Theo Vtcnews.vn, trường Đại học Hà Nội – TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó hiệu trưởng dự báo, mức điểm chuẩn vào trường năm nay có thể tăng, giảm trong khoảng 0,5-1 điểm so với năm ngoái.
“Điểm thi khá ổn định so với những năm trước. Trong khi đó, số thí sinh dự thi chỉ tăng nhẹ (khoảng 4,5%) so với năm 2023. Do vậy, điểm chuẩn vào các ngành của trường có thể không biến động nhiều”, ông Dũng lý giải.
Với một số ngành “hot” như Ngôn ngữ Anh, Trung, Hàn, Nhật, Marketing, Công nghệ thông tin, Truyền thông đa phương tiện… thí sinh phải có điểm trung bình mỗi môn từ 8,5 đến 9 điểm trở lên mới có khả năng trúng tuyển. Những năm trước đây là ngành lấy điểm đầu vào cao nhất.
Trường Đại học Thương mại – ThS Nguyễn Quang Trung, Phó trưởng phòng Quản lý Đào tạo cho biết, trong vài năm gần đây, mặt bằng điểm chuẩn chung của trường là 26, một số ngành hot như Marketing, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng từ 27 trở lên.
Năm nay, điểm trung bình của 6 trên 9 môn thi tốt nghiệp tăng từ 0,06 đến 1,04 so với năm 2023. Trong khi đó, tỷ lệ chỉ tiêu mà trường dành cho phương thức này giảm từ 50% xuống 40%. Vì vậy, ông Trung dự đoán điểm chuẩn tăng nhẹ, khoảng 0,25 ở các ngành hot, còn lại giữ ổn định.
Với 8 chương trình theo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP), ông Trung nhận định điểm chuẩn sẽ thấp hơn – khoảng 24, do mới tuyển sinh, chưa được biết đến rộng rãi.
Đại học Bách khoa Hà Nội đưa ra dự báo điểm chuẩn cho tất cả ngành, trong đó 3 ngành dự kiến có đầu vào cao nhất là Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo với mức trên 28. Đây cũng là những ngành có điểm chuẩn cao nhất mấy năm gần đây.
Ở chiều ngược lại, một số ngành dự kiến chỉ lấy 20 – 22,75 điểm như Công nghệ dệt may, Kỹ thuật môi trường, Quản lý tài nguyên và môi trường, Khoa học và kỹ thuật vật liệu (chương trình tiên tiến). Mức dự báo các ngành này tăng so với năm ngoái khoảng 0,75 điểm.
Trường Đại học Y Hà Nội – PGS.TS Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Quản lý đào tạo dự đoán điểm trúng tuyển ngành Y khoa, Răng Hàm Mặt tăng khoảng 0,5 – 1 điểm so với năm ngoái, tiệm cận mức 28,85 và 28,45 của năm 2021.
Lý do, năm nay trường giảm 20% chỉ tiêu tuyển sinh hoàn toàn bằng điểm thi tốt nghiệp, còn 60%. Ngoài ra, theo phổ điểm thi tốt nghiệp, hơn 310 thí sinh đạt từ 28,5 điểm tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) trở lên, chưa cộng ưu tiên. Đây là nhóm thí sinh thường đăng ký vào hai ngành nói trên. Điểm chuẩn các ngành khác xét tuyển bằng tổ hợp B00 cũng có xu hướng nhích lên.
Với Tâm lý học, ngành tuyển sinh năm đầu và được nhiều chú ý vì tuyển cả tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa), ông Tùng nhận định điểm chuẩn cũng ở mức cao, có thể tương đương với các trường đang đào tạo ngành này. Như năm ngoái, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, lấy điểm chuẩn là 28.
Trường Đại học Kinh tế quốc dân – TS Lê Anh Đức, Phó trưởng phòng phụ trách Quản lý đào tạo dự báo, điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ tăng. “Những ngành top đầu có thể tăng nhẹ, khoảng 0,25 điểm. Những ngành nhóm giữa có thể tăng mạnh hơn từ 0,5 – 0,75 điểm”, TS Đức nói.
Với 6 ngành mới mở trong năm nay (gồm: Kỹ thuật phần mềm, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin, Hệ thống thông tin), đại diện trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng dự đoán điểm chuẩn có thể sẽ trên 26 điểm, do đây đều là những ngành nhận được nhiều sự quan tâm, phù hợp xu thế thị trường lao động.
Trường Đại học Giao thông vận tải – TS Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Đào tạo đánh giá, phổ điểm năm 2024 của các tổ hợp A00, A01, D07, D01 cao hơn năm 2023, đặc biệt phổ điểm của tổ hợp D01 cao hơn phổ điểm của 3 tổ hợp A00, A01, D07.
Phân tích phổ điểm cho thấy, khoảng điểm từ 15 đến 23 điểm, nguồn tuyển nhóm 2 tăng 10-15%, trong khi nguồn tuyển nhóm 1 chỉ tăng từ 5-10%. Dự báo những ngành kinh tế, quản lý điểm chuẩn năm nay sẽ tăng từ 0,25 đến 0,5 điểm; các ngành kỹ thuật điểm chuẩn tăng ít hơn, từ 0 đến 0,25 điểm.
Từ khoảng 23,25 đến 25,75 điểm, nguồn tuyển các nhóm ngành kinh tế, quản lý, kinh tế tăng đều, dự kiến điểm chuẩn tăng từ 0,25 đến 0,5 điểm.
Từ khoảng 26 điểm trở lên, nguồn tuyển tăng 40-60%, do đó mức điểm điểm chuẩn các nhóm ngành này tăng trên 0,5 điểm.
Học viện Ngân hàng – TS Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Đào tạo dự đoán, mức điểm chuẩn vào trường năm nay có thể giữ ổn định hoặc tăng nhẹ ở hầu hết các ngành. Học viện Ngân hàng quan tâm nhiều tới các thí sinh ở nhóm điểm xuất sắc (nằm trong khoảng 20 – 25% xét từ trên).
Đại diện trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho hay, qua phân tích tổng quan phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 so với năm 2023, điểm bình quân tổ hợp A00 tăng nhẹ, khoảng 0,13 điểm. Từ kết quả thi tốt nghiệp THPT cho thấy, phổ điểm của khối này, từ 22 đến 26 điểm tăng khoảng 7.000 thí sinh; từ 26 điểm trở lên tăng khoảng 9.000.
Điểm bình quân tổ hợp A01 tăng 0,20 điểm so với năm ngoái. Trong đó, phổ điểm 22-26 điểm tăng khoảng 14.000 thí sinh, từ 26 điểm trở lên tăng khoảng 1.600.
Điểm bình quân tổ hợp D01 năm nay cũng tăng khoảng 0,6 điểm, phổ điểm từ 22-26 điểm tăng mạnh khoảng 34.000 thí sinh; từ 26 điểm trở lên tăng gần 9.000.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chủ yếu xét tuyển bằng các tổ hợp A00, A01 và D01 và điểm chuẩn các ngành của nhà trường trong những năm qua trong khoảng 22-26 điểm. Do đó, năm nay điểm chuẩn các ngành/chương trình đào tạo của nhà trường ổn định; có thể tăng nhẹ ở một số ngành xét tuyển bằng tổ hợp D01.
Một số ngành được nhiều thí sinh quan tâm trong những năm gần đây và ngày càng được quan tâm như ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Công nghệ thông tin; Điều khiển tự động hóa, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Công nghệ kỹ thuật ô tô; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ kỹ thuật điện tử – viễn thông… cũng theo mặt bằng chung đó nhưng có thể điểm chuẩn nhỉnh hơn so năm ngoái.
Với các ngành xét tuyển bằng tổ hợp D01 (nhóm kinh doanh quản lý, du lịch), dự kiến điểm chuẩn các ngành tăng nhẹ nhưng ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng khả năng sẽ thể hiện rõ nét nhất, tức nhiều khả năng sẽ tăng mạnh nhất.