“Mẹ, mẹ đang làm gì vậy?”, cậu bé chào mẹ bằng một giọng dịu dàng, sau đó nói với mẹ một câu thật ấm lòng nhưng cũng vô cùng xót xa, không ai ngờ tới.
Khi một cuộc hôn nhân tan vỡ, không chỉ hai người lớn tổn thương mà những đứa trẻ cũng chịu đả kích rất lớn. Một tờ giấy được hai bên ký tên là dấu chấm hết của hôn nhân, nhưng đối với con cái, cả cha và mẹ vẫn là cha mẹ trước đây, sống với cha thì nhớ mẹ, sống với mẹ cũng nhớ thương cha, thật ra đứng giữa ngã ba dù lựa chọn bên nào cũng vô cùng khó xử.
Người ta thường nói tình cha, tình mẫu tử là lớn, nhưng đâu biết con cái yêu cha mẹ đến nhường nào. Câu chuyện của Hanghang, một cậu bé 5 tuổi ở Trung Quốc mới đây khiến nhiều cư dân mạng xót xa, nguyên nhân bắt nguồn từ cuộc trò chuyện giữa em bé và mẹ trong đoạn video.
“Mẹ, mẹ đang làm gì vậy?”, Hanghang chào mẹ bằng một giọng dịu dàng, sau đó cậu bé nói với mẹ một câu thật ấm lòng nhưng cũng vô cùng xót xa, không ai ngờ tới.
Hanghang hỏi mẹ cô đã kết hôn chưa? Đồng thời nhắc mẹ: “Mẹ à, mẹ đang có em bé trong bụng nên không cần phải đến gặp con đâu. Mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe, chăm sóc cho em bé và đừng để em khó chịu nhé. Con sẽ nghe lời bố, không sao đâu”.
Cậu bé ngoan ngoãn ngồi đó, nhưng trong lời nói, ai cũng nhận thấy như em vẫn hy vọng khi mẹ rảnh rỗi, mẹ có thể đến thăm mình. Đoạn hội thoại khiến nhiều người xót xa, một số phụ huynh cho rằng họ không cầm được nước mắt và “trái tim họ như bị ai bóp nghẹt” vì em quá đáng thương.
May thay sau đó, bố của Hanghang đã lên tiếng, anh cho rằng dù hai vợ chồng ly hôn khi con còn nhỏ nhưng cả hai vẫn luôn quan tâm, đối xử tốt với con. Lý do cậu bé nói chuyện với mẹ lần này là vì bố nói với Hanghang rằng mẹ đang mang thai, con nên gọi hỏi thăm, không ngờ cậu bé lại nói nhiều điều như vậy.
Đừng biến đứa trẻ thành nạn nhân trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc
Ngày nay, nhiều cặp vợ chồng không còn liên lạc sau khi ly hôn, hoặc không quan tâm đến con, hoặc một bên nuôi con, ngăn cản bên kia thăm nom. Mối quan hệ giữa hai bên người lớn thì cứng nhắc và đứa trẻ thì tiến thoái lưỡng nan. Với Hanghang, dù cậu bé 5 tuổi này sống trong một gia đình đơn thân, cha mẹ cậu vẫn rất có trách nhiệm giáo dục, quan tâm, nhờ vậy cậu bé lớn lên rất tình cảm và hiểu chuyện.
Để thích nghi cuộc sống mới, với người lớn đã khó nhưng với con trẻ chuyện này còn khó hơn bội phần. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh khi có dự tính tái hôn thường chuẩn bị tâm lý rất kỹ cho con cái. Điều này giúp trẻ thích nghi với cuộc sống mới tốt hơn và quan trọng hơn đó chính là họ cho các con thấy dù có gia đình mới thì vẫn không ai có thể thay thế vị trí bố mẹ của các con và tình yêu dành cho con vẫn không thay đổi.
Khi có con riêng, chuyện đối xử với trẻ lại càng cần tế nhị và khéo léo hơn. Nếu như trước đây khi cha/mẹ chỉ yêu thương mình em, không bao giở để em chịu thiệt thòi dù chỉ một chút thì nay khi xuất hiện một người mới trong gia đình cũng là khi em phải học cách chia sẻ tình cảm ấy.
Lúc này, cảm xúc “sợ mất” hay cảm giác “ghen tị” muốn dành lấy mẹ/cha của các em là điều dễ hiểu. Thậm chí nhiều em còn bộc lộ cảm xúc ấy theo chiều hướng tiêu cực, bướng bỉnh. lì lợm với mục đích sau cùng là thu hút sự chú ý của các bậc phụ huynh để nhận được sự quan tâm nhiều hơn.
Vì vậy, sự chuẩn bị tâm lý kỹ từ các bậc phụ huynh và tình yêu thương của những người lớn sẽ giúp con trẻ dễ dàng thích nghi với cuộc sống mới. Hãy để trẻ em cảm thấy một loại “sự trọn vẹn” khác và không tước bỏ quyền của chúng – quyền được yêu thương.