Nhiễm cúm A trong 3 tuần không khỏi, phổi người đàn ông trắng xóa, phải thở máy

Người đàn ông mắc cúm A gặp biến chứng nghiêm trọng, phổi tổn thương hai bên, phải nhập viện cấp cứu và được hỗ trợ ECMO.

Theo báo điện tử Vtcnews, người đàn ông 58 tuổi, quê Tuyên Quang, có tiền sử tăng huyết áp nhưng không dùng thuốc đều đặn. Ba tuần gần đây, ông xuất hiện triệu chứng ho, sốt, khó thở và tự điều trị tại nhà nhưng không cải thiện. Khi đến cơ sở y tế địa phương, xét nghiệm cho thấy ông mắc cúm A.

Bệnh nhân mắc cúm nguy kịch được chỉ định đặt ECMO.

Dù đã được điều trị nhưng tình trạng khó thở ngày càng nặng, dẫn đến suy hô hấp nghiêm trọng, buộc phải đặt ống nội khí quản. Xét nghiệm dịch phế quản phát hiện vi khuẩn, khiến bệnh diễn tiến xấu hơn. Ông được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, phải thở máy. Tổn thương phổi nghiêm trọng dẫn đến suy hô hấp nặng, ứ đọng CO2 nguy hiểm, gần như mất hoàn toàn chức năng thông khí.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc cúm A.

Do tình trạng suy hô hấp không cải thiện, bác sĩ chỉ định đặt ECMO (hệ thống oxy hóa qua màng ngoài cơ thể). Sau can thiệp, các chỉ số sinh tồn tạm thời ổn định nhưng tình trạng sốc và nhiễm trùng vẫn cần theo dõi sát sao.

Trường hợp khác, một người đàn ông 62 tuổi, quê Quảng Ninh, có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nhiều năm nhưng ít khám định kỳ và không theo dõi sát bệnh tình. Gần đây, ông sốt, ho, khó thở tăng dần, điều trị tại cơ sở y tế địa phương hai ngày nhưng suy hô hấp tiến triển nặng, phải đặt ống nội khí quản. Xét nghiệm xác định dương tính với cúm A, bệnh nhân được chuyển lên tuyến trung ương.

Sau hai tuần điều trị, tình trạng bệnh nhân vẫn rất nặng, tiếp tục duy trì thở máy và ăn qua sonde dạ dày.

Hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho tám bệnh nhân mắc cúm.

Theo ThS.BS Võ Đức Linh (Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), cúm A đặc biệt nguy hiểm với những bệnh nhân có bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính. Virus cúm tác động trực tiếp lên phổi, khiến người có tổn thương phổi từ trước dễ diễn tiến nặng hơn so với người khỏe mạnh.

Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân COPD cần khám định kỳ để điều chỉnh thuốc phù hợp, đồng thời tiêm vaccine phòng cúm hàng năm. Những người có bệnh nền cần tuân thủ các biện pháp bảo vệ cá nhân để giảm nguy cơ mắc bệnh.

ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, nhấn mạnh rằng người cao tuổi, người có bệnh nền và người suy giảm miễn dịch cần đặc biệt cẩn trọng khi nhiễm cúm. Bệnh có thể gây tổn thương phổi lan tỏa, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đa tạng và thậm chí tử vong.

Nhiều người chủ quan khi mắc cúm, cho rằng đây là bệnh nhẹ nên không đi khám sớm. Tuy nhiên, với người có hệ miễn dịch suy yếu, cúm có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Khi nhập viện trong tình trạng nặng, bệnh nhân có nguy cơ suy đa cơ quan, khiến quá trình điều trị trở nên khó khăn.

Cách điều trị cúm A tại nhà an toàn và hiệu quả

Cúm A là một bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh. Một số trường hợp có thể diễn tiến nghiêm trọng, gây suy đa tạng, thậm chí đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, với các ca bệnh nhẹ, người mắc cúm A có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.

Hướng dẫn cách ly để tránh lây nhiễm

Theo BSCKI. Dương Ngọc Vân (Bệnh viện Đa khoa Medlatec), ngay khi có dấu hiệu hoặc được chẩn đoán mắc cúm A, người bệnh cần thực hiện cách ly để tránh lây nhiễm cho người xung quanh.

Ở phòng riêng trong khoảng 7 ngày hoặc đến khi các triệu chứng thuyên giảm.

Hạn chế ra khỏi phòng, thực hiện tất cả hoạt động như ăn uống, vệ sinh cá nhân trong phòng riêng. Nếu phải ra ngoài, cần đeo khẩu trang và sát khuẩn tay.

Không dùng chung đồ cá nhân với người khác.

Tránh chạm vào các vật dụng dùng chung trong gia đình như tay nắm cửa.

Không tiếp xúc với nhóm có nguy cơ cao như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai.

Ai có nguy cơ gặp biến chứng nặng do cúm A?

Theo BS. Đặng Xuân Thắng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam), cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do các chủng virus như H1N1, H5N1, H7N9 gây ra. Hầu hết các trường hợp sẽ tự khỏi sau khoảng 7 ngày.

Tuy nhiên, một số đối tượng dễ gặp biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:

Trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy yếu.

Những người mắc bệnh lý nền như tim mạch, tiểu đường, hô hấp mãn tính.

Các biến chứng có thể bao gồm viêm phổi, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm não, tổn thương gan, thậm chí tử vong.

Cách nhận biết bệnh cúm A

Người mắc cúm A thường có các triệu chứng như:

Sốt, ho, đau đầu, mệt mỏi.

Hắt hơi, chảy nước mũi, đau họng.

Đau nhức cơ thể, có thể kèm theo tiêu chảy hoặc nôn mửa.

Hướng dẫn điều trị cúm A tại nhà

Với trường hợp cúm A nhẹ, người bệnh có thể tự điều trị tại nhà bằng cách:

1. Dùng thuốc giảm triệu chứng

Thuốc hạ sốt, giảm đau: Paracetamol hoặc ibuprofen (dùng khi không đáp ứng với paracetamol), theo đúng liều lượng khuyến cáo.

Bù nước và điện giải: Nếu sốt cao, nôn, tiêu chảy, có thể dùng dung dịch oresol để bổ sung.

Thuốc giảm ho, thông mũi: Sử dụng khi có triệu chứng ho, nghẹt mũi.

Thuốc kháng virus: Chỉ dùng theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua và sử dụng.

Chăm sóc hỗ trợ giúp hồi phục nhanh

Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh căng thẳng.

Ăn uống đủ chất, ưu tiên thực phẩm dễ tiêu như cháo, súp.

Uống nhiều nước, có thể bổ sung nước trái cây giàu vitamin C như cam, bưởi.

Tránh đồ uống chứa caffeine vì dễ gây mất nước.

Ngủ đủ giấc (khoảng 8 tiếng/ngày) để tăng cường miễn dịch.

Súc miệng nước muối ít nhất 2 lần/ngày để giảm đau họng.

Rửa mũi bằng nước muối sinh lý để giảm nghẹt mũi.

Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ để hạn chế lây lan virus.

Khi nào cần đến bệnh viện?

Người bệnh cần đến cơ sở y tế hoặc liên hệ bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu sau:

Người lớn:

Mệt mỏi nhiều, khó thở.

Đau tức ngực.

Có dấu hiệu mất nước (chóng mặt, không đi tiểu).

Bồn chồn, nôn nhiều, ăn uống kém.

Phụ nữ mang thai:

Các triệu chứng giống người lớn.

Đau bụng dưới, chảy máu âm đạo.

Trẻ nhỏ:

Sốt cao, co giật.

Cáu kỉnh, quấy khóc, bỏ ăn.

Sốt kéo dài hơn 3 ngày.

Tiêu chảy, nôn nhiều, dấu hiệu mất nước.

Ho kéo dài, bất thường về hô hấp.

Không tỉnh táo dù đã cắt sốt.

Không đi tiểu trong 8 giờ, khóc không có nước mắt.

Xuất hiện phát ban.

Việc nhận biết và điều trị cúm A đúng cách sẽ giúp hạn chế biến chứng và bảo vệ sức khỏe cho bản thân cũng như gia đình.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/nhiem-cum-a-trong-3-tuan-khong-khoi-phoi-nguoi-dan-ong-trang-xoa-phai-tho-may-d264341.html