Chóng mặt
Chóng mặt có thể là kết quả của việc đứng lên quá nhanh hoặc thiếu nước. Tuy nhiên, chóng mặt tới mức thấy mọi thứ xung quanh quay cuồng hoặc có cảm giác lâng lâng, đó có thể là những dấu hiệu cho thấy não của bạn đang có vấn đề. Triệu chứng này cũng có thể là dấu hiệu của các tình trạng liên quan tới hệ tiêu hóa, thị lực hoặc tai trong.
Chóng mặt cũng là hậu quả của đường huyết cao hoặc thấp, bệnh đái tháo đường, bệnh lý về tuyến giáp hoặc tim mạch. Do đó, nếu tình trạng chóng mặt kéo dài mà không cải thiện, hãy tới gặp các bác sĩ để được tư vấn, đặc biệt là chóng mặt kèm theo nôn hoặc buồn nôn.
Đổ quá nhiều mồ hôi
Việc ra quá nhiều mồ hôi, hay còn gọi là tăng tiết mồ hôi, có thể là hậu quả của mãn kinh, béo phì, tập luyện quá sức, lo âu hoặc stress và kể cả là ăn quá nhiều đồ ăn cay.
Tuy nhiên, tiết quá nhiều mồ hôi cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề về tuyến giáp, đái tháo đường hoặc bệnh lý về tim.
Theo PGS.TS Adam Friedman – Trưởng khoa da liễu, Trường Y, Đại học George Washington (Mỹ) cho biết, tiết mồ hôi là cách cơ thể kiểm soát nhiệt độ. Tuy nhiên, nếu lượng mồ hôi tiết ra cao gấp nhiều lần so với bình thường, ngay cả khi bạn đang không bị nóng, không căng thẳng và thậm chí chỉ đang thư giãn và ngồi xem tivi, đó là điều bất thường.
“Tăng tiết mồ hôi có thể liên quan tới một số tình trạng bệnh lý tiềm ẩn như đái tháo đường, cường giáp, một số bệnh nhiễm trùng hoặc thậm chí là ung thư. Việc dùng một số loại thuốc như thuốc huyết áp, thuốc điều trị trầm cảm cũng có thể gây tăng tiết mồ hôi.”
Cơ thể luôn cảm thấy lạnh
Tình trạng luôn cảm thấy lạnh có thể là dấu hiệu của hàng loạt các vấn đề sức khỏe bao gồm suy giáp, thiếu máu, tuần hoàn kém hoặc suy dinh dưỡng.
Suy giáp là tình trạng tuyến giáp sản xuất quá ít hormone để điều chỉnh quá trình trao đổi chất và nhiệt độ cơ thể. Theo chuyên gia, cơ thể có cơ chế tự điều chỉnh để nhiệt độ luôn duy trì ở mức bình thường. Hơn nữa, hạ đường huyết, thiếu sắt hoặc thiếu một số vitamin nhất định cũng là thủ phạm có thể dẫn tới hạ nhiệt độ cơ thể.
Cân nặng giảm đột ngột
Giảm cân không rõ nguyên nhân thường là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như ung thư dạ dày, bệnh về tuyến giáp, bệnh tim mạch, bệnh Parkinson, AIDS, các vấn đề tiêu hóa, răng miệng, trầm cảm hoặc rối loạn lo âu.
Hơn nữa, giảm cân cũng có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc, là dấu hiệu của đái tháo đường, nhiễm giun sán, rối loạn ăn uống, sưng tuyến tụy, suy giảm trí nhớ.
Để xác định được nguyên nhân chính xác gây giảm cân, bạn cần tới các cơ sở y tế để được kiểm tra, thăm khám.
Xuất hiện nốt ruồi bất thường trên da
Nốt ruồi hoặc các đốm bất thường trên da có thể không phải là dấu hiệu của ung thư da nếu chúng có hình tròn, viền đối xứng và không thay đổi.
Tuy nhiên, theo Tổ chức Ung thư Da Hoa Kỳ, nếu nốt ruồi hoặc đốm trên da có thay đổi về kích thước, bờ không rõ ràng và không đối xứng, chúng có thể là dấu hiệu của ung thư da.
Theo đó, tổ chức này khuyến cáo bạn nên thường xuyên kiểm tra da, nếu thấy các nốt ruồi bất thường có các đặc điểm kể trên, hãy tới bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa để được thăm khám.