Tôm là loại hải sản được nhiều người yêu thích vì có vị ngon ngọt lại rất bổ dưỡng. Tôm chứa nhiều đạm, không chứa chất béo, ít calo, giàu canxi…
Tôm có thể đem nướng, luộc, hấp, chiên, xào, nấu cháo, súp… đều hấp dẫn, tạo ra các món ăn ngon. Tuy nhiên, luộc tôm là cách chế biến đơn giản nhất lại giữ trọn hương vị ngon ngọt của nguyên liệu. Nhiều người khi luộc tôm tại nhà không biết làm đúng cách nên gặp tình trạng tôm bị nhạt, bở và tanh.
Để luộc tôm ngon, bạn cần một số bí quyết dưới đây.
Chọn tôm ngon
Để có món tôm luộc ngon, bạn cần có nguyên liệu tốt. Khi mua tôm, hãy nhìn vào phần vỏ. Tôm biển tươi ngon thường có lớp vỏ màu xanh trắng, tôm đực có màu vàng nhạt. Vỏ tôm phải sáng, trong. Đầu và chân tôm phải gắn chặt với phần thân.
Khi mua tôm đông lạnh, bạn nên chọn những con có hình dáng cong. Vì đó là con tôm còn sống trước khi cấp đông. Tôm không còn tươi đem đi cấp đông thường có dáng thẳng vì chúng không còn sức lực nên thân bị duỗi ra.
Sơ chế tôm
Tôm mua về rửa sạch với nước, lấy bỏ chỉ đen bên trong. Có thể dùng kéo cắt bớt râu tôm nhưng không lột bỏ vỏ, đầu và đuôi tôm. Để nguyên con tôm như vậy thì khi luộc tôm sẽ giữ được nhiều dưỡng chất và hình dáng của con tôm cũng đẹp mắt.
Có thể dùng tăm để lấy phần chỉ đen ở lưng tôm.
Pha một thìa muối vào tô nước rồi bỏ tôm vào ngâm một lúc cho tôm sạch hoàn toàn. Sau đó, vớt tôm ra và rửa lại với nước sạch.
Một số mẹo luộc tôm
Luộc tôm bằng nước nóng hay nước lạnh?
Đặt nồi lên, cho một lượng nước đủ, không cần nhiều nước vì sẽ làm nhạt tôm.
Thêm vào nồi tôm luộc một ít gừng cắt lát, sả cắt khúc, đập dập và hành lá rửa sạch. Khi nước nóng lên, thấy bọt nổi ở đáy nhưng chưa sôi hẳn thì cho tôm vào. Tiếp đó, thêm một chút muối và rượu trắng, nấu khoảng 2-3 phút (tùy theo kích thước con tôm). Rượu sẽ giúp khử mùi tanh và làm con tôm lên màu đỏ đẹp.
Đợi tôm co người lại, toàn bộ phần vỏ chuyển sang màu đỏ thì vớt ngay ra đĩa.
Nếu dùng nước lạnh sẽ làm tăng thời gian nấu và làm giảm vị ngọt cũng như dinh dưỡng của tôm. Nếu đun sôi nước rồi mới thả tôm vào sẽ khiến con tôm bị co lại nhanh, làm mùi vị của tôm không còn ngon.
Nhiều người mách rằng sau khi luộc tôm xong có thể thả vào âu nước đá cho tôm săn chắc, ăn thịt sẽ ngon hơn. Tuy nhiên, với các loại hải sản, chúng ta thường ăn nóng để tránh bị tanh. Vì vậy, bạn không cần thiết phải ngâm tôm trong nước đá trước khi ăn.
Luộc tôm đông lạnh
Nếu luộc tôm đông lạnh, bạn phải rã đông ở nhiệt độ phòng trước. Sau đó đặt nồi nước lên bếp, thêm gừng, sả, hành, muối, rượu nấu ăn. Đun tới khi nước nóng già mới cho tôm vào luộc khoảng 3-5 phút (tùy kích thước con tôm).
Luộc tôm không dùng nước
Nếu sợ tôm bị nhạt, bạn cũng có thể chọn cách không thả tôm trực tiếp vào trong nước.
Hãy xếp hành lá cắt khúc, gừng cắt lát xuống dưới đáy nồi. Sau đó, bỏ tôm đã làm sạch lên trên. Thêm 1-2 thìa cà phê nguyên hạt, 30ml rượu trắng. Đậy vung nồi và luộc tôm trong khoảng 5 phút trên lửa vừa.
Khi con tôm cong lại, toàm bộ vỏ chuyển sang màu hồng đỏ thì mở vung và giảm lửa. Nếu thêm khoảng 2 phút cho rượu bay hơi hết là có thể thưởng thức.
Cách làm tôm hấp bia giòn ngọt, đơn giản
Cách làm
-
Sơ chế tôm: Để làm món tôm hấp nên dùng loại tôm tươi to thịt sẽ chắc ngọt. Tôm mua về cắt bỏ phần cặn phân ở đầu, rút bỏ phần chỉ đen ở lưng. Có nhiều cách lấy chỉ tôm như: Cắt dọc một đường nhỏ ở lưng rồi dùng tăm gỡ, dùng kéo cắt vát chéo ở đầu tôm, ấn tay đẩy phần màu đen rồi kéo chỉ tôm ra. Sau đó, rửa tôm qua nước muối loãng rồi rửa sạch lại. Cho tôm vào âu rồi thêm chút rượu trắng hoặc 1/2 lon bia lạnh, cùng chút đường vào đảo đều ướp vài phút. Mẹo này vừa giúp khử tanh hiệu quả, vừa giúp tôm khi hấp lên màu đỏ đẹp. Hơn nữa, đường trong khoa học ẩm thực có tính giữ nước nên giúp tôm ngọt thịt hơn khi hấp. Sau đó, vớt ra để ráo nước.
-
Gia vị tạo hương: Để tôn vị cho món tôm hấp nên dùng các gia vị tạo mùi hương. Sả phần gốc cắt lát, phần đầu ngọn thì đập dập cắt khúc. Gừng rửa sạch thái sợi. Ớt thì tùy theo khẩu vị mà cho nhiều hoặc ít, bỏ bớt hạt, thái lát.
-
Hấp tôm: Vì tôm nhanh chín, cần canh kỹ thời gian, nhiệt và cách thức hấp. Có 2 cách hấp tôm: hấp trực tiếp với bia hoặc hấp cách thủy trên vỉ và cho bia ở dưới. Hấp trực tiếp: Đun sôi nồi nước, cho tôm cùng 1/2 lon bia còn lại vào, đun lửa to, đậy kín vung. Khi tôm chuyển màu đỏ au, hơi cong mình uốn lại hình bán nguyệt là đã chín. Cách 2 hấp cách thủy: Đun sôi chút nước, trút bia vào hạ lửa vừa. Cho tôm lên vỉ rồi đặt lên trên nồi hấp cách thủy. Khi nước sôi trở lại đậy vung hấp, căn tôm chuyển màu đỏ cong nửa hình tròn là được. Vớt tôm ra và thưởng thức. Chú ý không hấp lâu quá (dấu hiệu là tôm uốn cong gập, đầu chạm vào đuôi), vỏ khô khiến khi ăn bị bở, khô xác, mất vị ngọt tự nhiên.
-
Yêu cầu thành phẩm: Tôm chín tới đỏ au, thịt chắc ngọt, dậy mùi thơm của sả gừng. Món này chấm đơn giản nhất với muối tiêu chanh, tương ớt hoặc cầu kỳ hơn làm muối sốt chua ngọt, sốt muối ớt xanh đều ngon. Cách làm sốt chua ngọt: Cho vào cối 1 muỗng canh muối hạt, 1 – 1,5 muỗng canh đường, chút hạt tiêu, ớt, tỏi rồi giã nhuyễn. Sau đó, vớt nước quất (tắc) hoặc cốt chanh cho vào, nêm nếm cho vừa miệng. Cách làm sốt tiêu xanh: Cho vào máy xay sinh tố 1 muỗng canh muối, 2 muỗng canh đường, 2 muỗng canh nước cốt tắc, 2 muỗng canh sữa đặc, vài lá cải đắng cắt nhỏ, 1/4 trái ớt chuông xanh cắt nhỏ, thêm ớt xiêm xanh và xay nhuyễn. Cuối cùng thêm lá chanh vào xay để không bị đắng và dậy mùi thơm là được. Hỗn hợp sốt này có thể làm nhiều, để ngăn mát tủ lạnh dùng dần cho các món chấm hải sản rất tiện.
Chú ý:
-
Chọn mua được tôm tươi sống ngon với các dấu hiệu như tôm còn bơi, vỏ màu trong, trơn bóng, ấn vào chắc. Phần đầu dính chặt vào thân, râu càng còn nguyên vẹn. Nếu không có tôm tươi nên mua tôm đông lạnh ở các cơ sở uy tín. Tránh mua tôm có vỏ màu vàng hay cảm giác vỏ quá cứng vì có thể đã ướp sodium bisulfite, một chất tẩy trắng loại bỏ các hắc tố. Cũng nên tránh mua tôm có mùi lạ.
-
Hấp tôm ở lửa to, đậy vung vừa giúp tôm nhanh chín, lại vừa thoát vị bia nhanh trắng bị đắng ngấm vào.
-
Tôm, mực và hải sản nói chung vốn dĩ ở biển nên có chút vị mặn nên không cần ướp gia vị mặn nhiều làm mất đi hương vị tự nhiên. Nếu có ướp chút rượu trắng hoặc bia cùng chút đường để tôn vị, khử tanh.
-
Tôm hấp nhanh chín nên cần căn thời gian vớt ra, nếu hấp lâu tôm vừa khô vừa dai lại mất đi vị ngọt tự nhiên. Nên ăn nóng món này ngon hơn.
Tôm hấp nước dừa
Nguyên liệu
- ½ kg tôm (các bạn nên chú ý khi chọn tôm: tôm mua về phải tươi, sống, tùy theo sở thích của gia đình mà chọn tôm to, vừa hoặc nhỏ. Tuy nhiên, các bạn không nên chọn các loại quá nhỏ bởi vì khi chế biến sẽ khó làm)
- Dừa: các bạn nên chọn loại dừa xiêm, cỡ nhỏ thôi nhé
- Các loại gia vị cần phải có bao gồm: hành tím, muối, bột nêm
- Các loại rau sống ăn kèm: Xà lách, cà chua, hành lá, dưa chuột.
Cách chế biến
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Các bạn đổ tôm ra rổ, rồi cắt bớt phần râu tôm. Sau đó, các bạn mang tôm đi rửa sạch, để tôm ráo hết nước.
Hành tím các bạn mang đi bóc sạch vỏ rồi băm nhuyễn. Rau xà lách các bạn nhặt, rửa sạch rồi ngâm qua với nước muối loãng để có thể loại bỏ được các chất độc hại.
Tôm hấp nước dừa
Hành lá các bạn mang đi nhặt rửa sạch rồi bỏ những cọng trắng vừa tước nhỏ, cà chua mang đi rửa sạch rồi gọt bỏ vỏ làm hoa để trang trí cho món ăn thêm phần hấp dẫn. Dưa chuột rửa thật sạch, thái thành khoanh mỏng.
Bước 2: Sơ chế dừa
Lấy quả dừa, gọt bỏ phần vỏ xanh bên ngoài đi. Bạn nên lấy phần nước dừa đổ riêng ra 1 cái tô, phần còn lại, các bạn mang đi tỉa thật khéo tay, sao cho phần đầu của quả dừa có hình tròn, đẹp mắt. Phần tỉa này để sau này các bạn xếp tôm xung quanh.
Bước 3: Hấp tôm
Phần nước dừa đổ ra tô, các bạn cho vào xoong đun sôi. Sau đó, đổ hành tím đã băm nhỏ vào, nêm thêm muối và bột nêm sao cho vừa ăn, cho tôm đã rửa sạch vào nồi đảo đều tay. Khi bạn đã nhìn thấy tôm chuyển sang màu đỏ thì các bạn hãy tắt bếp và vớt tôm ra dĩa.
Bước 5: Thành phẩm
Cuối cùng, các bạn xếp những con tôm vừa gắp ra lên miệng của quả dừa, lấy phần nước dừa vừa đun đổ trực tiếp vào quả dừa . Như vậy là các bạn đã hoàn thành xong món tôm hấp nước dừa.
Tôm hấp muối lạ miệng
Nguyên liệu
- 500gr tôm sú
- 300gr muối hột
- 1 quả chanh
- Rượu trắng
- 3 cây sả
Cách chế biến
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Tôm hấp muối lạ miệng
Nên chọn tôm sú tươi để khi nấu tôm có vị ngon hơn. Mang tôm đi rửa sạch với nước muối để khử bớt mùi tanh. Cắt bỏ những phần râu rồi để ráo hết nước. Sả rửa sạch, đập dập ra rồi cắt khúc.
Bước 2: Hấp tôm
Cho muối vào khoảng 1/2 nồi rồi cho sả vào trải đều trên mặt muối, sau đó đậy nắp lại, nấu trong khoảng 3 phút với lửa nhỏ rồi cho nồi nóng lên. Sau khi nồi đã nóng, các bạn mở nắp ra và lần lượt xếp tôm vào.
Sau khi nấu khoảng 5 phút, các bạn thái 1 vài lát chanh mỏng cùng với 2 muỗng canh rượu trắng cho vào nồi để tôm thơm hơn rồi đậy nắp lại, hấp thêm khoảng 10 phút nữa khi tôm chín hoàn toàn thì tắt bếp.
Tôm hấp gừng
Nguyên liệu
- Tôm 300g
- Sả 2 cây
- Gừng 1 củ
- Bột canh 1 muỗng cà phê
- Tiêu 1 muỗng cà phê
- Dụng cụ thực hiện: Nồi xửng hấp, vỉ hấp, dĩa, dao, thau,…
Cách chế biến
Bước 1: Sơ chế tôm
Tôm sau khi mua về bạn rửa qua nước sạch. Sau đó, các bạn dùng kéo để cắt bỏ đầu nhọn của tôm và chân tôm. Để lấy hết chất thải bên trong tôm, bạn dùng đầu muỗng cho vào lớp vỏ đầu tôm, móc ra phần chất thải trên đầu tôm và lấy cả chỉ tôm ra ngoài.
Tôm hấp gừng
Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác
Gừng sau khi mua về, các bạn hãy rửa sạch rồi thái lát mỏng. Sả các bạn loại bỏ lá già, cắt bỏ đầu sả rồi thái lát mỏng.
Bước 3: Ướp tôm
Tôm sau khi đã sơ chế, các bạn mang đi ướp tôm cùng với 1 muỗng cà phê bột canh, trộn thật đều.
Bước 4: Hấp tôm
Trải đều 1 phần sả và gừng đã thái mỏng lên đĩa rồi cho tôm lên. Sau đó, bạn cho hết phần sả gừng còn lại lên trên. Cho lên thêm 1 muỗng cà phê tiêu xay lên cho thơm.
Tiếp theo, bạn cho tôm vào nồi hấp trong khoảng 10 phút là chín. Bạn hấp với lửa lớn, khi nồi hấp đã sôi lên, các bạn điều chỉnh lửa nhỏ lại.
Bước 5: Thành phẩm
Tôm hấp gừng, món ăn thực hiện rất tiện lợi với các nguyên liệu đơn giản. Hương vị tôm rất tươi, mùi thơm từ sả và gừng, một ít tiêu xanh làm bạn không thể nào cưỡng lại được.
Tôm hấp xì dầu
Nguyên liệu
- Tôm 6 con
- Ớt hiểm 1 trái
- Nấm đông cô khô 5g (khoảng 4 – 5 cái)
- Hành tím băm 1 thìa cà phê
- Nước tương 2 thìa canh
- Giấm táo 2 thìa canh
- Dầu mè 1 thìa canh
- Hành lá 2 nhánh
- Đường/ tiêu 1 ít
- Dụng cụ thực hiện: Lò vi sóng, kẹp gắp nóng, kéo, nồi xửng hấp, dao,..
Cách chế biến
Bước 1: Sơ chế tôm
Tôm sau khi mua về, các bạn mang đi rửa qua vài lần với nước cho sạch. Dùng dao hoặc kéo cắt bỏ râu tôm, sau đó lột sạch lớp vỏ, chừa lại vỏ ở phần đầu và đuôi tôm lại.
Tiếp đến dùng dao chẻ 1 đường trên lưng tôm để lấy chỉ tôm và tạo độ rộng để chứa nước sốt hấp tôm. Rửa lại một lần nữa rồi để ráo.
Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu
Nấm đông khô sau khi mua về các bạn cho ra chén, thêm ½ chén nước lọc, sử dụng màng bọc thực phẩm để bọc chén lại rồi cho vào lò vi sóng quay trong khoảng 5 phút.
Sau 5 phút, các bạn lấy nấm ra, vắt hết nước rồi cắt lát mỏng vừa ăn.
Tôm hấp xì dầu
Ớt hiểm rửa sạch, cắt làm đôi, loại bỏ hạt, rồi cắt thành sợi. Hành lá các bạn cắt bỏ phần gốc, nhặt bỏ các lá già rồi cắt nhuyễn hoặc vuốt mỏng hành lá để tạo kiểu.
Bước 3: Xào nguyên liệu
Bắc chảo lên bếp, cho vào 1 thìa canh dầu mè rồi đun nóng, sau đó các bạn cho thêm 1 thìa cà phê hành tím băm vào phi thơm.
Hành thơm và chuyển sang màu vàng thì cho nấm đông cô và ớt cắt sợi vào.
Nêm thêm gia vị gồm: 2 thìa cà phê đường, 2 thìa canh nước tương, 2 thìa canh giấm táo và 1/2 thìa cà phê tiêu. Đảo đều tay với lửa vừa trong 5 phút, khi hỗn hợp sôi thì tắt bếp.
Bước 4: Nhồi và hấp tôm
Bạn sử dụng một cái thìa cà phê múc nguyên liệu đã xào cho lên phần lưng tôm, mỗi con bạn cho khoảng 1 thìa cà phê.
Tiếp đó, đặt nồi hấp lên bếp, khi nước sôi thì cho đĩa tôm vào nồi. Hấp với lửa vừa khoảng 10 phút. Sau khi tôm đã chín chuyển màu cam đỏ thì tắt bếp.
Gắp đĩa tôm ra dĩa, cho thêm ít hành lá là thưởng thức được rồi nhé!
Bước 5: Thành phẩm
Tôm hấp xì dầu một món ăn thích hợp cho những ngày se lạnh, đĩa tôm vừa hấp xong nóng hổi, ăn kèm với một ít cơm trắng là không gì bằng. Thịt tôm ngọt mềm, sốt đậm đà, vị dai dai của nấm, ngon hết sẩy.
Tôm hấp dầu hào
Nguyên liệu
- Tôm 400g
- Ớt sừng 2 trái
- Gừng 1 củ
- Hành lá 2 nhánh
- Rượu trắng 2 thìa canh
- Dầu hào 3 thìa canh
- Nước mắm 1 thìa canh
- Tiêu 1/3 thìa cà phê
- Dụng cụ thực hiện: Nồi xửng hấp, kẹp gắp nóng, dao, kéo, thớt,..
Cách chế biến
Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu
Tôm sau khi mua về, các bạn cắt bỏ phần nhọn ở đầu tôm và râu tôm, sau đó rửa thật sạch rồi để ráo.
Tôm hấp dầu hào
Ớt sừng rửa sạch, cắt lát mỏng. Hành lá nhặt bỏ lá già, cắt bỏ phần gốc, rửa sạch rồi cắt nhỏ. Gừng cạo hoặc gọt sạch vỏ, rửa sạch rồi cắt sợi.
Bước 2: Pha nước sốt
Bạn cho vào chén gồm: 3 thìa canh dầu hào, 1 thìa canh nước mắm, 1/3 thìa canh tiêu và 2 thìa canh rượu trắng rồi khuấy đều hỗn hợp.
Bước 3: Hấp tôm
Xếp tôm ra dĩa hoặc tô lớn để hấp, có thể xếp tôm theo hình tròn hoặc theo sở thích.
Bạn cho nước sốt vừa pha ở trên vào các con tôm. Cho ớt, gừng và hành lá lên trên. Bắc nồi lên hấp, khi nước sôi thì đặt dĩa tôm vào nồi và hấp với lửa vừa trong khoảng 10 phút, khi tôm chín chuyển màu đỏ cam đẹp mắt thì tắt bếp.
Bước 4: Thành phẩm
Tôm hấp dầu hào với một màu sắc bắt mắt, hương vị thơm ngon, đậm đà, thịt tôm lại ngọt mềm, sốt đậm đà, sẽ làm bạn hài lòng ngay cả vị thực khách khó tính nhất đấy nhé!
Còn gì sánh bằng khi vào những ngày chuyển mùa lại có đĩa tôm hấp nóng hổi cùng bát cơm trắng bạn nhỉ!
Tôm hấp bằng lò vi sóng
Nguyên liệu
- 450g tôm chưa bóc vỏ.
- 1 muỗng canh (15ml) nước.
- 1 muỗng canh (15ml) dầu ô liu.
- 1 muỗng canh (15ml) nước cốt chanh.
- 1/2 muỗng cà phê (2.5ml) muối.
- 1/2 muỗng cà phê (2.5ml) tiêu.
- Dụng cụ cần thiết
Cách chế biến
Tôm hấp bằng lò vi sóng
Bước 1: Xếp tôm vào hộp đựng, chú ý nên xếp tôm thành 1 lớp với phần đuôi tôm quay vào bên trong.
Bước 2: Vắt nước cốt chanh lên tôm. Sau đó các bạn cho thêm muối, tiêu hoặc các loại gia vị khác cho vừa ăn. Bạn có thể sử dụng một chút nước để hấp tôm dễ hơn, nhưng không nên nhiều vì sẽ dễ làm thành tôm luộc thay vì tôm hấp.
Bước 3: Dùng dụng cụ gắp đảo nhẹ để tôm thấm hết gia vị. Tiếp đó, các bạn xếp tôm lại như bước 1, với phần đuôi tôm quay vào trong.
Bước 4: Đóng nắp hộp lại hoặc sử dụng màng bọc thực phẩm hộp lại.
Bước 5: Bật lò vi sóng ở nhiệt độ cao và quay cho đến khi tôm có màu hồng và thịt tôm săn lại. Thời gian để tôm có thể chín sẽ tuỳ thuộc vào công suất của từng loại lò, nhỏ của tôm. Khi chín, tôm sẽ cuộn lại giống như hình chữ C.
- Tôm nhỏ thường mất khoảng 2-3 phút.
- Tôm vừa mất khoảng 3-5 phút.
- Tôm to mất khoảng 6-8 phút.
- Một số loại tôm có kích thước rất lớn sẽ mất khoảng 8-10 phút để hấp chín.
Bước 6: Lấy tôm ra khỏi lò vi sóng và để nguội trong khoảng 1-2 phút trước khi đổ phần nước thừa đó đi. Rắc thêm chút tiêu và muối cho vừa ăn và vậy là bạn đã có một món tôm hấp hoàn hảo và nóng sốt rồi.
Tôm hấp miến
Nguyên liệu
- Vắt miến 6 cái
- Tôm 10 con
- Sốt sacha 100 gr
- Nước tương 100 ml
- Tương đặc 4 muỗng canh
- Tỏi băm 3 tép
- Gừng băm 1 củ(nhỏ)
- Ớt băm 3 trái
- Hành lá 1 ít
- Rượu gạo 2 muỗng canh
- Muối 2 muỗng cà phê
Cách chế biến
Tôm hấp miến
Bước 1: Sơ chế tôm
Tôm sau khi mua các bạn mang đi rửa qua với nước sạch. Sau đó, dùng kéo cắt bỏ phần đầu nhọn của tôm và các bỏ chân tôm, rạch sống lưng tôm để lấy bỏ chỉ tôm.
Bước 2: Pha sốt gia vị
Để pha sốt gia vị, các bạn cho vào chén khoảng: 3 tép tỏi, 1 củ gừng và 3 trái ớt đã băm nhỏ, 100gr sốt sacha, 4 muỗng canh tương đặc, 2 muỗng canh rượu gạo và 3 muỗng canh nước lọc rồi khuấy thật đều.
Bước 3: Ngâm nở và cắt miến
Với 6 vắt miến, các bạn cho vào khoảng 2 muỗng cà phê muối, 100ml nước tương và 1500ml nước sôi, ngâm miến trong khoảng 30 phút để miến mềm, ngấm gia vị và ngon hơn. Sau 30 phút, các bạn tách nước ra khỏi miến rồi dùng kéo cắt thành từng đoạn vừa ăn.
Bước 4: Hấp tôm với miến
Các bạn xếp tôm lên khắp mặt miến, rưới thêm nước sốt gia vị lên và đem khay tôm đi hấp.
Đậy nắp lại, bạn hấp trong khoảng 15 phút đến khi tôm chín, chuyển sang màu đỏ thì rắc hành lá cắt nhỏ lên. Trộn đều và gắp miến ra dĩa để trang trí.
Bước 5: Thành phẩm
Vậy là chúng ta đã hoàn thành xong món tôm nấu miến đầy hấp dẫn rồi. Món ăn là sự kết hợp của vị ngon ngọt từ tôm, dai dai của miến tạo thành món ăn đúng kiểu Trung Hoa thơm ngon, đặc biệt. Món ăn này sẽ giúp bữa ăn nhà bạn thêm phần phong phú đấy.
Tôm hấp mướp
Nguyên liệu
- 3 con tôm to (mình dùng tôm càng xanh)
- 1/2 quả mướp hương
- Xíu bột năng
- Gia vị : hạt nêm, nước tương, dầu mè
Cách chế biến
Tôm hấp mướp
- Bước 1: Tôm bóc bỏ vỏ, bỏ chỉ đen dọc sống lưng, sau đó băm nhuyễn tôm (mẹo nhớ chừa đuôi tôm lại để trang trí nhé).
- Bước 2: Ướp tôm cùng với một ít hạt nêm, viên thành từng viên rùi phết dầu mè lên, lăn qua với một lớp bột năng.
- Bước 3: Mướp hương gọt bỏ vỏ, cắt khoanh khoảng 5cm, moi bỏ phần ruột mướp.
- Bước 4: Lần lượt cho tôm vào từng khoanh mướp, cắm đuôi tôm lên để trang trí. Cho mướp vào đĩa, thêm xíu tương rồi đem hấp từ 10 – 15′ (vì mướp rất nhanh nhão nên mẹ để ý thời gian nhé)
Tôm hấp dứa
Nguyên liệu
- Tôm tươi 300g
- Dứa 1 quả
- Muối 1/2 muỗng canh
Cách chế biến
Bước 1: Sơ chế và xay dứa
Dứa sau khi mua về bạn cắt bỏ đi phần đầu, sau đó khoét 1 vòng tròn trong ruột dứa, lấy hết ruột mềm ra và cho vào máy xay sinh tố, xay thật nhuyễn.
Tôm hấp dứa
Bước 2: Sơ chế tôm
Để khử mùi tanh của tôm sau khi mua về rửa 1 lần với nước sạch, bạn dùng kéo cắt bỏ đi phần đầu và chân tôm. Mang đi ngâm tôm trong nước muối loãng khoảng 2 phút, rửa lại một lần nữa với nước sạch.
Bước 3: Làm tôm hấp dứa
Cho tôm và dứa đã xay nhuyễn vào vỏ dứa rồi dùng muỗng tráng thật đều cho bề mặt lớp dứa xay phẳng đều. Sau đó cho tôm và dứa vào nồi hấp. Tiến hành hấp trong 30 phút với lửa vừa để tôm và dứa chín đều. Sau khi hấp xong, các bạn cho ra dĩa và thưởng thức.
Bước 4: Thành phẩm
Tôm hấp dứa sau khi hoàn thành sẽ có mùi thơm nồng của dứa. Khi ăn vào ta sẽ có cảm nhận được vị ngọt, thơm, hơi chua của dứa và tôm. Ăn cùng với cơm trắng thì còn gì tuyệt bằng!
Cách hấp tôm ngon có lẽ không còn quá khó khăn với những công thức đơn giản ở trên đúng không nào? Sự pha trộn giữa các gia vị như tỏi, gừng hay là rượu vang sẽ tạo nên hương vị thơm ngon hơn cho món ăn. Chúc bạn thành công và có được những bữa ăn ngon nhé!