Cách đây hơn 2500 năm về trước, tại nước Ấn Độ trong thành Savathi. Vào một thuở nọ Đức Phật ngự tại Jetavana (Kỳ Viên Tịnh Xá) – của ông trưởng giả Cấp Cô Độc. Khi ấy có hoàng hậu Mallikā đến hầu đảnh lễ Đức Phật và thưa rằng:
1. Kính bạch Đức Thế Tôn! Do nhân duyên nào mà trong thế gian này có một số phụ nữ không những không có hình dáng xinh đẹp, da dẻ khô cằn, ngũ quan không cân đối, không đáng cho phần đông chiêm ngưỡng mà lại còn là người nghèo nàn, không có oai lực danh tiếng, địa vị trong xã hội?
2. Kính bạch Đức Thế Tôn! Do nhân duyên nào có số phụ nữ hình dáng không xinh đẹp, ngũ quan không cân đối xấu xí, không đáng cho phần đông chiêm ngưỡng, tuy thế lại là người giàu sang, tài sản, thọ dụng được nhiều thứ của cải và có oai lực danh tiếng, địa vị trong xã hội?
3. Kính bạch Đức Thế Tôn! Do nhân duyên nào có số phụ nữ dung nhan vô cùng xinh đẹp, hài hòa cân đối và duyên dáng, đáng chiêm ngưỡng thõa thích cho phần đông, tuy nhiên lại là người nghèo khó, không có tài sản, không thọ dụng được của cải, cũng như không có địa vị, danh tiếng trong xã hội?
4. Kính bạch Đức Thế Tôn! Do nhân duyên nào có số phụ nữ hầu như được toàn diện về nhiều mặt, là người có dung nhan vô cùng xinh đẹp, duyên dáng, là nơi thoả thích chiêm ngưỡng cho phần đông, không những vậy mà còn là người giàu sang phú quí, có nhiều tài sản, thọ hưởng được nhiều của cải, có danh tiếng và địa vị cao quý trong xã hội?
Sau khi nghe xong, Đấng Thiên Nhân Sư thuyết giảng rằng:
1. Này Mallikā! Trong thế gian này có số phụ nữ tính tình nóng nảy, tính khí bất thường, dễ dàng nỗi cơn thịnh nộ khi có ai xâm phạm đến, dù là việc nhỏ vụn, biểu hiện sự không hài lòng, nóng giận, dữ dằn, gây thù chuốc oán với người khác. Không những thế lại còn không có đức tin vào thiện pháp, không hoan hỷ tạo phước điền, bố thí cơm, nước, hoa qủa, thuốc men, vật thơm, dầu thoa, các phương tiện, vãi vóc, y phục, đèn dầu, chỗ ở, chỗ nằm ngồi… đến chư Sa môn, Bà la môn… Tính tình họ đố kỵ, ganh tỵ đối với những người có của cải tài sản.
Đem tâm tỵ hiềm với sự làm phước của người khác. Ganh tỵ với những người được lợi lộc; được quần chúng cung kính; mến mộ… và họ còn làm nhiều việc sái quấy khác…Số phụ nữ nầy sau khi chết, nếu do ảnh hưởng một phước lành nào đó trong quá khứ, được tái sanh trở lại làm người thì sẽ là người có hình dáng không xinh đẹp, da dẻ sần sùi, đường nét dung nhan xấu xí, tứ chi, ngũ quan tai mắt không đẹp, không trong sáng, là người không có sự hấp dẫn cho thị hiếu chiêm ngưỡng của phần đông. Không những thế còn là người nghèo khó, khỗ cực, không có tài sản, không thọ hưởng được của cải, và có địa vị danh tiếng thấp kém trong xã hội.
2. Này Mallikā! Trong thế gian này, có số phụ nữ tính tình hung hãn, dữ dằn, dễ dàng nỗi cơn thịnh nộ, tuy vậy nhưng lại có đức tin, có tâm tạo phước điền bố thí hoa quả, cơm nước… đến các Sa môn, Bà la môn. Số phụ nữ ấy không có tâm đố kỵ với những lợi lộc; không ganh tỵ với những người được tán dương khen ngợi, được sự cung kính cúng dường, thương yêu kính mến của những người khác.
Những người phụ nữ này, nếu được tái sanh trở lại làm người, thì thân sắc không xinh đẹp, da dẻ khô cằn, dung mạo xấu xí, không là nơi đáng chiêm ngưỡng thõa thích của phần đông. Tuy nhiên lại là người giàu sang phú quý có nhiều tài sản và thọ hưởng được của cải, có oai lực, danh tiếng, địa vị cao quý trong xã hội.
3. Này Mallikā! Trong thế gian này có số phụ nữ không có nhiều tính sân hận; tâm không có nhiều mệt mỏi; nếu bị người ta có nhiều lời xúc phạm đến cũng không bất bình, không nỗi cơn thịnh nộ dữ dằn; không có tính khí bất thường hay gây hiềm hận với người khác; không có hành động biểu hiện rõ sự bất bình, nóng giận, sự không ưa thích đến người khác. Tuy nhiên người này không có tâm tạo phước điền, hoan hỷ bố thí hoa quả, cơm nước, vật thơm, vật thoa… đến các hàng Sa môn, Bà la môn… lại có tâm đố kỵ với người nhiều lợi lộc; ganh tỵ với những người được sự tán dương khen ngợi, được sự thương yêu, quý mến, cung kính cúng dường của người khác; đồng thời thể hiện những hành động sai lầm về sự đố kỵ, ganh tỵ ấy.
Số phụ nữ này sau khi chết, nếu như được tái sanh trở lại làm kiếp người thì có dung nhan vô cùng xinh đẹp, hài hòa, cân đối, duyên dáng; là nơi xứng đáng cho thị hiếu chiêm ngưỡng của phần đông. Tuy nhiên lại là người nghèo khó, khỗ cực, không có tài sản, không thọ hưởng được của cải cũng như không có oai lực, địa vị cao quý trong xã hội.
4. Này Mallikā! Trong thế gian này có số phụ nữ không có nhiều tính sân hận, không có nhiều bực dọc, mệt mỏi; nếu bị người ta có nhiều lời xúc phạm, cũng không nỗi cơn thịnh nộ dữ dằn; không có tính bất thường hay hiềm hận với người khác; không có hành động cư xử thể hiện rõ sự nóng giận, sự bất bình hay sự không vui thích đến người khác. Không những thế mà còn có tâm hoan hỷ làm phước bố thí hoa quả, cơm nước, vật thơm, vật thoa, thuốc men…đến các hàng Sa môn, Bà la môn… Là người không có tâm đố kỵ với những lợi lộc; không ganh tỵ với những người được sự tán dương, khen ngợi, được sự thương yêu qúy mến, cung kính, cúng dường của người khác.
Những phụ nữ này sau khi chết nếu được tái sanh trở lại loài người thì là người có dung nhan tuyệt sắc, làn da mịn màng tươi mát, đáng là nơi thõa thích chiêm ngưỡng cho phần đông, còn là người giàu sang nhiều tài sản, thọ hưởng được của cải, có oai lực, danh tiếng và địa vị cao quý trong xã hội.
* Này Mallikā! Do nguyên nhân và hạnh nghiệp của số phụ nữ có tính tình nóng nảy, tính khí bất thường, dễ dàng nỗ i cơn thịnh nộ khi có ai xâm phạm đến, dù là việc nhỏ vụn, biểu hiện sự bất bình, nóng giận, dữ dằn, gây thù chuốc oán với người khác…do đó kiếp hiện tại này cho quả là nhan sắc không xinh đẹp, không đáng cho phần đông thõa thích chiêm ngưỡng.
* Này Mallikā! Do nguyên nhân và hạnh nghiệp không từng tạo nhân phước điền, làm phước bố thí cơm nước, hoa quả, thuốc men, vải vóc, y phục, phương tiện chỗ ở… đến Sa môn, Bà la môn từ tiền kiếp mà kiếp hiện tại này cho quả là người nghèo khó, không có tài sản…
* Này Mallikā! Do nguyên nhân và hạnh nghiệp không có nhiều tính sân hận; tâm không có nhiều mệt mỏi; nếu bị người ta có nhiều lời xúc phạm đến cũng không bất bình, không nỗ i cơn thịnh nộ dữ dằn; không có tính khí bất thường hay gây hiềm hận với người khác; không có hành động biểu hiện rõ sự bất bình, nóng giận, sự không ưa thích đến người khác… từ kiếp quá khứ, mà kiếp hiện tại này cho quả là người nữ có dung nhan xinh đẹp diễm kiều, duyên dáng, làn da tươi mát, mịn màng… đáng là nơi thõa thích chiêm ngưỡng của phần đông.
* Này Mallikā! Do nguyên nhân và hạnh nghiệp thường làm phước bố thí cơm nước, hoa quả, thuốc men… đến các sa môn, bà la môn… từ tiền kiếp mà kiếp này cho quả được giàu sang phú quý, nhiều tài sản, thọ hưởng được nhiều của cải…
* Này Mallikā! Do nguyên nhân và hạnh nghiệp không có lòng đố kỵ; không ganh tỵ đối với những người được nhiều lợi lộc, được sự tán dương, cung kính cúng dường của người khác; cũng như không làm hư hoại lợi lộc, thanh danh của người khác… từ tiền kiếp mà kiếp này cho quả là người có công danh, địa vị cao quý trong xã hội.
Sau khi lắng nghe Đức Phật thuyết giảng xong, bà chánh cung Hoàng Hậu bèn cung kính thưa rằng:
– Kính bạch Đức Thế Tôn! Do kiếp trước của con là người có tâm sân hận, nóng nảy, bực tức, tính khí thất thường, dễ dàng nỗ i cơn thịnh nộ, biểu hiện rõ sự hung hãn dữ dằn, gây hiềm hận với người khác dù chỉ có một vài lời nói xúc phạm đến con. Do vậy mà kiếp này dung nhan con không được xinh đẹp, da dẻ khô cằn không xứng đáng cho sự thõa thích chiêm ngưỡng của phần đông.
– Kính bạch Đức Thế Tôn! Do tiền kiếp con có tâm tạo phước bố thí cơm nước, thuốc men, y phục, vải vóc… đến Sa môn, bà la môn … mà kiếp này con là người giàu sang phú quý.
– Kính bạch Đức Thế Tôn! Do tiền kiếp con là người không có tính ganh tỵ và đố kỵ với những người được lợi lộc, được sự trọng vọng cung kính, cũng như không có lòng ganh tỵ với những người được sự thương yêu quý mến của những người khác, do vậy mà hiện tại con là người có địa vị cao quý.
– Kính bạch Đức Thế Tôn! Trong quốc độ này tất cả những phụ nữ thuộc nhiều dòng tộc khác nhau: Bà la môn, hoàng tộc, công khanh tướng phủ… Con là người có địa vị cao quý đặc biệt hơn tất cả những người phụ nữ ấy. Những người phụ nữ ấy đều dưới quyền cai quản của con.
– Kính bạch Đức Thế Tôn! Bắt đầu hôm nay trở về sau, con sẽ cố gắng kiềm chế, không để cho nhiều sân hận, nóng nảy, bực tức phát sinh cho dù người khác có nặng lời xúc phạm đến con chăng nữa…
– Con sẽ phát tâm hoan hỷ làm phước bố thí vật ăn, thức uống, chỗ ở… đến chư Sa môn, Bà la môn…
– Con sẽ không có tính ganh tỵ đến sự cúng dường bố thí của người khác; không làm hành động sai trái ảnh hưởng đến lợi ích của người khác bởi do tính ích kỷ, đố kỵ nhỏ nhen của con nữa.
– Kính bạch Đức Thế Tôn! Con vô cùng hoan hỷ bởi lời dạy cao quý của Ngài quá sức rõ ràng!
– Kính bạch Đức Thế Tôn! Kính xin Ngài chứng minh cho con là Người cận sự nữ có đức tin trong sạch và xin nương tựa nơi Ân Đức Tam Bảo từ nay đến trọn đời.
Theo giáo lý nhà Phật, tâm được xem là chủ thể tạo tác ra mọi thứ – vạn pháp do tâm tạo, vì thế mà cổ nhân có câu tâm sinh tướng hay dung mạo song hành cùng tâm thức.
Cần tu dưỡng
Người phụ nữ nên giữ cho mình một trái tim lương thiện, tu tập tâm từ bi sẽ nhận được ngày càng nhiều sự hạnh phúc, ít những chuyện rắc rối thường không mời mà đến. Việc tu tập lòng từ bi, phát tâm Bồ đề cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến tính cách. Thông qua việc làm hàng ngày mà biết được người phụ nữ này sẽ nhận được bao nhiêu họa hay phúc.
Khi nói chuyện, chúng ta cũng có thể thấy được sự khôn ngoan và thông minh của họ. Người phụ nữ được tu tập Phật pháp tốt thường không nói nhiều nhưng sẽ lên tiếng khi cần thiết, lời nói không gai góc nhưng đầy trí tuệ thâm sâu.
Tâm đẹp tướng mạo cũng đẹp
Họ là người phụ nữ thanh lịch, không cần trang điểm quá nhiều nhưng vẫn thể hiện ra nét quyến rũ đặc biệt. Nếu quan sát bạn sẽ thấy, trang phục mà họ mặc cũng thể hiện sự thanh lịch trong đó, mộc mạc nhưng tươi mới, cổ điển và độc đáo.
Người phụ nữ có tu dưỡng Phật pháp sẽ giống như một người bảo vệ, quyết định sự hưng suy của một gia tộc. Đức hạnh của người phụ nữ cũng không thể che giấu, chúng đều được biểu lộ ra bên ngoài. Người phụ nữ được tu dưỡng tốt sẵn sàng chịu khổ cùng chồng và kính trọng cha mẹ hai bên.
Họ biết cách quý trọng và yêu thương, sẵn sàng buông xuống ước vọng giàu sang, không ghen ghét so bì với sự giàu sang của người khác. Họ sẽ không vì tiền mà trở thành người vô lương tâm, nhạo báng mọi người. Ngay cả lời nói họ cũng chú ý tu dưỡng. Lời nói mang theo thiện niệm, rõ ràng mà ngọt ngào dễ nghe.
Ngôn ngữ, giọng nói…
Khi nghe tiếng chuông chùa, tiếng tụng kinh gõ mõ, chúng ta dường như nghe thấy âm thanh của Phật vui cười phát ra từ những đám mây, âm thanh nghe như chim hót khiến tâm hồn người cảm thấy vô cùng thoải mái dễ chịu. Cũng vậy, giọng nói của người phụ nữ vừa tròn lại trong, người này chắc chắn rất có phúc khí.
Người có giọng nói dễ nghe nhất định là người có tu dưỡng nội tâm tốt vì hàng ngày thường đọc kinh, trì chú, tích đức hành thiện mà được an khang, biết sám hối và sửa đổi bản thân sẽ tạo nên vẻ đẹp hiền thục.
Lời nói không châm biếm, không gắt gỏng, không thô kệch, không chì chiết mà tràn đầy sự hiền từ của người phụ nữ, nó thể hiện ra giọng nói hay như tiếng chim hót khiến ai cũng muốn nghe. Người phụ nữ như thế nhất định là người đại phúc.
Nếu như giọng nói của người phụ nữ không tốt thì gia đình rất khó thịnh vượng. Muốn nói lời hay ý tốt thì cần phải tu đức, bởi vì lời nói xuất ra từ nội tâm, trời đất đều biết rõ.
Tướng mạo
Khi thể hiện ra nét mặt hiền lành, hòa ái dễ gần, giản dị thanh cao đều cho thấy nội tâm người này rất thiện lương, biết lo tu thân dưỡng tính. Người có nhiều phúc báo sẽ thể hiện ra ở chính gương mặt.
Càng lớn tuổi, tướng mạo của người phụ nữ này càng thiện, càng không già đi, ai tiếp cận họ cũng luôn có cảm giác thân thiết. Càng lớn tuổi, tính tình càng giống một đứa trẻ, nội tâm an lạc như là ở đời này không còn gì phải lo lắng.
Kỳ thực sự giàu có của người phụ nữ không phải đến từ chồng, lại không đến từ ông chủ mà là đến từ chính phúc phận của họ. Giữ thiện tâm và cố gắng hành thiện, người phụ nữ sẽ tích được phúc báo dày nên mỗi ngày.
Để có tướng mạo xinh đẹp và phúc hậu, chỉ cần làm theo những lời Phật dạy sau
Có những người mới sinh ra đã không có được tướng mạo xinh đẹp, nhưng khi về già lại trở nên xinh đẹp. Vậy nguồn gốc khuôn mặt tuổi thiếu niên, thanh niên ở đâu? Làm thế nào để có tướng mạo xinh đẹp?
Khuôn mặt xinh đẹp là một loại phúc báo. Dù là phúc báo nào thì cũng có căn nguyên của nó, giống như tài phú đến từ bố thí, tôn quý đến từ khiêm cung, khuôn mặt xinh đẹp đến từ dịu dàng lương thiện. Đến tuổi trung niên, tướng mạo đã đi vào ổn định, cũng là thể hiện của tính cách một người.
Nhiều người hiền lành có khuôn mặt phúc hậu, người dịu dàng lương thiện có khuôn mặt xinh đẹp. Người thô bạo thường có vẻ mặt hung dữ; rất nhiều phụ nữ trung niên lão niên có tính cách không tốt, vẻ mặt thường cay nghiệt, cũng là tướng bạc mệnh, khắc chồng. Thực ra, tướng mạo không phải cố định từ khi sinh ra, mà nó là kết quả của quá trình tu tâm và hành động lâu dài. Cũng vì vậy, tướng mạo sẽ biểu lộ vận mệnh tương lai của một người. Xem tướng là một loại tích lũy kinh nghiệm, tướng tùy tâm sinh, từ mặt biết tâm, từ tâm biết mệnh.
Vậy nguồn gốc khuôn mặt tuổi thiếu niên, thanh niên ở đâu? Đặc thù của tướng mạo có quan hệ với sự di truyền của bố mẹ, như màu da màu tóc, nhưng khuôn mặt dáng người cùng tiên thiên có quan hệ, mức độ xinh đẹp là dựa theo những đời trước mà bố trí.
Nửa đời trước của một người, là ảnh hưởng từ kiếp trước, nửa đời sau, chính là tự mình. Vậy mới nói, sau khi đến trung niên, cần phải chịu trách nhiệm với hành vi của chính mình.
Lòng từ bi cũng là một yếu tố quan trọng. Người có thiện tâm, thường từ trong ra ngoài tản mát ra một loại hào quang, càng khiến người thuận mắt, càng ngày càng thích tiếp xúc. Mà người ích kỷ, giảo hoạt, so đo, tất khó nhìn, thậm chí xấu xí; cho dù may mắn có khuôn mặt đẹp đẽ, thì trên mặt cũng sẽ dần hiện ra một vài chỗ khiến người không thích, người ta thường nói khuôn mặt không có duyên, chỉ lần đầu gặp hơi thuận mặt, tiếp xúc nhiều liền không còn thuận nữa.
Xin hãy tin rằng, tướng mạo là có thể từng bước thay đổi đấy! Nhất là một khuôn mặt xinh đẹp sẽ từ trong ra ngoài tản mát ra một lực hấp dẫn, khiến người gặp bất tri bất giác sinh lòng mến mộ. Nhiều khi, xinh đẹp hay không, chính là từ tâm mà nhìn, “Tình nhân nhãn lý xuất Tây Thi” chính là đạo lý này, tức là nhìn người mình yêu càng nhìn càng thấy đẹp.
Vì vậy, muốn có dung mạo đẹp, trước cần nội tâm đẹp!
Một, người cam tâm tình nguyện chịu thiệt, lại nhận được càng nhiều. Người có thể chịu thiệt, nhân duyên nhất định sẽ tốt, nhân duyên tốt, cơ hội tự nhiên sẽ nhiều. Mỗi người khi còn sống, có thể nắm bắt một hai lần cơ hội là đủ!
Hai, người thích chiếm phần hơn, cuối cùng chẳng chiếm được bao nhiêu, nhặt được một ngọn cỏ, mất đi một rừng cây. Người mà vừa đến lúc tính tiền liền kiếm cớ đi việc khác hoặc móc hoài không ra tiền, cơ bản đều là những người không có thành tựu gì.
Ba, người có ánh mắt tiểu nhân, tâm địa nhỏ hẹp. Lúc bạn bè hội tụ, nói ra ba câu, đều không thoát khỏi chuyện cá nhân, người này chính là ốc sên chuyển thế, nội tâm hư không, ích kỷ. Trong nội tâm chỉ có chuyện nhà mình, những chuyện khác liền không liên quan đến anh ta.
Bốn, chỉ có tiếc duyên mới có thể tục duyên, tức là vun bồi duyên phận. Trên đường đời, nhiều người chúng ta gặp, thật ra đều có duyên mới gặp được nhau, hơn một nửa người thân chính là bạn tốt trong đời trước, còn bạn tốt thì hơn một nửa là người thân trong đời trước, mang đến phiền muộn cho bạn vì hơn một nửa là người bạn đã từng gây tổn thương. Vì vậy cần nhớ: Đối xử tử tế với người thân, quan tâm người bên cạnh, khoan dung những người làm bạn tổn thương, vì đây đều là nhân quả.
Năm, nội tâm vô khuyết gọi là phú, có thể bao dung người khác gọi là quý. Luôn vui vẻ không phải là một loại tính cách, mà là một loại năng lực.
Sáu, biện pháp giải quyết phiền muộn tốt nhất, chính là quên nó đi.
Bảy, tiếu khán phong vân đạm, toại đối vân khởi thì (cười nhìn gió mây nhạt, ngồi trông áng mây trôi).
Không giành là từ bi, không biện là trí tuệ, không nghe là thanh tịnh, không nhìn là tự tại, tha thứ là giải thoát, biết đủ chính là buông.
Tám, nội tâm không loạn, không khổ vì tình, không sợ tương lai, không giữ quá khứ.
Chín, kiếp này, bất kể thứ gì cũng sẽ không mang đi được, vậy nên hãy sống với hiện tại, cười với hiện tại, và hãy ngộ ngay bây giờ!
Tướng mạo phản chiếu quá trình tu tâm và tích lũy thiện nghiệp
Như vậy, theo lời Phật dạy, tướng mạo và nghiệp báo có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Mỗi người khi được sinh ra trên cõi đời đã mang một thân phận. Ai cũng mong muốn mình đẹp đẽ, khả ái, chẳng ai muốn mình xấu xí, khiếm khuyết và khó nhìn.
Trong cuộc đời chúng ta vẫn gặp nhiều điều đẹp đẽ nhưng có những tính chất khác nhau. Có nét đẹp gây nên sự quý mến kính trọng, trong sạch, có nét đẹp gây nên sự ham muốn chiếm đoạt thấp hèn. Có nét đẹp bày tở sự thượng từ tốn. Có nét đẹp bày ra sự kiêu hãnh tự phụ, có nét đẹp kín đáo, lại có nét đẹp lẳng lơ…. Sở dĩ có sự sai khác giữa nét đẹp về dung mạo của mỗi cá nhân vì những người đó đã gieo những nghiệp nhân khác nhau trong quá khứ.
Tác nhân cơ bản và quan trọng nhất ảnh hưởng đến dung mạo xấu xí, khiếm khuyết là nghiệp được tạo ra do sự nóng nảy, sân hận, thiếu kiềm chế, bức xúc, chống đối và bất mãn. Không cần đợi đến kiếp sau, chỉ ngay trong hiện tại, những tâm lý và hành vi kể trên đã tàn phá, hủy hoại và làm thay đổi đáng kể diện mạo của người hay sân giận.
Ngược lại, người có tâm hoan hỷ, hòa ái, bình tĩnh, khoan dung và tràn đầy tình thương thì nét đẹp trên dung mạo vốn có của họ càng được nhân lên nhờ năng lượng của hoan hỷ và hòa ái. Cũng có những người ít chê bai kẻ khác, thường hay khen ngợi điều tốt lành của mọi người. Đây cũng chính là nghiệp nhân cho nhan sắc tươi đẹp của người ấy trong hiện tại và ở các kiếp sau.
Vì thế, nuôi dưỡng và tăng trưởng lòng từ để thương yêu, tha thứ, bao dung và nhất là thực hành chuyển hóa nóng nảy, giận hờn là nghệ thuật sống an vui theo lời Phật dạy. Chính những điều ấy là chất liệu để hình thành thành nên vẻ khả ái, đáng yêu nơi mỗi người.