Bố mẹ đôi lúc nghĩ trẻ con cũng chỉ là… trẻ con. Thế nhưng bố mẹ biết không, trẻ con cũng là một cá thể độc lập, có chính kiến. Trẻ con cũng biết buồn, biết tủi thân… Có nhiều điều lũ nhỏ có thể không nói ra nhưng sâu trong lòng chúng lại thấy bị tổn thương ghê gớm. Nếu bạn vẫn còn quan niệm: Trẻ con thì biết gì, hãy đọc những dòng tâm sự đầy nước mắt của cô bé lớp 2 sau đây. Những chia sẻ khiến phụ huynh cho rằng con “Ương bướng khó bảo, lí lẽ, nản toàn tập luôn vì con” nhưng nhiều bố mẹ khác đọc xong thì giật thót vì thương con đã tổn thương quá rồi.
Bé viết: “Mẹ ơi con ghét mẹ, từ nay mẹ đừng nói câu con có ghét mẹ không cũng đừng nói câu con yêu mẹ. Con cũng tha thứ cho mẹ hai lần rồi nên mẹ đừng nói hai câu nữa. Mẹ đẻ ra quả trứng mà ăn để con đổi đời con sống cái nhà khổ lắm rồi”.
Vỏn vẹn vài dòng, lại đầy lỗi chính tả, gạch xóa… nhưng cảm giác cô đơn, buồn tủi thấm đẫm từng câu chữ, đặc biệt 3 từ cuối: Khổ lắm rồi khiến nhiều phụ huynh nhói lòng: “Mẹ hãy xét lại xem 1 đứa trẻ nói ra những lời này thì cảm xúc và tâm trạng của con đang như thế nào? Con cảm thấy như thế nào? Mẹ đã yêu con như thế nào?… Mình người ngoài đọc mà thương con quá”, một phụ huynh cảm thán.
Đừng đẩy con ra xa mình
Mẹ hãy thử cân nhắc: Khi bản thân mình đang buồn bực chuyện gì, nếu không nhận được sự cảm thông, an ủi mà thay vào đó là những lời chỉ trích thì cảm xúc sẽ thế nào? Đó cũng chính là cảm giác của con bạn lúc đó. Cứ như vậy, thay vì làm một người bạn tâm sự với con những chuyện vui buồn, mẹ đang ngày càng khiến con khép kín và ngại bộc lộ cảm xúc. Lời nói nhất thời của mẹ có thể sẽ là vết thương mãi không lành trong tâm hồn con.
Trong trường hợp này, nhiều người cho rằng, mẹ thấy con có vấn đề nhưng thực chất con đang cảm thấy có vấn đề với mẹ. Làm cha mẹ thật sự không dễ dàng gì nhưng đứa trẻ cũng đang rất đau khổ và cô đơn vì đáng lẽ mẹ sẽ là người để con tin tưởng nhất để dựa dẫm. Hẳn ai đó đã nói thà sinh con ra là quả trứng thì con mới ghi lại vào nhật ký. Đứa trẻ nào sinh ra cũng chỉ là trang giấy trắng, viết gì lên đó là do người nuôi dưỡng, môi trường sống của bé.
Một bà mẹ chia sẻ: “Bé bị tổn thương lắm mới có những suy nghĩ này. Lại nhớ mình hồi nhỏ cũng từng có giai đoạn ghét bố mẹ tới mức nói chuyện với bạn bè mình không phải con do mẹ đẻ ra vì mẹ của các bạn không ai hành động giống mẹ mình cả. Xong cũng viết nhật kí các thứ như này. Mẹ xem được đánh cho 2 trận te tua vì viết liên thiên. Rồi từ đấy mình không viết nhật kí. Chẳng tâm sự với bạn bè hay ai về cảm nhận của mình về mỗi câu chuyện mình trải qua nữa. Giờ thì lâu lâu lại ngồi tự kiểm điểm với chồng xem 2 vợ chồng đang cư xử với anh con zai 5 tuổi như nào, đã phù hợp chưa. Lúc nào cũng nhắc bản thân yêu con nhưng hãy yêu cho đúng. Nghiêm khắc là tốt nhưng không nên khiến con tổn thương”.
Dù bố mẹ – con cái được xem là mối duyên “trời định”, thế nhưng không hẳn vì thế mà mọi thứ cứ tự dưng tốt đẹp lên. Mối quan hệ nào cũng cần xây đắp, và tình cảm của trẻ với những người trong gia đình cũng vậy. Bố mẹ đã thực sự tôn trọng và lắng nghe con chưa hay mình chỉ đang áp đặt con theo những mục tiêu, kỳ vọng của người lớn?
Quán chiếu lại bản thân nếu thấy mình ổn, nguyên nhân từ con thì mình đi tìm phương pháp để hướng dẫn lại con. Mỗi giai đoạn của con có những sự phát triển, nhu cầu khác nhau nên chúng ta phải có những cách hỗ trợ con khác nhau. Nhưng dù thế nào, hãy tôn trọng cảm xúc của con, tôn trọng con như người bạn thật sự để chia sẻ và thấu hiểu con hơn.