Lá thư của bà đã khiến trái tim của bất cứ đứa con nào cũng phải nhói lên.
Bức thư cuối đời của người mẹ Trung Quốc với tiêu đề “Cảm ơn vì đã chăm sóc mẹ nhưng mẹ hối hận vì đã sinh ra các con” được đăng tải trên People’s Daily khiến nhiều người suy ngẫm, giật mình khi nhìn lại cách đối xử hàng ngày với cha mẹ của mình:
“Con trai!
Hôm nay, ngày 6 tháng 6, tôi đã qua tuổi 80, có nghĩa là, tôi đã sống được 80 năm.
Trong một thời gian dài như vậy, tôi đã sinh ra 4 đứa con, và nuôi thêm 8 đứa cháu. Thế nên, tôi đã đủ già để hiểu nhiều thứ.
Vài năm trước, sau khi cha các anh qua đời, tôi rõ ràng cảm thấy rằng các anh thiếu kiên nhẫn với tôi. Tôi thực sự hy vọng rằng con trai tôi có thể đưa tôi về nhà, tôi muốn sống với các con, và tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn.
Qua 2 tháng, trái tim tôi như đóng băng, tôi biết, sẽ không ai sẽ đưa tôi về. Nhưng nếu thực sự quan tâm tới tôi, mỗi người có thể đến nấu cơm cho tôi mỗi tối, thì tôi đã bớt cô đơn đến nhường nào.
Thật sự, sống gần hết đời người, điều gì là sợ nhất? Đó chỉ có thể là nỗi cô đơn.
Các anh đã dành đúng một năm chín tháng chăm sóc cho mẹ, khoảng 630 ngày. Là một người mẹ, tôi biết ơn các anh vì nghĩa cử cao đẹp đó.
Sau đó, khuôn mặt của các anh ngày càng trở nên xấu xí. Các anh đến không có một lời chào, và đi cũng không có một câu nào. Có vẻ như các anh đang bước vào một khách sạn, lướt qua bà già không có một chút thân quen nào trong mắt.
Tôi không muốn xúc phạm bất kỳ ai trong số các anh, mặc dù tôi không ăn của các anh một bữa ăn nào, không mặc quần áo của các anh, thậm chí không tiêu tốn một xu của các anh. Nhưng các anh làm tôi cảm thấy việc các anh đến thăm tôi là một món nợ lớn của tôi với các anh.
Ngay cả khi tôi trở nên lú lẫn, các anh vẫn lặng lẽ bỏ về mỗi tối, không ai trở lại, và đã cho tôi một sự cô đơn đáng sợ.
Tôi rất biết ơn tình yêu của ông ấy trong cuộc đời này, và tôi biết ơn sự đồng hành trong 630 ngày của các anh.
Tôi bị đau tim. Tôi hiểu rằng ngày ấy đang đến, vì vậy tôi đã viết lá thư này.
Tóc tôi bạc hết rồi, tôi thề với mái tóc trắng của tôi rằng, tôi thực sự đánh giá cao những gì các anh làm. Nhưng ngoài câu này, tôi còn có một điều nữa để nói: Tôi rất hối hận khi đẻ ra các anh, nếu có kiếp sau, tôi không muốn nhìn thấy các anh nữa.
Nhưng tôi vẫn hy vọng rằng cả 4 người sẽ hạnh phúc trong những năm tháng sau này, sẽ không bị bỏ rơi bởi 8 đứa con của mình.
Sau lá thư này, tôi muốn dừng lại tất cả…”
Người phụ nữ này sau đó đã nhắm mắt xuôi tay một cách bình yên trên giường. Điều đặc biệt là trên tay bà đến giây phút cuối cùng chỉ có bức ảnh duy nhất của bà và chồng của mình.
Có một thực tế là tâm lý người già rất sợ cô độc và neo đơn, họ sợ không ai quan tâm trò chuyện, họ sợ phải sống thui thủi một mình khi về già. Thế nhưng, áp lực kinh tế, sự bận rộn công việc, lắm khi cả lối sống ích kỷ của con cháu, đang khiến người già càng lẻ loi, yếu thế hơn trong thế giới của mình.
Không chỉ dẫn tới những nguy cơ về sức khỏe tinh thần, tình trạng cô đơn còn liên quan chặt chẽ đến bệnh tật, thậm chí là tử vong ở người cao tuổi. Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, những người già thường xuyên được người thân quan tâm sẽ có tuổi thọ cao hơn so với người ít được chia sẻ.
Thường mọi người hay nghĩ rằng stress chỉ xảy ra ở những người trẻ, những người có cuộc sống bận rộn nhưng thực chất người già lại có tần xuất bị stress nhiều hơn cả. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng người già bị stress là do họ có cảm giác mình như người thừa trong gia đình và xã hội.
Giáo sư Robert Putnam tại Đại học Harvard nói rằng: “Phần quan trọng nhất của hạnh phúc là cảm giác con người được liên kết với thế giới xung quanh”. Theo nhận xét này, hiểu theo chiều ngược lại, cô đơn là đỉnh cao của bất hạnh.
Điều đáng báo động là một khi “mắc bệnh cô đơn”, “con bệnh” sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn. Người cô đơn sẽ mất tự tin nên sợ các hoạt động xã hội và do đó lại tự càng cô lập mình hơn.
Theo một nghiên cứu dành cho người lớn tuổi của Trung tâm Lão khoa quốc tế (ILC-UK), ngày càng nhiều người phải đối mặt với sự cô đơn và sống trong tình trạng cô lập khi về già. Vào năm 2030, tại Anh sẽ có khoảng 65% cụ ông sống một mình. Điều đáng lưu ý là xu hướng phụ nữ chết sớm hơn đàn ông đang tăng cao và đây được gọi là “cuộc khủng hoảng thay đổi cơ cấu tuổi tác giữa nam và nữ”.
Một nghiên cứu của Independent Age cho thấy sự cô đơn ngày càng đe doạ nước Anh, thiêu rụi cuộc sống của 700.000 đàn ông và 1,1 triệu phụ nữ trên 50 tuổi. Và con số này đang tăng lên với tốc độ kinh ngạc. Sự cô lập xã hội hủy hoại con người giống như việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày. Các nghiên cứu khác cho thấy, chết vì cô đơn nhiều gấp đôi số người chết vì béo phì.
Có thể thấy khoảng cách giữa các thế hệ, lối suy nghĩ, quan điểm sống giữa người trẻ và người già có nhiều điểm khác biệt. Từ đó tạo nên những mâu thuẫn, xung đột nhất định trong gia đình và xã hội.
Ngày nay, nhiều bạn trẻ lựa chọn cuộc sống độc lập, họ thậm chí thấy mệt mỏi với sự quan tâm thái quá hay việc quát tháo, cằn nhằn của bố mẹ. Sự phát triển của đời sống kinh tế – xã hội cũng dẫn đến những phân cách trong cuộc sống của cha mẹ và con cái.
Theo những nghiên cứu mới nhất, cô đơn không chỉ là cảm xúc mà nó được xếp vào như một nhu cầu sinh lý bởi cảm giác cô đơn và cảm giác đói được chi phối bởi cùng một bộ phận não. Nghiên cứu của GS. John Cacioppo – Đại học Chicago (Mỹ) với đề tài “Những thay đổi sinh học khi cô đơn”, cho thấy những người cô đơn có thành mạch máu giòn hơn, dẫn đến tăng huyết áp; cơ thể dễ viêm nhiễm cũng như trí nhớ giảm sút.
Bởi vậy, họ rất cần sự quan tâm của những người trong gia đình để cho các cụ cảm thấy mình luôn có giá trị và quan trọng đối với con cháu.
Một trong những lời khuyên dành cho thế hệ trẻ là hãy quan tâm chăm sóc và trò chuyện với bố mẹ, ông bà của bạn nhiều hơn. Bởi, trong khi bạn bận rộn với trăm nghìn công việc thì cũng sẽ có người nhàn rỗi, lặng lẽ chờ đợi cả ngày mong bóng con về.
Bởi, chỉ mất vài giây để nói rằng bạn yêu một ai đó nhưng sẽ phải mất cả đời để chứng minh được bạn yêu họ nhường nào.