn tuyên bố, nếu như con trai vẫn giữ suy nghĩ coi thường nhà vợ, không cho vợ về thăm ngoại thì lần sau bà cho phép con dâu về quê là về thẳng nhà ngoại cũng không cần về nhà chồng, đúng như cách mà chồng Nga đang cư xử để cho anh thấu hiểu được cảm giác của vợ là như thế nào.
Nga kể, lúc ấy chồng cô mới nín lặng, hiểu mình đã sai nên đứng dậy chuẩn bị đồ đưa vợ con sang nhà ngoại. Vậy là 1 tuần vừa nghỉ lễ vừa nghỉ phép, Nga được ở cả 2 nhà nội ngoại đúng như mong muốn của bản thân. Đặc biệt Nga cho hay, điều làm cô thấy vui nhất chính là hiểu được tấm lòng mẹ chồng dành cho mình, tâm lý và thương dâu, điều đó khiến cô không còn thấy mình cô độc khi ở bên nhà chồng.