Từ trước đến nay, tôi chưa từng nghĩ sẽ rời khỏi mảnh đất mình đã gắn bó gần cả cuộc đời. Nhưng ông nhà khuyên tôi lên ở cùng con trai cả để tiện chăm sóc cháu nội, đỡ đần con dâu. Nghĩ tới cảnh con cái vất vả, tôi cũng đành nghe theo.
Tôi có hai người con trai. Con cả làm ở công ty bất động sản, lương tháng nghe đâu cao lắm, nhưng từ ngày đi làm đến giờ chưa từng thấy nó gửi về nhà lấy một đồng hay biếu cha mẹ hộp sữa, gói bánh. Ngược lại, con trai thứ hai chỉ là công nhân, tiền không dư dả nhưng mỗi lần về quê thăm bố mẹ, lúc nào nó cũng có quà. Khi thì hộp thuốc bổ, lúc thì túi sữa hay bộ quần áo mới. Tôi không nhận, nó lại giận dỗi, ép bằng được thì mới vui lòng. Có lẽ, vì thương tôi như thế, mà khi thấy tôi bỏ về quê, nó là người đầu tiên gọi điện hỏi han, lo lắng.
Hai tháng ở nhà con trai cả, tôi không biết mình đã khóc bao nhiêu lần. Ban đầu, con trai còn nể mẹ mà cư xử dịu dàng với vợ. Nhưng càng về sau, nó càng chẳng xem tôi ra gì. Nó chê tôi luộm thuộm, bảo tôi lau nhà không sạch, rửa bát còn bẩn, nấu ăn thì chẳng vừa miệng. Tôi nghe mà đau lòng. Con dâu bênh vực, nó liền lớn tiếng quát nạt, thậm chí còn dọa tát, dọa bỏ nhà đi. Tôi bàng hoàng, bởi trước giờ tôi luôn nghĩ vợ chồng nó hòa thuận, chưa từng thấy to tiếng với nhau.
Sống chung, tôi mới phát hiện con trai mình là người ích kỷ và gia trưởng đến mức nào. Nó coi thường vợ vì cô ấy kiếm được ít tiền hơn, không cho vợ giữ tiền mà tự mình quyết định mọi chi tiêu trong nhà. Nó có thể thoải mái mua sắm thứ nó thích, nhưng khi nói đến chuyện sữa bỉm cho con hay mua quần áo mới cho vợ, nó lại gắt lên như bị ai bóp ví. Mỗi ngày, nó đưa cho tôi đúng 100 nghìn để đi chợ. Ở thành phố, cái gì cũng đắt đỏ, làm sao tôi xoay sở nổi? Con dâu thương tôi nên lén đưa thêm tiền – đó là số tiền ít ỏi mà con đã dành dụm được trước khi lấy chồng.
Hôm ấy, tôi nấu bữa cơm tươm tất hơn mọi ngày, có cả món sườn ram mà con dâu thích. Vậy mà vừa nhìn thấy, con trai đã cau mày, lớn tiếng hỏi tiền đâu mà mua sườn non, một thứ đắt đỏ như thế. Tôi không nhịn được nữa, quát thẳng vào mặt nó: “Mày đưa mẹ có 100 nghìn thì làm sao đủ cho ba người ăn một ngày, chưa kể vợ mày còn đang cho con bú!”. Con dâu lên tiếng bảo rằng cô ấy đã đưa tiền cho tôi, đó là tiền riêng của cô ấy trước khi lấy chồng. Vậy mà con trai tôi lập tức nổi điên, chửi vợ xối xả rồi hất tung cả mâm cơm.
Tôi lặng lẽ nhặt lại những miếng sườn vương vãi trên bàn, con dâu ôm mặt khóc, tôi cũng không cầm được nước mắt. Cả bữa ăn hôm đó, mẹ con tôi nghẹn đắng, chẳng ai nuốt nổi. Chiều hôm ấy, tôi thu dọn hành lý, gọi taxi về quê, mặc cho con dâu níu kéo. Tôi không về vì ghét bỏ con dâu, mà vì bất lực. Tôi giận chính mình vì đã nuôi dạy ra một đứa con trai vô tâm đến thế.
Nhưng về quê rồi, tôi cũng chẳng yên lòng. Hôm sau, tôi nhận được điện thoại từ Nga – con dâu lớn. Vừa nghe tiếng tôi, con đã òa khóc: “Mẹ ơi, cứu con với, con khổ quá, con không chịu đựng được nữa…”.
Con dâu mới sinh con, còn đang ở cữ mà đã phải gọi điện cầu cứu mẹ chồng, tôi nghe mà xót xa. Hóa ra, con trai tôi vẫn thế, vô tâm đến đáng sợ. Nó đi làm về là đi nhậu, bỏ mặc vợ trông con một mình. Con dâu đòi thuê giúp việc, nó gạt đi ngay, bảo rằng tốn tiền. Sức khỏe còn chưa hồi phục, ngày đêm chăm con quấy khóc, chồng thì cay nghiệt, con dâu tôi không chịu nổi nữa.
Lúc này, tôi không còn lý do gì để bênh vực đứa con trai tệ bạc của mình nữa. Ngay chiều hôm đó, tôi bảo con dâu chuẩn bị đơn ly hôn, thu xếp đồ đạc rồi bắt xe lên thành phố. Tôi đưa con dâu và cháu nội về quê ở cùng tôi. Dù có khổ cực, nhưng ít nhất, con sẽ không còn phải chịu đựng cuộc hôn nhân đầy nước mắt ấy nữa.