Hơn 30 năm qua, quán phá lấu của bà Hoa (hay còn được còn được nhiều người gọi bằng cái tên thân thương là “bà ngoại”) đã trở thành địa chỉ quen thuộc của biết bao thế hệ học sinh, sinh viên, người lao động.
Bên cạnh vài bộ bàn ghế nhựa cùng 2 chiếc bếp đặt nồi phá lấu đã tồn tại nhiều năm thì mấy tháng gần đây, nơi đây còn có thêm một tấm biển thông báo tìm người cháu đi đâu không rõ từ 31/8/2021 đến nay.
Chia sẻ trên báo Thanh Niên, bà Phạm Thị Hoa (82 tuổi) cho biết bà sống ở gần chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh. Ngày nào cũng vậy, cứ khoảng 4h sáng là bà dậy sớm, dọn quán ở trong con hẻm nhỏ nằm trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận. Đến chiều hết hàng bà lại lật đật dọn dẹp về.
“Thấy vậy chứ đi bán cũng mệt, tôi còn mua thuốc dán lưng nhưng sợ con cháu không làm được, nêm nếm không bằng tôi nên đến giờ tôi vẫn đi bán”, bà tâm sự.
Được mọi người yêu thương, gọi là “bà ngoại”, bà Hoa rất vui. Bà kể lại, cách đây nhiều năm, mấy cậu sinh viên đến ăn ủng hộ rồi đặt cho quán bà tên “phá lấu bà ngoại”, họ nói gọi vậy cho thân thương. “Có lần mấy cậu đến ăn không thấy tôi đâu lại hỏi ‘Bà ngoại đâu rồi?’, tôi cũng mừng lắm”, bà Hoa chia sẻ.
Về tấm biển mới được dán phía dưới menu với nội dung: “P.P.T. (26 tuổi) đi từ 31/8 tới nay chưa thấy về, ai thấy xin liên hệ số điện thoại 070443****. Gia đình xin cảm ơn và hậu tạ”, bà Hoa cho biết, người trong tấm hình là cháu nội của bà.
Nhắc đến đứa cháu, bà rưng rưng kể, trong những ngày TP.HCM giãn cách xã hội phòng dịch, T. phải ở trong nhà nhiều nên cảm thấy bí bách. Cuối tháng 8/2021, nhân lúc gia đình không chú ý, T. rời nhà, đi đâu không rõ.
Bà gạt nước mắt: “Cháu nó đi đâu ngoài đường mãi không thấy về. Không thấy cháu ở nhà tôi buồn lắm, mất ăn, mất ngủ, ngồi đây bán chứ tâm trí cứ để đi đâu. Thuốc vẫn bỏ ở nhà phải uống 7 ngày nữa mới hết. Thương con, thương cháu, kiếm quá trời kiếm nhưng mãi không thấy, giờ chỉ mong nó về thôi.”
Mẹ T. kể thêm, trước đây, T. ra trường rồi làm nghề bán vé máy bay. Cuộc sống diễn ra khá êm đềm cho đến khi T. gặp sự cố giao thông khiến cô dần tự ti với ngoại hình, khép lòng mình lại. Đến nay, gia đình T. đã đi khắp nơi tìm cô nhưng vẫn chưa có kết quả.
Nghĩ đến quán bà Hoa đông khách nên bố T. quyết định dám tấm ảnh cùng thông tin tại quán, hi vọng ai đó đến ăn biết thông tin về con gái sẽ giúp đỡ gia đình.
Một người cháu nội khác của bà Hoa thấy bà buồn bã, không có tâm trạng ăn uống xót xa: “Bà nói đi bán để kiếm đồng ra đồng vô chứ mấy đứa cháu đi làm cũng chưa ổn định. Bà bảo lúc nào chân đi không được, mắt không thấy đường sẽ ở nhà, còn không vẫn ra đây ngồi bán. Bà vừa bán vừa ngóng tin em gái tôi, nó phải uống thuốc, đợt dịch bà sợ không mua được nên đã mua nhiều đến giờ vẫn còn đó”, người này kể.
Được biết, cuộc đời bà cụ U90 này cũng có không ít thăng trầm. Pháp luật và Bạn đọc đăng tải, bà Hoa vốn là một người con của đất Gò Công, Tiền Giang. Vì cuộc sống nên từ khi còn trẻ bà đến lên Sài Gòn mưu sinh. Sau khi chồng ra đi, bà một mình gồng gánh gia đình, nuôi 2 đứa con (1 trai, 1 gái) khôn lớn bằng nghề bán phá lấu.
Bà từng chia sẻ quán phá lấu gắn bó với bà như “một cái nghiệp” khó bỏ, nhưng giờ đây nó còn mang ý nghĩa quý giá hơn nhiều, đó là niềm hi vọng có thể tìm được đứa cháu gái thân yêu. Mong rằng điều kì diệu sẽ sớm đến với gia đình “bà ngoại”.