Khi con cái lấy bất hiếu để trả nợ bất công của cha mẹ

Oán giận vì những đối xử bất công của mẹ trong quá khứ, tôi chỉ gửi tiền về cho xong trách nhiệm, để rồi ân hận khi bà qua đời.

Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông, nhà đông anh em. Tôi từ bé đã là đứa ương ngạnh, hay phá làng phá xóm, nên chắc vì thế mà bố mẹ cũng không ưa tôi. So với các anh chị em khác, tôi cảm thấy mình bị đối xử bất công bởi chính bố mẹ ruột. Tôi lớn lên với những lời mắng nhiếc và những trận đòn roi từ nơi gọi là nhà. Suốt những năm tháng thơ ấu, tôi luôn tự hỏi “sao bố mẹ ghét tôi như vậy mà còn đẻ ra tôi để làm gì”. Thế rồi tôi cũng lớn lên, “đủ lông đủ cánh” để để thoát khỏi sự kìm kẹp của bố mẹ và gia đình. Khi bước ra đời, tôi lại càng ghét cay ghét đắng khi ai đó nhắc đến câu “công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” hay “thương con cho roi cho vọt”. Nên sau này khi đi làm và có tiền, tôi cũng chỉ gửi về cho bố mẹ như trách nhiệm của người làm con, chứ không phải là xuất phát từ tình yêu thương. Bởi tôi bị ám ảnh quá lớn với những thương tích cả thể xác và tâm hồn mà bố mẹ đã gây ra cho tôi. Cứ thế, giữa tôi và mẹ vô hình chung có một khoảng cách quá lớn.

Tôi vẫn cho mình là đúng, cho đến khi mẹ tôi mất, tôi lại thấy đau đớn và ân hận vô cùng. Giá mà, tôi thông cảm cho mẹ hơn bởi vì chí ít khi tôi ốm mẹ cũng là người chăm sóc tôi. Mẹ cho tôi được ăn học nên người chứ không phải vứt ở đầu đường xó chợ như nhiều đứa trẻ khác. Nếu không có cha mẹ thì sẽ không có tôi ngày hôm nay. Nhưng khi mẹ còn sống, tôi lại bị những trận đòn roi và những lời mắng nhiếc trong quá khứ che mắt. Tôi đã bị những cảm xúc tiêu cực chiếm hết lý trí, chẳng thể buông bỏ được những bất công trong quá khứ mà mẹ đã gây ra cho tôi.

Thế nhưng cuộc sống luôn vô thường, khi bạn lớn hơn một tuổi đồng nghĩa là bố mẹ sẽ già đi một tuổi. Nếu bạn nhìn cuộc sống rộng mở hơn, bạn sẽ nhận được những điều tốt đẹp từ cuộc đời, đặc biệt là từ cha mẹ bạn. Bởi lẽ, nỗi đau sẽ ghi nhớ hơn là niềm vui. Trước khi quyết định cắt đứt quan hệ với bố mẹ bạn, hãy thử gạch đầu dòng những gì mà bạn nhận được từ họ. Tôi mong rằng bạn sẽ có quyết định đúng đắn để không phải hối hận vì sự bồng bột lúc này.

Tôi hiểu cảm giác bị phân biệt đối xử trong gia đình, nhưng tôi tin rằng bạn sẽ được bù đắp lại bằng một thứ khác. Dẫu biết rằng thật khó để tha thứ, nhưng hãy một lần buông bỏ những cảm giác tiêu cực để tâm bình an hơn. Dù cha mẹ có thế nào, thì làm con vẫn phải giữ trọn chữ “hiếu”. Đấy là đạo lý ngàn đời nay chẳng thể thay thế được. Có thể, bố mẹ chúng ta vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy nghĩ phong kiến cổ đại. Thương con thương cái nhưng lại thể hiện ra bằng những trận đòn roi. Nhưng bạn đã bao giờ ở vị trí của bố mẹ mà nghĩ cho cảm nhận của họ. Nếu suy nghĩ tích cực, bạn nên phải cảm ơn bởi những gì họ đối xử với bạn, điều này chính là đòn bẩy để bạn được như ngày hôm nay.

“Gia đình tôi có hai anh em, bố tôi là người trọng nam khinh nữ. Tôi đã từng phải chăm chỉ học tập rồi vục mặt kiếm tiền để chứng minh cho bố rằng tôi không hề thua kém con trai của bố. Tôi cũng không oán giận khi biết ông ưu ái con trai, cháu nội hơn. Vì ở thế hệ ông, con trai là con của mình, con gái là con của người ta. Bởi cuộc đời này đã dạy cho tôi, cái gì là của mình sẽ vĩnh viễn là của mình, cái gì không phải của mình thì sẽ chẳng bao giờ thuộc về mình”, bạn đọc Hồng Nhung tâm sự.

Thay vì lấy chữ “bất hiếu” để đáp trả lại mẹ cha, tại sao bạn không dùng chữ “hiếu” để cho họ phải ăn năn về những gì họ đã đối xử với bạn, như vậy bạn đã thành công trong việc trả nợ rồi. Nếu bạn cư xử như vậy, vừa được tiếng tốt, lại vừa tích đức cho con cái sau này. Đừng để con bạn học theo cách mà bạn cư xử với ông bà, để sau này đối xử lại với bạn.
Chúng ta lần đầu làm con, thì bố mẹ cũng lần đầu làm bố, làm mẹ. Đã là con người, thì chẳng có ai hoàn hảo cả. Ai chả có những khiếm khuyết, nếu chỉ vì như vậy mà rời bỏ cha mẹ, thì chắc trên đời này chẳng còn ai làm bố làm mẹ rồi.

“Có thể trong quá khứ bạn bị cha mẹ đối xử bất công, nhưng sau này khi bạn học rộng hiểu nhiều bạn nên thông cảm và bao dung hơn cho mẹ. Nếu bạn chỉ biết so sánh, đố kỵ với cha mẹ thì tôi nói thật, bạn cũng chẳng khác gì với cha mẹ bạn cả. Rồi đời con, đời cháu bạn cũng thế, luôn trách móc cha mẹ mình, như vậy khi nào vòng lặp này mới kết thúc. Tôi chắc chắn rằng, bạn sẽ không muốn bạn trở thành người nhỏ nhen, ích kỷ và dám từ người đã mang nặng đẻ đau rồi nuôi mình khôn lớn đâu nhỉ”, bạn Hoàng Phúc chia sẻ.

Với quan điểm của tôi, khi bạn còn trẻ có thể bạn chưa đủ nhận thức. Nhưng khi bạn đã va vấp và trưởng thành rồi thì phải hiểu ai là người sinh ra bạn, ai đã một tay nuôi bạn khôn lớn. Để sinh và nuôi dạy một đứa trẻ thành người đâu phải ngày một ngày hai. Với công sinh thành và dưỡng dục, bạn đã báo đáp đủ chưa mà quay sang trách móc bố mẹ bạn? Cuộc sống này ngắn lắm, đừng để sự ích kỷ nhất thời của bản thân khiến bạn ân hận suốt đời”.

Tôi không đồng tình khi bố mẹ đối xử không công bằng với con cái, nhưng cũng không đồng ý khi con cái bất hiếu lại với cha mẹ. Còn bạn quan điểm như thế nào?

Ảnh minh họa internet.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/khi-con-cai-lay-bat-hieu-de-tra-no-bat-cong-cua-cha-me-d75657.html