Theo Gia đình & Xã hội, theo các chuyên gia y tế, một trong số những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường là do lối sống và môi trường sống ngày càng phát triển hiện nay. Thêm vào đó, ở người Việt có thói quen được duy trì từ lâu là ăn nhiều chất bột đường, ít chất xơ, đặc biệt ăn nhiều cơm trắng, đây là một trong những nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Thông thường đối với người bị tiểu đường, nhắc đến cơm trắng, người bệnh thường e ngại, thậm chí loại bỏ hoàn toàn thực phẩm này ra khỏi khẩu phần ăn của mình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng điều này là không nên, người tiểu đường vẫn có thể ăn cơm nhưng cần tùy thuộc vào tình hình sức khỏe và cân nặng của mình.
Theo giải thích của các chuyên gia y tế cơm trắng là loại có chỉ số đường huyết trong thực phẩm GI cao (GI=83) không tốt cho lượng đường trong máu nhưng lại chứa lượng carbohydrate cao, đáp ứng nhu cầu cần thiết của cơ thể.
Khi ăn cơm trắng đường hấp thu vào máu nhanh chóng, tuyến tụy phải làm việc nhiều hơn để giảm lượng đường máu tăng cao ấy, nhưng tuyến tụy ở người bệnh tiểu đường thường không hoạt động tốt nên việc tiết insulin kém hiệu quả hơn và từ đó làm tăng cao chỉ số đường huyết sau ăn.
Theo ThS. BS. Doãn Thị Tường Vi (Nguyên trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện 198), có nhiều người tiểu đường không dám ăn cơm vì sợ rằng cơm sẽ làm tăng đường huyết. Tuy nhiên, chính hành động này lại khiến người tiểu đường đối mặt với nguy cơ bị suy dinh dưỡng và hạ đường huyết quá mức, thậm chí dẫn đến hôn mê sâu và tử vong.
Chuyên gia cho hay, người tiểu đường vẫn cần duy trì đủ năng lượng với 4 nhóm chất cơ bản là đạm, tinh bột, chất béo và vitamin. Người có đường huyết cao vẫn có thể ăn cơm hàng ngày, nhưng cần ăn lượng vừa đủ và chỉ nên ăn phù hợp với thể trạng cơ thể, dựa trên lời khuyên của bác sĩ.
BS Tường Vi cho hay, thông thường bệnh nhân tiểu đường cần cắt giảm khoảng 10% tinh bột so với nhu cầu năng lượng bình thường mà cơ thể cần. Bù lại nên tăng 10% khẩu phần đạm.
2 loại cơm gạo tốt nhất dành cho người bị tiểu đường
Thay vì cơm trắng, người bị tiểu đường có thể lựa chọn loại 2 loại cơm khác để đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý nhưng không làm tăng đường huyết sau ăn. Đó là:
– Cơm gạo lứt:
Gạo lứt giàu chất dinh dưỡng như protein, vitamin nhóm B (vitamin B1, vitamin B6, vitamin B3), vitamin E, magie, mangan, sắt và cung cấp nhiều chất xơ. Lớp cám có trên hạt gạo lứt giúp insulin trong cơ thể được tổng hợp hiệu quả.
Ăn gạo lứt tốt cho các bệnh tim mạch, tăng huyết áp và việc kiểm soát cân nặng. Chất xơ giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả, chống táo bón, nhuận tràng, giúp làm chậm quá trình đường hấp thu vào máu, tốt đối với bệnh tiểu đường.
– Gạo mầm:
Gạo mầm là gạo lứt còn nguyên phôi, sản phẩm từ quá trình nảy mầm của gạo lứt. Gạo mầm chứa lượng đường tương đối thấp nên không làm tăng cao lượng đường trong máu của bệnh nhân sau ăn. Gạo mầm còn chứa lượng chất xơ gấp 3 lần gạo trắng tốt cho người tiểu đường.
Ngoài ra, cần bổ sung các loại rau củ giàu chất xơ, bổ sung vitamin và các chất dinh dưỡng khác mà lại ít carbohydrate. Các loại rau người tiểu đường khuyến khích nên ăn là rau súp lơ xanh, nấm, cà tím, rau bina, bí đao….
Chuyên gia chỉ cách ăn cơm trắng mà không làm đường huyết tăng cao
Thực tế cũng cho thấy, nhiều người tiểu đường chỉ ăn nửa bát cơm 1 bữa nhưng đường huyết vẫn tăng cao, khiến họ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như suy thận, suy tim, đột quỵ, mờ mắt, hoại tử chi. Nguyên nhân chính là do người tiểu đường chưa biết cách ăn đúng.
Thứ tự ăn của người bị tiểu đường là nên ăn rau trước rồi ăn thức ăn và cơm sau. Ảnh minh họa
Theo chuyên gia, thứ tự ăn đúng mà người tiểu đường nào cũng cần nhớ đó là ăn rau trước rồi ăn thức ăn và cơm sau. Lượng chất xơ trong rau sẽ điều chỉnh tốc độ, làm chậm quá trình hấp thu đường vào cơ thể.
Vì chất xơ hòa tan làm cho carbohydrate mà chúng ta ăn vào mất nhiều thời gian để được chuyển hóa thành glucose. Kết quả là sự phóng thích lượng đường hấp thu vào máu sau ăn có khuynh hướng xảy ra chậm hơn, giúp đường huyết không tăng cao sau khi ăn, và giúp làm giảm stress trên quá trình tổng hợp đường của cơ thể.
Bên cạnh đó, khi ăn chất xơ, chúng ta phải nhai nhiều hơn, dạ dày sẽ trở nên căng ra, nó sẽ gửi tín hiệu ức chế sự thèm ăn về não. Nhờ vậy, sẽ tạo cảm giác no lâu, khiến người bệnh tiểu đường ăn ít cơm và các loại chất bột đường trong bữa ăn hơn.