Mắc UT năm 22 tuổi, nữ sinh Sư phạm chia sẻ những dấu hiệu không nên bỏ qua
Theo Phụ nữ mới, Phương Thảo (SN 2002, sinh viên năm cuối của Trường Đại học Sư phạm Thành Phố Hồ Chí Minh) vừa kết thúc đợt hóa trị lần thứ 4. Theo phác đồ điều trị căn bệnh UT máu, cô còn 2 đợt truyền hóa chất nữa, sau đó sẽ tiến hành ghép tủy.
Thảo bắt đầu nhận ra dấu hiệu bệnh của mình vào tháng 3/2023. Cô kể: “Hôm đó mình đang chăm sóc da thì để ý thấy trên cổ bị nổi cục hạch nhỏ. Sau đó, mình đi khám sức khỏe, được tư vấn chọc hút khối u để xét nghiệm và nhận được kết quả hạch viêm. Lúc đó bác sĩ có đề nghị mình sinh thiết nhưng chần chừ mãi cuối cùng mình lại không thực hiện. Sau đó, mình lại trở về cuộc sống bình thường”.
Ảnh: NVCC
Tuy nhiên đến tháng 12/2023, cô bắt đầu có dấu hiệu chán ăn, giảm cân nhẹ, quan sát thấy hạch trên cổ ngày càng sưng to, khuất cả xương đòn phải. Sau khi đi khám lại, làm sinh thiết khối u, kết quả chẩn đoán cô gái trẻ đã mắc bệnh u lympho tế bào lớn bất sản, đây là một loại UT máu.
Tiếp tục thực hiện xét nghiệm máu, xét nghiệm tủy xương, PET CT… kết quả cho thấy bệnh của cô đã ở giai đoạn 2
Thảo nói, sau khi mắc UT cô mới nhận ra một sự thật rằng: UT không phải căn bệnh của người lớn tuổi.
“Mình và có lẽ nhiều bạn trẻ từng tin rằng UT là bệnh chỉ gặp ở người già. Nhưng khi đi điều trị, mình đã gặp các bệnh nhân ở đầy đủ mọi lứa tuổi, từ mười mấy, hai mấy cho đến 40, 50, 60… đều có đủ. Do đó các bạn trẻ như mình nhất định không được chủ quan chăm sóc và khám sức khỏe định kỳ”, Phương Thảo nhắn nhủ.
Biết mình mắc UT vào năm 22 tuổi, đã có lúc Phương Thảo không tránh khỏi những cảm xúc tiêu cực. Thời điểm đầu, cô cho phép bản thân giải tỏa bằng cách khóc thật nhiều. Khi đã bình tĩnh lại, Thảo bắt đầu trò chuyện, lắng nghe nhiều hơn với các đồng bệnh.
Ảnh: NVCC
Trải qua nửa năm điều trị UT, Thảo chưa bao giờ ngừng lạc quan, mạnh mẽ dù đôi khi hóa chất làm cô thấy đuối sức. Cô gái trẻ kể, hóa trị đem lại rất nhiều tác dụng phụ, bao gồm đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, buồn nôn, chán ăn, ăn không ngon, đắng miệng, khó ngủ, rụng tóc, dễ tủi thân…
Phương Thảo nói, trong những ngày nằm viện cô thường cố gắng để bản thân không quá rảnh rỗi, tránh suy nghĩ tiêu cực. Cô thường làm những gì bản thân yêu thích như tô tranh, chơi lego, đọc sách… Thảo cũng dành nhiều thời gian để lên kế hoạch cho tương lai, nghĩ ra những gì bản thân phải làm sau khi xuất viện, chính điều đó đã tạo động lực để Thảo mạnh mẽ, chiến đấu với bệnh tật.
Cảnh báo 3 thói quen giới trẻ nên thay đổi
Suốt thời gian nằm viện, Phương Thảo đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về bệnh, cô nhận ra có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến bệnh UT.
“Đầu tiên, UT có thể là do di truyền, tức là trong nhà đã từng có người thân mắc căn bệnh của mình, tuy nhiên trong nhà mình thì không có một ai bị ung thư cả. Thứ hai là do thói quen ăn uống, sinh hoạt. Thứ ba do thức khuya, lịch sinh hoạt không cân bằng. Cuối cùng là do bỏ bê cơ thể, không chịu thăm khám“, Thảo nói.
Phương Thảo cũng chia sẻ với các bạn trẻ rằng, hãy biết trân trọng sức khỏe nhiều hơn, mọi người cần:
1. Đi ngủ sớm
Thảo nói, trước đây cô là người thức rất khuya, thường thức đến 1-2h sáng mới ngủ, thậm chí có khi ôn bài cô thường thức đến 5-6h sáng. Đây là một trong những thói quen có thể gây UT. Kể từ khi phát hiện bệnh, cô đã từ bỏ thói quen xấu này và tập ngủ sớm hơn.
2. Từ bỏ thói quen uống trà sữa
Thảo kể, trước đây cô là một người nghiện trà sữa và cực kì ít uống nước, 1 tuần cũng phải uống đến 5-6 ly. Từ khi biết bệnh, cô từ bỏ thói quen này, thay vào đó uống nước lọc, nước cam, nước củ dền, ăn các loại trái cây vỏ dày… nhiều hơn.
3. Không ra ngoài ăn nhiều, chủ yếu ăn cơm tự nấu
Phương Thảo cho biết, cô được bác sĩ giải thích rằng nguyên nhân gây bệnh UT chủ yếu xuất phát do môi trường. Đặc biệt ngày nay thực phẩm thường chứa nhiều gia vị, hóa chất… do đó giờ đây cô đã từ bỏ việc sử dụng đồ ăn mua sẵn ngoài quán, thay vào đó thường ăn đồ tự nấu tại nhà để đảm bảo an toàn.
“Chính vì hầu như là thay đổi toàn bộ thói quen trước đây, nên mình bắt đầu tập nghĩ cho bản thân, hiểu cơ thể, mình bắt đầu nghe kinh, mình tập thiền… và tìm những hoạt động giải trí khác như tô tượng, tô tranh,… để tự tạo niềm vui giúp mình lạc quan chiến đấu trong giai đoạn bệnh”, Phương Thảo nói.
Ảnh: NVCC
Ngoài ra, cô gái trẻ cũng nhấn mạnh rằng giới trẻ không nên bỏ qua việc tự quan sát các dấu hiệu trên cơ thể. Nếu như nhận thấy trên người xuất hiện u cục, chán ăn, giảm cân… thì nên đi khám càng sớm càng tốt, bởi UT càng được điều trị sớm thì tỉ lệ khỏi bệnh càng cao.
“Hơn nữa, nếu dấu hiệu đó không phải là ung thư thì mình cũng có thể biết được tình trạng sức khỏe hiện tại ra sao để thay đổi các thói quen lành mạnh hơn cho bản thân“, Phương Thảo nhắn nhủ.