Ngỡ rằng 3 năm qua người mẹ đã làm rất tốt, nào ngờ đâu trong lòng của con gái vẫn tồn tại sự nghi ngờ và những cảm xúc lo lắng tiêu cực.
Cách đây vài ngày, một người phụ nữ vì bận công việc nên đã đến trường đón con gái riêng của chồng trễ giờ. Khi cô vội vã chạy đến nơi, chứng kiến cô gái nhỏ lủi thủi ngồi một góc dưới ánh đèn đường, trong lòng cảm thấy hối hận khó tả.
Không ngờ đứa trẻ khi vừa nhìn thấy người mẹ kế đã nhanh chóng với lấy cặp sách, chạy vội đến bên mẹ và nói trong nước mắt: “Mẹ ơi, sao mẹ đến đón con? Con tưởng mẹ không muốn con nữa”. Nhìn bộ dạng của cô bé, người mẹ kế xúc động và đau lòng biết mấy, ôm chầm lấy con vào lòng mà an ủi.
Theo chia sẻ của người mẹ, 3 năm trước cô đã kết hôn với bố của cô bé. Bình thường đứa trẻ này luôn tỏ ra ngoan ngoãn, hiểu chuyện, biết cách cư xử và luôn gọi cô là mẹ.
Người mẹ cũng hiểu rằng một đứa trẻ có bố mẹ ly hôn, tâm lý sẽ rất nhạy cảm, trong lòng dù sao cũng có nhiều tổn thương. Cô luôn hy vọng rằng sự yêu thương, quan tâm và chăm sóc của mình sẽ giúp cho con gái cảm nhận được cô luôn coi cô bé là con gái ruột thịt.
Ngỡ rằng 3 năm qua người mẹ đã làm rất tốt, nào ngờ đâu trong lòng của cô con gái vẫn tồn tại sự nghi ngờ và những cảm xúc lo lắng tiêu cực.
Trẻ em có cha mẹ ly hôn thường thiếu cảm giác an toàn
Đối với trẻ em, mối quan hệ hài hòa, ổn định và tình yêu của bố mẹ dành cho trẻ là nguồn cảm giác an toàn lớn nhất. Khi bố mẹ ly hôn và khi bố hoặc mẹ đi thêm bước nữa, cảm giác an toàn, tin tưởng trong lòng trẻ sẽ bị phá vỡ hoàn toàn.
Phải đối diện với một người bố hoặc một người mẹ xa lạ, bị ép buộc phải xem họ là bố mẹ ruột thịt, tự nhiên đứa trẻ sẽ tràn ngập cảm giác bất an, sợ hãi và càng không có được cảm giác an toàn.
Nếu trẻ không được sự quan tâm từ phụ huynh, xây dựng lại cho trẻ niềm tin, củng cố sự yêu thương, trẻ sẽ rất dễ gặp trở ngại tâm lý, dẫn đến những cảm xúc tiêu cực hoặc các hành động phản kháng cực đoan.
Giảm tổn thương cho trẻ khi bố mẹ ly hôn
Khi cha mẹ ly dị, nên cởi mở với con cái, thẳng thắn nói với con về sự thật và lý do ly hôn. Hãy đảm bảo con hiểu rằng, bố mẹ chia tay là quyết định riêng chứ không phải do con gây ra. Đừng để đứa trẻ nghi ngờ, thậm chí cho rằng tất cả mọi thứ là sai lầm của chúng.
Điều quan trọng không kém đó là phụ huynh cần chú ý đến việc tạo dựng cảm giác an toàn của trẻ sau khi tái hôn. Chẳng hạn như quan tâm đến con nhiều hơn, nói chuyện và chia sẻ để hiểu về suy nghĩ và cảm giác của con, giúp con thích nghi với cuộc sống mới, vun đắp các mối quan hệ mới.
Hãy cho trẻ đủ thời gian để tiếp nhận và tập làm quen, chấp nhận những “người mới” trong cuộc sống của chúng. Bố mẹ tuyệt đối không nên vội vàng ép buộc trẻ, cũng đừng nhanh chóng cho rằng con có thái độ ngỗ ngược hay hỗn hào với người bố, người mẹ kế vì chắc chắn chỉ mang tác dụng ngược lại.