Anh Trương Văn Phúc, 34 tuổi, sinh ra và lớn lên ở xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang). Anh Phúc kể, trước đây, gia đình nuôi chim trĩ, gà sao, gà H’Mông, gà Đông Tảo… nhưng giá cả bấp bênh, thu nhập không cao.
Năm 2009, anh Phúc tình cờ biết đến mô hình nuôi chim công nên tìm hiểu. Thấy loài chim quý này có bộ lông sặc sỡ, múa đẹp, dễ nuôi mà thị trường đang khan hiếm nên anh Phúc mê ngay. “Sau đó, tôi quyết định mua 3 cặp chim công giống Ấn Độ về nuôi thử”, anh Phúc nhớ lại.
Chim công anh Phúc đang nuôi trong trang trại
Anh Phúc lên mạng tìm hiểu cách nuôi chim công, cộng với việc có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực nuôi gia cầm nên việc nuôi loài chim quý này của anh gặp nhiều thuận lợi. Từ số con giống mua được, anh Phúc liên tục tăng đàn công lên hơn trăm con.
“Sau thời gian nuôi, tôi thấy chim công có nhiều ưu điểm như giá trị kinh tế rất cao, thu nhập ổn định; thị trường tiêu thụ công luôn ổn định, có thể bán cho các khu du lịch, khu vui chơi, khu biệt thự… Đặc biệt, hiện nay rất nhiều người dân chọn nuôi chim công để phát triển kinh tế gia đình”, anh Phúc tâm sự.
Theo anh Phúc, chim công là loài động vật có nguồn gốc hoang dã nên sức đề kháng tốt, tỷ lệ nuôi sống cao. Thức ăn đơn giản, dễ kiếm, chủ yếu là lúa, bắp, rau xanh… và bổ sung thêm tôm, tép, côn trùng.
Chim công trắng
Chim công xám
Chim công xanh trong trại của anh Phúc
Trong trại của anh Phúc hiện có các loài chim công như: chim công xanh Ấn Độ, chim công trắng; công ngũ sắc và các loại cực quý hiếm như chim công hoa, chim công xám, chim công tím…
Hiện, trang trại anh Phúc rộng khoảng 2.000 m2 với nhiều chuồng. Mỗi chuồng rộng 6m2, thả 1 con trống, 2 con mái. Hoặc nuôi nhiều chim công trong 1 chuồng ruộng khoảng 20m. Xung quanh chuồng phải rào lưới B40, phủ bạt để tránh mưa và công bay ra ngoài.
“Nuôi chim công khá đơn giản, ngày cho ăn hai lần. Chim công từ lúc nuôi đến sinh sản mất khoảng 2 năm. Mỗi năm chim công mái đẻ khoảng 30 trứng. Do chim công ấp trứng kém nên thường tôi lấy trứng vào cho gà ấp thay; hoặc dùng máy ấp công nghiệp, tỷ lệ trứng nở thành công đạt hơn 80%. Chim công con được nuôi trong phòng tối, có bật đèn vàng để giữ ấm. Chim công được hơn 2 tháng tuổi thì mình sẽ tiêm vacxin cho chúng”, anh Phúc nói.
Chim công trưởng thành có giá từ 15 triệu đến 50 triệu/cặp, tùy vào giống
Chim công giống từ 2-3 tháng tuổi có giá từ 4-5 triệu đồng/cặp (tùy giống). “Chim công nhiều giá khác nhau, tùy vào độ đẹp xấu; tùy loài giống mà có giá từ 15 triệu đến vài chục triệu đồng/cặp. Chim công hoa và chim công xám hiện nay có giá cao nhất, khoảng 50 triệu đồng/cặp”, anh Phúc nói.
Vẫn theo anh Phúc, chim công đẹp khi có tướng cao ráo, cặp chân và mỏ thẳng, lông xòe rộng có màu sặc sỡ. Anh Phúc còn tích trữ lông công rụng để bán vào dịp Tết.
“Trung bình mỗi năm, trừ hết chi phí tôi lời từ 400 -500 triệu đồng từ đàn chim công này”, anh Phúc cho biết.
Chim công đẹp nhất khi chúng xòe cánh múa
Mỗi năm anh Phúc thu nhập từ đàn chim công từ 400-500 triệu đồng
Hiện nay, ngoài sở hữu đàn chim công quý hiếm, anh Phúc còn đang rất tâm huyết với giống chanh dây ngọt rất đặc biệt. Theo anh Phúc, đây là giống chanh dây “đột biến”, khi chín có màu hồng đẹp mắt và ngọt thanh. Đặc biệt, giống chanh dây ngọt này cho trái rất nhiều.