Giáo viên sẽ được trả lương theo bảng lương mới
Theo báo Lao động, căn cứ theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, giáo viên là đối tượng được thực hiện cải cách tiền lương dự kiến từ 1.7.2024.
So với hiện nay, lương giáo viên trong khu vực công sẽ được bổ sung thêm tiền thưởng, cụ thể:
Một bảng lương chức vụ dành cho giáo viên giữ chức vụ lãnh đạo trong trường học như Hiệu trưởng, phó Hiệu trưởng…
Một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng với giáo viên không giữ chức danh lãnh đạo. Bảng lương này sẽ bao gồm nhiều bậc lương và những người làm cùng mức độ phức tạp công việc thì lương bằng nhau, giáo viên sẽ được hưởng lương cao hơn nếu có điều kiện lao động cao hơn…
Riêng giáo viên là người lao động thì sẽ được điều chỉnh lương tối thiểu vùng và được trả lương theo thỏa thuận giữa trường học với giáo viên đó gắn với năng suất và kết quả lao động.
Giáo viên sẽ được sắp xếp lại các khoản phụ cấp
Cũng giống cán bộ, công chức, viên chức khác, giáo viên là viên chức sẽ được sắp xếp lại chế độ phụ cấp khi cải cách tiền lương. Tuy nhiên, dù sắp xếp lại thì cơ cấu phụ cấp của giáo viên vẫn phải chiếm 30% tổng quỹ lương. Cụ thể:
Vẫn giữ lại các loại phụ cấp: Phụ cấp kiêm nhiệm, thâm niên vượt khung, khu vực, trách nhiệm công việc, lưu động…
Gộp các loại phụ cấp: Phụ cấp ưu đãi theo nghề, trách nhiệm theo nghề, độc hại nguy hiểm thành phụ cấp theo nghề; phụ cấp đặc biệt, thu hút và trợ cấp công tác lâu năm thành phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn…
Bãi bỏ các khoản phụ cấp: Thâm niên nghề, chức vụ lãnh đạo,… khoản phụ cấp thâm niên nghề sẽ khá cao với những đối tượng có thâm niên lâu năm.
Trao đổi với Báo Lao Động, cô Nguyễn Thị Hương – giáo viên tại trường THPT tại Hà Tĩnh cho biết, trước ngày 1.7.2023, cô Hương là giáo viên hạng I, được nhận hệ số lương 5,08 tương đương với số tiền lương là 7,56 triệu đồng/tháng.
Từ sau ngày 1.7.2023, khi áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, mức lương của cô Hương tăng lên 9,14 triệu đồng/tháng (mức lương chưa cộng thêm các khoản phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp, phụ cấp thâm niên).
“Công tác 14 năm trong nghề, sau khi nhận được mức lương này, bản thân tôi rất mừng vì nhận được sự quan tâm của ngành Giáo dục. Tăng lương sẽ góp phần làm thu nhập gia tăng đáng kể, phần nào giải quyết được những trăn trở của đội ngũ giáo viên” – cô Hương cho hay.
Cũng theo cô Hương, hiện nay, giáo viên THPT mới vào ngành được xếp hạng III có hệ số lương 2,34, phụ cấp ưu đãi 30%, lương khởi điểm khoảng 5,4 triệu đồng mỗi tháng; giáo viên THPT hạng I cao nhất có hệ số lương 6,78 thêm phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, phụ cấp thâm niên vượt khung có thể thực nhận lương trên dưới 20 triệu đồng mỗi tháng.
“Đối với mỗi giáo viên sẽ có các hệ số lương và cấp bậc khác nhau. Hiện nay, đối với giáo viên THCS hạng I cao nhất có hệ số lương 6,78 thêm phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, phụ cấp thâm niên vượt khung có thể thực nhận lương trên 18 triệu mỗi tháng.
Với hệ số lương cao nhất là 6,78, giáo viên THPT hạng I sẽ nhận được mức lương là 12,204 triệu đồng/tháng. Sau khi cộng thêm các khoản phụ cấp khác, mức thu nhập có thể lên tới gần 20 triệu đồng/tháng” – cô Hương cho biết thêm.
Về mức lương sẽ thay đổi diễn ra vào ngày 1.7.2024 tới đây, cô Ngô Thị Lê – giáo viên tại Hải Phòng bày tỏ hy vọng:
“Việc dự kiến thực hiện cải cách tiền lương từ 1.7.2024 rất có thể làm thay đổi cơ bản chính sách tiền lương của nhiều đối tượng, trong đó có giáo viên. Tôi dự đoán, khi thực hiện cải cách tiền lương 2024, mức lương mới của giáo viên sẽ không thấp hơn mức lương đang hưởng. Nhất là việc giáo viên có nhiều năm công tác cộng thêm các khoản phụ cấp sẽ có thể nhận tới mức 20 triệu đồng/tháng”.