Lặn lội 300km mang quà Tết tặng thông gia, tôi sững sờ với sự thật phũ phàng

Tặng quà Tết thông gia xong, tôi vội vã ra bến xe để về quê. Giữa đường, bỗng nhớ đến món quà dì gửi cho cháu ngoại, tôi quay ngược lại và sững sờ với những gì nhìn thấy...

Tôi và vợ lớn lên ở một vùng quê nghèo, quanh năm chỉ biết đến ruộng vườn, trâu bò. Vợ chồng tôi tuy không dư dả, nhưng luôn cố gắng lo cho các con ăn học tử tế. Bốn đứa con – hai trai, hai gái – đều ngoan ngoãn, học hành giỏi giang và thi đỗ đại học. Đứa con gái lớn là niềm tự hào lớn nhất của gia đình. Cháu học Đại học Ngoại thương, tốt nghiệp loại xuất sắc và ở lại Hà Nội làm việc.

Rồi một ngày, con gái đưa bạn trai về ra mắt, thông báo muốn làm đám cưới. Phải nói thật, khi con gái đưa con rể về ra mắt, vợ chồng tôi đã cảm thấy bất an. Con rể về mặt ngoại hình, học thức, gia cảnh đều rất tốt. Ông bà thông gia trước đâu cũng sống ở quê nhưng lên Hà Nội lập nghiệp đã lâu nên kinh tế khá giả, có của ăn của để. Nghe con rể giới thiệu: “Con “nhà mặt phố, bố làm to” nên bố không cần lo về chuyện sau con gái bố phải khổ sở”.

Đúng là kinh tế có khá giả thật, nhưng con rể lại có vẻ xa cách. Cháu ngồi ăn cơm với nhà tôi, dù thịt cá, gà lợn có đủ nhưng chỉ khều khợt vài miếng. Cháu bảo ăn không hợp, vì cháu chỉ thích ăn bò Mỹ, cá tầm… Những thứ đó làm sao tôi kiếm được ở quê. Con rể cũng chỉ ở lại ngủ ở nhà tôi đúng 1 đêm lần ra mắt, còn những lần về sau khi cưới, cháu đều giục con gái tôi nhanh nhanh chóng chóng ngược thành phố.

Chúng tôi cũng buồn lòng nhưng nghĩ đến chuyện con gái mình được gả vào gia đình giàu có, sung sướng, có tương lai sáng lạn lại tự an ủi. Bố mẹ khổ cực một đời, chỉ mong con cái được mát mặt là đủ.

Thế nhưng, những chuyện xảy ra sau đó khiến tôi càng trăn trở. Tết năm nay, con gái vừa sinh cháu, nên không thể về quê. Vợ tôi sốt ruột, ngày nào cũng nhắc: “Thương con quá, chẳng biết ở nhà chồng có thoải mái không. Hay là mình mang quà ra thăm con và biếu ông bà thông gia.” Tôi cũng muốn đi, nghĩ đơn giản rằng tấm lòng cha mẹ lúc nào cũng đáng trân trọng, dù quà quê có mộc mạc.

Tôi chuẩn bị quà quê, đâu đó mấy chục trứng gà ta, 2 yến gạo mới xay, túi khoai tây vừa dỡ từ vườn và 2 con gà trống thiến béo ngậy. Dù chẳng phải thứ gì đắt tiền nhưng đây đều là mồ hôi nước mắt cả năm của vợ chồng tôi. Tôi bắt chuyến xe sớm, mang theo đòn gánh để tiện gánh quà vượt hơn 300 cây số để ra Hà Nội.

Đến nhà thông gia, vừa thấy tôi, bà thông gia đã niềm nở mở cửa. Thế nhưng, nụ cười của bà nhạt như sương sớm:

– Ông thông gia ra đây làm gì cho cực, lại còn vác quà cáp cồng kềnh như thế, phiền ông quá!

Bà đón quà nhưng đặt ngay vào góc nhà, không hề nhìn qua xem tôi mang gì. Câu nào bà nói cũng như đang ám chỉ rằng tôi nên “tặng xong rồi thì về luôn đi.”

Tôi cười trừ, chơi với cháu ngoại và trò chuyện với con gái được một lát. Trong đôi mắt con gái, tôi thấy thoáng nét buồn, nhưng nó cố giấu đi. Không muốn làm con khó xử, tôi vội cáo từ, nói rằng mình còn phải đi thăm một người bạn cũ rồi về quê ngay trong ngày.

Ra đến giữa đường, tôi chợt nhớ ra túi quà con gái út gửi cho cháu ngoại mà tôi để quên. Nghĩ thế nào, tôi quyết định quay lại. Nhưng khi vừa đến cổng nhà thông gia, cảnh tượng trước mắt khiến tim tôi như thắt lại.

Túi khoai tây tôi mang từ quê ra, từng củ vẫn còn lấm đất, bị ném ra cạnh thùng rác. Gà, gạo, và trứng cũng nằm vương vãi, không thương tiếc. Từ bên trong cánh cổng, tiếng bà thông gia vọng ra, đanh gọn:

– Đống quà này có sạch sẽ không thì ai mà biết? Nhỡ gà cúm, trứng bẩn, khoai mốc thì sao? Cô ăn rồi lây bệnh cho cháu tôi thì sao? Đừng có mà mang đồ nhà quê rẻ tiền này làm hại cả nhà tôi. Vứt hết đi!

Giọng con gái tôi nghẹn ngào phản đối:

– Mẹ không thích thì thôi, mẹ không ăn thì để con ăn ạ. Đây là công sức, tình cảm của bố mẹ con, mẹ đừng quá đáng như thế!

Bà thông gia gắt lên:

– Cô muốn ăn thì về quê mà ăn, nhà này không thiếu gì. Tôi không muốn cái thứ quê mùa này làm bẩn nhà tôi!

Ngoài cổng, tôi như chết lặng. Mồ hôi nhễ nhại, tay chân run rẩy. Tôi cúi xuống, nhặt lại từng củ khoai, từng quả trứng, như thể đó là tấm lòng tôi vừa bị vứt bỏ không thương tiếc.

Tiếng con gái tôi khóc lặng vọng ra từ trong nhà, nhưng tôi không dám gõ cửa thêm một lần nào nữa. Nhìn cánh cổng cao sừng sững, lòng tôi quặn thắt. Tôi muốn phá tung nó ra, kéo con gái và cháu tôi về quê, nơi không có sự dè bỉu, khinh rẻ của những con người trọng vật chất hơn tình cảm. Nhưng rồi tôi đành lặng lẽ quay đi, nước mắt cứ thế chảy dài.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/lan-loi-300km-mang-qua-tet-tang-thong-gia-toi-sung-so-voi-su-that-phu-phang-d257239.html