Hôm trước tôi vừa đọc được bài báo về bình đẳng giới, ở dưới bài viết rất nhiều tranh luận trái chiều. Trong đó tôi thấy một bộ phận giới trẻ đang có nhìn nhận về vấn đề này hơi thái quá.
Tất cả các quốc gia trên thế giới này, từ phương Tây sang phương Đông thì phụ nữ đều phải làm việc để nuôi sống bản thân và gia đình, chứ không phải đó là nghĩa vụ dành riêng cho mà người chồng gánh vác. Nếu người chồng đủ sức để nuôi sống gia đình thì người phụ nữ hoàn toàn có quyền ở nhà, nhưng nếu không được thì người vợ phải đi làm để san sẻ vấn đề kinh tế với chồng là điều hiển nhiên. Mà tôi thấy, về mặt này thì phụ nữ Việt Nam mình còn sướng hơn phụ nữ Nhật Bản hay Hàn Quốc rất nhiều.
Nhiều bạn hay nói rằng khi yêu thì phụ nữ được đàn ông chiều chuộng như đưa đi cà phê, hàng quán, du lịch đó đây đến khi lấy chồng thì suốt ngày quanh quẩn với con cái, bếp núc. Rõ ràng là, khi yêu chúng ta không bị ràng buộc bởi kinh tế, mỗi người vẫn có cuộc sống riêng chứ không phải kè kè bên nhau mỗi ngày. Do đó việc tìm hiểu xem ai thích gì, làm gì, có muốn làm việc nhà hay không chưa thật sự rõ ràng. Chính vì vậy nhiều cặp đôi sau một thời gian sống thử, mới bẽ bàng phát hiện ra cuộc sống chung đụng khác quá xa so với mộng tưởng.
Mà cũng dễ hiểu, hành vi con người thay đổi khi hoàn cảnh tác động. Ví dụ như bạn sống ở Hà Nội, rất nhiều quán xá thì có thể chọn ăn hàng thay vì cơm nước ở nhà. Nhưng ở quê hàng quán không nhiều, không đa dạng thực đơn như thành phố nên người ở quê phải thường xuyên ăn cơm nhà. Khi yêu nhau thì cả hai đều chẳng vướng bận gì, chỉ làm để đủ ăn đủ tiêu cho bản thân còn khi đã là vợ chồng và có con cái thì trăm thứ việc phải lo toan. Mà tôi thấy việc nhà cũng có gì là vất vả đâu, vấn đề xung đột giữa vợ chồng chỉ thực sự xảy ra bởi các nguyên nhân sau:
Thứ nhất là người vợ cảm thấy bất bình đẳng khi hai vợ chồng kiếm tiền ngang nhau nhưng lại phải làm việc nhà nhiều hơn so với chồng.
Thứ hai, chồng không phụ giúp việc nhà cho vợ, hoặc mỗi người lại làm theo cách riêng dẫn đến mâu thuẫn.
Thứ ba, cả hai vợ chồng đều không thích làm việc nhà, nhưng một người phải làm phần hơn còn người kia không làm gì dẫn đến người còn lại cảm thấy không vừa ý
Thứ tư, vì vợ và chồng đều không biết làm việc nhà nên cảm thấy không công bằng khi phải nội trợ. Đôi khi cả vợ và cả chồng đều kém trong việc bếp núc, không thấy dễ chịu khi làm.
Thứ năm, vợ hoặc chồng là thu nhập chính trong nhà, nên không có thời gian để làm việc nhà, dẫn đến mâu thuẫn hai bên.
Suy cho cùng, giới trẻ ngày nay có xu hướng sống theo chủ nghĩa cá nhân nhiều hơn. Đa phần các bạn trẻ đòi hỏi sự công bằng nhưng lại không muốn bản thân phải hy sinh hay cống hiến quá nhiều cho gia đình như các bà các mẹ ngày xưa. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ ly hôn sau 5 năm đầu ở các cặp vợ chồng trẻ ngày càng tăng mạnh.
Từ thời xưa, việc “đàn ông săn bắn, đàn bà hái lượm” đã chỉ rõ sự phân chia trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình rồi. Thế nên điều đó xảy ra ở ngày nay cũng là điều dễ hiểu.
Suy cho cùng, việc nhà cũng chẳng có gì to tát hay chiếm quá nhiều thời gian cả. Cơm nước, dọn dẹp, chăm sóc con cái…là hoạt động thường nhật của bất kì cặp vợ chồng nào. Có chăng chỉ những gia đình có điều kiện thì mới có người giúp việc thì vợ không cần động tay động chân mà thôi.
Xã hội thay đổi khiến nhu cầu của gia đình cũng tăng lên, thay vì “đủ ăn đủ tiêu” ngày nay lại đòi hỏi “ăn sung mặc sướng”. Những thứ vật chất như nhà cửa, xe cộ…là nhu cầu thiết yếu mà bất kì cặp vợ chồng nào thời nay đều hướng tới. Nếu gia đình có điều kiện hỗ trợ cho con cái thì không sao, còn không vợ chồng bắt buộc phải vật lộn kiếm tiền mới mới có của để ra.
Nói đi cũng phải nói lại, sở dĩ quan điểm phụ nữ là phải làm việc nhà vốn là kế thừa từ các bà các mẹ thời xưa. Nhưng ngày nay phụ nữ không nhất thiết phải làm việc nhà, thậm chí họ còn chẳng muốn lấy chồng và sinh con nữa. Dù sao đây cũng là sự lựa chọn cá nhân, miễn không làm ảnh hưởng đến pháp luật là được.
Thế nhưng nhiều người phụ nữ đôi khi đòi hỏi quá cao, họ bắt chồng phải làm việc nhà nhưng tiền lương thì vẫn muốn giữ hết. Hay buộc chồng phải làm hết mọi việc thì mới được coi là yêu vợ, thương vợ vì họ cho rằng đẻ con là trách nhiệm to lớn nhất của họ rồi. Tóm lại, hạnh phúc là do con người ta lựa chọn, bạn thấy đủ thì đó là hạnh phúc. Còn nếu bạn luôn đòi hỏi quá cao thì mãi mãi không thấy hạnh phúc, lúc nào cũng luôn nghĩ mình phải chịu đựng, khổ sở.