Người ta thường nói với nhau rằng, có lập gia đình có con cái mới hiểu hết nỗi lòng cha mẹ. Bởi cha mẹ chẳng những hy sinh vì con vì cháu, vun vén trước sau cho hạnh phúc gia đình của con mà khi nghe thấy 2 vợ chồng con lời qua tiếng lại là cha mẹ đứng ở giữa tìm cách giảng hòa.
Vậy nên, khi con nói đến chuyện ly hôn thì người đau khổ nhất vẫn chính là các bậc làm cha làm mẹ. Như câu chuyện dưới đây, dù con trai và con dâu đã ly hôn được 7 năm nhưng mẹ chồng vẫn đứng đợi 3 tiếng ngoài cửa để gặp con gặp cháu khiến ai nấy cũng phải xót xa, lòng đau như thắt.
Thấy bà nội ngồi đó, 3 đứa nhỏ ríu rít gọi “Bà ơi, bà ơi” rồi chạy thật nhanh tới vòng tay ấm áp của bà.
Một người phụ nữ cùng 3 đứa trẻ cùng bước ra khỏi thang máy. Đối diện cửa thang máy là cầu thang bộ nơi một bà cụ khoảng 60 tuổi có mái tóc bạc, nước da ngăm đen, khuôn mặt buồn rầu khắc khổ đang ngồi ở lối lên cầu thang.
Khi thấy bà cụ ngồi đó, cả 3 đứa trẻ đều chạy đến ôm chầm lấy bà rồi gọi “Bà ơi, bà ơi!” vô cùng trìu mến. Thì ra đây chính là mẹ chồng của người phụ nữ này, bà cũng là bà nội của 3 đứa nhỏ.
Thấy con thấy cháu khỏe mạnh, đôi môi của bà nội liền nở một nụ cười thật tươi, khóe mắt đỏ lên rưng rưng nước mắt, vui sướng không nói lên lời. Người con dâu liền hỏi mẹ chồng, sao mẹ lại ở đây. Bà đáp, bà muốn gặp con gặp cháu từ lâu rồi, khó khăn lắm bà mới có thể đến đây 1 lần. Con dâu nói tiếp, sao mẹ không gọi điện cho con.
Nhớ con nhớ cháu mà phải khó khăn lắm bà mới tới được đến đây để đưa cho con cho cháu số tiền mình tiết kiệm được.
Lúc này bà không nói gì, bà chỉ lấy từ trong túi ra một xấp tiền rồi đưa cho con dâu và bà ngậm ngùi nói, đây là tiền tiết kiệm của cha mẹ, con giữ lấy mà nuôi các cháu. Con dâu một mực từ chối song bà dúi vào tay con nói: “Con cầm đí!”. Cuối cùng, người con dâu đành nhận số tiền, 3 đứa nhỏ thấy vậy liền kéo bà nội vào nhà ngồi chơi.
Thế nhưng, bà vội vàng quay lưng bước đi vì không muốn con cháu nhìn thấy những giọt nước mắt của mình. Bà chỉ kịp nói ngoái lại: “3 đứa ngoan, hôm sau bà nội sẽ tới gặp các con”.
Vừa nói bà vừa đi, 1 tay bám vào lan can 1 tay quệt ngang những dòng nước mắt đang tuôn rơi, ai chứng kiến khung cảnh này chắc hẳn đều rất đau lòng. Được biết, ngày trước khi chung sống cùng 1 mái nhà mẹ chồng coi con dâu như “con gái”. Ấy thế mà đến nay, bà chỉ dám nhìn “con gái” cùng các cháu của mình từ xa, lâu lâu mới dám đến thăm 1 lần, cho con cháu đồng quà tấm bánh.
Con dâu thương mẹ chồng, mẹ chồng cũng thương con dâu nhưng duyên phận giữa con dâu và con trai mình đã hết, bà đành gạt nước mắt để đứa con mình coi như “con gái” và các cháu ra đi.
Nguyên nhân chính của sự đổ vỡ này lại chính là do con trai bà, làm bà vô cùng đau lòng. Dẫu bà có khuyên can thế nào, cậu con trai cũng không nghe bà, bà cũng đành bất lực mà nhìn “con gái” và cháu nội ra đi. Thế mới thấy, khi ly hôn mỗi người đều có cuộc vui riêng của mình nhưng người ở giữa là bố mẹ, con cái lại đau khổ biết bao nhiêu. Máu chảy ruột mềm, là con là cháu làm sao ông bà có thể bỏ đi cho được. Ông bà nhớ thương con cháu chỉ muốn bù đắp cho chúng song lực bất tòng tâm.
Bởi thế, mỗi chúng ta khi bước vào một mối quan hệ nghiêm túc hãy suy xét cẩn thận trước khi quyết định ký tên vào tờ giấy kết hôn, để sau này không phải hối hận. Cũng như, khiến gia đình êm ấm phải ly tán, để các con được nhận đầy đủ tình cảm của ông bà, bố mẹ và nhất là để bố mẹ không phải đau lòng như câu chuyện của bà cụ ở trên nhé!
Hương Phạm