Lúc em bảo lấy chồng em là con trưởng, bố mẹ rồi các dì ai cũng cản, bảo kiểu gì sau này em cũng khổ. Nhưng sau 6 năm, em đã chứng minh cho mọi người thấy quyết định của mình là đúng. Không những được chồng yêu thương, em có được một người mẹ chồng vô cùng tuyệt vời luôn các chị ạ!
Còn nhớ lúc thông báo kết hôn, mẹ em ra sức phản đối khi biết con rể tương lai là con trưởng. Mẹ bảo:
“Mày nhìn mẹ mà né ra con ạ! Làm dâu trưởng khổ đủ đường. Không chỉ bởi trách nhiệm lớn, mà còn bởi làm việc gì cũng phải để ý từng li từng tí không là bị soi đủ đường đấy con”.
Nghe mẹ nói, em cũng sợ lắm chứ. Vì em chẳng phải người khôn khéo. Bảo lấy lòng mẹ chồng là em cũng chịu đấy. Nhưng, số may mắn thế nào, em lại được gả vào gia đình chẳng quan trọng mấy vấn đề lễ tiết đó. Cưới nhau xong, vợ chồng em dự định đi tuần trăng mật hẳn một tuần, nhưng tính đi tính lại chồng em lại tỏ ra băn khoăn.
“Nhưng cuối tuần sau là giỗ ông nội anh. Ông mất cũng được 20 năm rồi nhưng mình mới cưới, nếu đi sợ mẹ đánh giá thì lại không hay”.
Lúc ấy, em đã chuẩn bị tinh thần là chẳng có trăng mật nào nữa rồi. Vậy mà hôm ấy lên kiểm phong bì, mẹ chồng em chủ động hỏi:
“Mà cưới xong rồi đấy, 2 đứa không tranh thủ đi trăng mật đi. Mấy nữa đi làm lại thì còn đâu thời gian mà chơi bời nữa”.
Em cũng thật thà kể với mẹ chồng về dự định của mình. Nhưng cũng không quên nói rằng thôi thì để sau này đi bù. Còn giỗ ông, em sẽ ở nhà phụ mẹ chồng làm giỗ. Thế là mẹ chồng em gạt ngay các chị ạ. Bà bảo:
“Ơ, nhà mình không quan trọng mấy cái này đâu. Mọi năm mẹ chỉ làm mâm cơm thắp hương là xong. Cho nên các con cứ đi đi, để đó ở nhà mẹ làm cho”.
Trong khi em còn đang lưỡng lự, bà đã giục con trai nhanh chóng đặt vé cho rẻ. Sau đợt ấy, em hoàn toàn trút bỏ được áp lực “mẹ chồng nàng dâu”, vì em tin chỉ với một việc như vậy cũng đủ chứng minh mẹ chồng em là một người tâm lý như thế nào.
Hôm chủ nhật em ở nhà thì vô tình nghe được câu chuyện giữa mẹ và cô hàng xóm. Chẳng là cô ấy thấy mẹ chồng chiều em quá sợ em hư nên cảnh báo mẹ em.
“Bác mà cứ chiều con dâu như vậy thì có ngày nó trèo lên đầu lên cổ bác mà ngồi đấy. Như con dâu em đây này, ngoài đi làm ra thì việc nhà vẫn phải làm hết, vì đó là bổn phận của dâu rồi.”
Mẹ chồng em nghe vậy liền cười xòa.
“Cô nữa, thời nào rồi còn cái tư tưởng đấy. Con dâu cũng là con mình, nó rời nhà rời bố mẹ đến ở với mình, như thế là tốt lắm rồi. Mình còn bắt bẻ nó nữa thì khác gì mấy bà mẹ chồng trên tivi. Cô cứ phải nghĩ thoáng lên đi”.
Hồi em sinh con, mẹ chồng cũng lên bàn bạc với hai vợ chồng. Rằng có cháu rồi, sợ nhà hơi nhỏ. Bà cho bọn em 2 sự lựa chọn. Một là sẽ sửa nhà cho to rộng ra, hai là bọn em ra ở riêng.
Nếu ra riêng, ông bà sẽ phụ một nửa tiền cho hai đứa mua nhà.
Chồng em thì hứng thú lắm, cứ bảo ra riêng cho thoải mái. Còn em lại không muốn, cho nên đã quyết định sẽ góp tiền với bố mẹ chồng để xây sửa lại căn nhà của ông bà. Người ta ở với nhau, va chạm xích mích thì mới phải đi chỗ khác. Còn nhà em đang vui vẻ, tình cảm như thế thì tội gì mà đi.
Nói đến chuyện Tết nhất, em đi làm dâu mà chẳng bao giờ phải lo đâu. Nhiều khi hai mẹ con đi chợ, em mua gì mẹ chồng toàn rút tiền ra trả. Thậm chí có đợt bận quá, em tính không biếu nhà ngoại thứ gì. Hôm nào Tết thì sang mừng tuổi thôi. Thế mà mẹ chồng em để ý các chị ạ. Bà hỏi:
“Sắp Tết rồi, hai đứa không mua gì sang biếu ông bà bên kia à?”.
Em thật thà bảo bận quá chưa đi được. Mấy hôm sau, mẹ chồng em mang về giỏ bánh kẹo rõ to, mà toàn loại nhập khẩu đắt tiền nữa chứ. Bà dặn em mang về ngoại biếu, còn bảo riêng chuyện biếu quà là không bao giờ được quên. Bố mẹ em gả con gái đi lấy chồng, có mỗi cái Tết để các con quan tâm mà quên như vậy là không được. Có năm bà còn dúi vào túi em mấy triệu để biếu bên ngoại cho được nhiều.
Chẳng biết mai kia thế nào, nhưng quãng thời gian lấy chồng đã qua em vô cùng mãn nguyện. Em thấy mình quá may mắn khi được gả vào nhà chồng mà có mẹ chồng yêu thương, tâm lý như vậy.