Đặng Minh Hạ là một trong những sao nhí từng nổi tiếng trên màn ảnh. Tuy nhiên, cuộc đời bạc mệnh của ngôi sao nhí khiến ai nấy đều xót xa. Câu chuyện đau lòng của Minh Hạ không chỉ riêng đối với cậu bé mà là hồi chuông báo động với việc sao nhí bị vắt kiệt, trở thành công cụ kiếm tiền của cha mẹ để rồi đánh mất tuổi thơ, phải chịu nhiều thiệt thòi trong đó có cả nước mắt và máu.
“Hồng Hài Nhi” – “Cậu bé nổi tiếng trong tranh Tết”
Cậu bé “Hồng Hài Nhi” Đặng Minh Hạ.
Đặng Minh Hạ sinh năm 2006, là một cậu bé bầu bĩnh, sinh ra tại một ngôi làng nghèo ở Hà Bắc, Trung Quốc. Ông của cậu bé là một nghệ sĩ nên từ nhỏ, Minh Hạ đã được ông dạy đàn hát. Từ khi 3 tuổi, cậu bé đã đi biểu diễn kiếm tiền cho gia đình.
Năm 4 tuổi, Minh Hạ vào học tại một trường chuyên bồi dưỡng tài năng trẻ ở thành phố. Một cậu bé còn chưa đọc thông viết thạo đã phải xa gia đình để theo đuổi con đường nghệ thuật. Vậy nhưng, bố mẹ của cậu không lấy đó làm vấn đề to lớn bởi tham vọng muốn con thành ngôi sao để cả nhà được nhờ.
Xa gia đình từ năm 4 tuổi, cậu bé Minh Hạ được bố mẹ ép làm sao nhí.
Cậu bé nhỏ tuổi đã giành giải bạc tại cuộc thi diễn kịch do đài truyền hình Hà Nam tổ chức. Dù tuổi còn nhỏ, cậu đã gây ấn tượng với cả những khán giả khó tính nhất.
Năm 6 tuổi, cậu bé được chọn biểu diễn tại chương trình Xuân Vãn – Gala Mừng Xuân 2012 của đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV. Khi đó, gương mặt đáng yêu, cách nói chuyện tự tin, dễ thương cùng chất giọng tuyệt vời của Minh Hạ đã chiếm được cảm tình của đông đảo người xem. Những năm sau đó, cậu tiếp tục được mời tham gia Xuân Vãn.
Bố mẹ tham gia chương trình truyền hình cùng Minh Hạ.
Truyền thông Trung Quốc gọi Minh Hạ là “cậu bé trong tranh Tết” như một biểu tượng của may mắn, tài lộc. Hình ảnh Minh Hạ với kiểu tóc Hồng Hài Nhi khi đóng bộ phim Tiểu Long Nhân cùng các diễn viên vai Tôn Ngộ Không, Đường Tăng cũng trở nên quen thuộc với khán giả.
“Hồng Hài Nhi” bên cạnh “Đường Tăng” trong hậu trường quay phim.
Vì thấy con nhanh chóng nổi tiếng, bố mẹ cậu bất chấp, nhận tất cả lời mời để con tham gia show, sự kiện, quảng cáo khắp nơi. Cuộc sống thường ngày của Minh Hạ không giống như các bạn cùng trang lứa. Cậu chỉ xoay quanh tập luyện và biểu diễn. Cậu bé phải đi biểu diễn ở rất nhiều nơi, xuất hiện trong hàng loạt chương trình truyền hình tới mức sức khỏe suy kiệt, được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy.
Bố mẹ dằn vặt vì đồng tiền làm mờ mắt
Ở tuổi đáng ra được chạy nhảy vui chơi, cậu bé phải kiếm tiền cho cả nhà.
Việc bị bố mẹ ép chạy show quá nhiều khiến sức khỏe của Minh Hạ bị giảm sút nghiêm trọng. Khi phát hiện căn bệnh ung thư máu vào đầu năm 2013, Minh Hạ trải qua quá trình điều trị, xạ trị. Sau đó, bệnh viện nói cậu mắc bệnh bạch cầu cấp tính. Tới tháng 8, cậu được xuất viện. Trong Gala Mừng Xuân 2013 của đài CCTV, cậu bé vẫn tham gia.
Lần thứ 2 khi tham gia chương trình Xuân Vãn, cậu đã xuất hiện những cơn sốt nhưng gia đình bỏ qua, cho rằng đó chỉ là triệu chứng cảm thông thường rồi để cậu tiếp tục lên sân khấu. Nhưng đó là những biểu hiện của căn bệnh bạch cầu mà cậu đã mắc phải. Cuối năm 2014, cậu lại nhập viện khẩn cấp vì khó thở, bệnh cũ tái phát. 4 tháng sau, sức khỏe cậu ngày một yếu.
Minh Hạ sau thời gian xạ trị.
Bất chấp những lời dặn của bác sĩ khuyên gia đình không nên để Minh Hạ hoạt động quá sức, phải tĩnh dưỡng 3 năm, bố mẹ vẫn nhận những show để cậu bé đi diễn.
Nguyên nhân cho hành động mờ mắt vì đồng tiền của bố mẹ Minh Hạ là bởi kinh tế trong nhà đều dồn hết vào việc chữa bệnh cho cậu, sổ tiết kiệm của gia đình đã cạn kiệt, rơi vào cảnh túng thiếu. Mỗi khi nói chuyện với đối tác, mẹ của cậu luôn bình thản nói: “Không sao đâu, thằng bé vẫn tiếp tục biểu diễn được”.
Minh Hạ và em gái khi tham gia chương trình truyền hình.
Em gái bên cạnh Minh Hạ khi cậu điều trị.
Cha của Đặng Minh Hạ từng chia sẻ ông hối hận vì không để con trai nghỉ ngơi sau khi xuất viện. Nhiều người chửi mắng bố mẹ cậu bé ích kỷ chỉ biết lấy con ra để kiếm tiền mà không màng tới sức khỏe của con. Một số cư dân mạng còn bức xúc nói cậu bé qua đời đều do chính suy nghĩ, câu nói “máu lạnh” của người mẹ ruột.
Ông nội của cậu đau xót kể lại tâm nguyện trước khi qua đời của Minh Hạ, rằng cậu bé mong muốn được 1 lần lại đứng trên sân khấu, tham gia vào chương trình truyền hình.
Trên giường bệnh, cậu vẫn rất lạc quan, không hề than phiền, oán trách.
2 năm sau ngày mất của Minh Hạ, bức hình chụp mộ phần của ngôi sao nhí khiến nhiều người không khỏi xót xa. Ngôi mộ đơn sơ chỉ được kê vài viên gạch ở ngoài, cây cối cỏ dại mọc um tùm. Trước phần mộ đặt nhiều đồ ăn vặt mà cậu bé yêu thích lúc còn sống.
Mộ phần của Minh Hạ.
3 năm kể từ ngày ra đi của ngôi sao nhí, bố mẹ và em gái cậu vẫn sống trong ám ảnh, tiếc thương. Đặng Minh Lộ – em gái của Minh Hạ – cũng chịu áp lực không nhỏ sau sự ra đi của người anh. Cô bé khi đó mới 10 tuổi đã gò ép bản thân phải nỗ lực vì muốn trở thành ngôi sao nổi tiếng.
Em gái ôm di ảnh của anh trai khóc nấc trong ngày đưa tang Minh Hạ.
Hồi chuông báo động với sao nhí
Trường hợp bị mất đi tuổi thơ và phải kiếm tiền thay vì học hành không hề hiếm trong showbiz.
“Em gái Olympic” Lâm Diệu Khả nổi tiếng từ lúc 6 tuổi tới khi lên 9, được hát chính tại lễ khai mạc Olympic 2008. Vậy vài năm sau, bố mẹ của bé bị chỉ trích thậm tệ vì để con gái tham gia tiệc rượu dành cho người lớn.
“Em gái Olympic” Lâm Diệu Khả.
Sao nhí Ôn Huyền Diệp từ nhỏ được đào tạo thành sao nhưng bị xem là “cỗ máy in tiền” nuôi sống cả nhà, phải nhập viện vì chạy show quá nhiều.
Hác Thiệu Văn khi lên 10 tuổi đã kiếm được hàng chục triệu NDT nhưng bị mẹ tiêu hết chỉ trong 1 đêm, cả nhà rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Cha mẹ cô bé Eun Chae người Hàn Quốc muốn con gái tập trung vào việc làm người mẫu từ lúc bé mới 4 tuổi thay vì lo cho con đến trường.
Những ánh hào quang từ việc các ngôi sao nhí trở nên nổi tiếng và thành danh khiến hệ thống đào tạo sao nhí vẫn “mọc lên như nấm” tại Trung Quốc. Cát-xê “khủng” khiến các em nhỏ bị biến thành công cụ kiếm tiền. Điều đó làm dấy lên lo ngại về sự bóc lột lao động trẻ nhỏ. Tháng 4/2016, Tổng cục Điện ảnh Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc đã phải ban hành lệnh kiểm duyệt sát sao nhiều chương trình có sự tham gia của trẻ nhỏ ở quốc gia này.
“Trẻ em như búp trên cành” – Hãy để những chiếc “búp” bé nhỏ ấy được phát triển thành hoa, rồi kết trái thuận theo tự nhiên, đừng “ép chín” trẻ chỉ vì cái lợi kinh tế trước mắt để rồi sau này phải hối hận muộn màng.