Ở tuổi 25 xuân xanh, chị Mai đã phải chịu cảnh góa phụ. Chồng qua đời để lại mọi gánh nặng trên vai người phụ nữ bé nhỏ, chăm con rồi lại chăm mẹ chồng đau yếu, vất vả trăm bề.
Chít khăn tang chăm mẹ chồng đổ bệnh
Chị Nguyễn Thị Mai (xóm 9, Liên Thành, Yên Thành, Nghệ An) sinh ra trong một gia đình nghèo, sức khỏe lại không tốt. Anh Thái Văn Lộc cũng nhà nghèo, sinh ra không được thấy mặt cha, mẹ anh là bà Thái Thị Tần vốn chậm chạp, suốt ngày đau yếu. Cùng hoàn cảnh, hai người sớm bén duyên với nhau, cùng gắng gượng nhưng cũng chỉ xây được ngôi nhà nhỏ lụp xụp rộng chưa đến 20m2.
Sống với nhau đã 6 năm, có với nhau hai đứa con gái đều đang tuổi mầm non. Hằng ngày, anh Lộc làm nghề phụ hồ, tối đến thì mang đèn pin ra đồng mò cua bắt ốc kiếm thêm thu nhập. Chị Mai thì một tay chăm mẹ chồng, một tay chăm 2 đứa con thơ, quanh làng ai thuê gì làm nấy. Dù hai người đều hiền lành, chăm chỉ nhưng cuộc sống mãi vẫn nghèo.
Thế nhưng, trời chẳng thương, cách đây 6 tháng, trong một đêm mò cua bắt ốc ngoài bãi sông, chẳng may anh Lộc bị rắn cắn tử vong. Đến sáng hôm sau, dân làng mới tìm thấy thi thể. Bà Tần nghe tin dữ của con thì đau đớn không chịu nổi, bị đột quỵ ngã gục khi đang đứng giữa vườn, từ đó đến nay nằm liệt giường một chỗ. Họa vô đơn chí, một đằng lo tang chồng, một đằng lo mẹ chồng đi viện, một đằng còn 2 đứa con thơ, chị Mai gần như ngã quỵ.
Trong mái nhà lụp xụp khói bếp đã ám đen mọi chỗ, một góc kê bàn thờ anh Lộc vừa mất, một góc kê giường cho bà Tần nằm, góc nhỏ còn lại kê tấm phản cho ba mẹ con chị Mai, gần như chẳng còn chút không gian nào trống. Mới 25 tuổi, chị Mai đã phải trở thành góa phụ.
Thay bỉm cho mẹ chồng, bón cơm cho con ăn, thắp hương cho người chồng quá cố, chị Mai làm tất cả mọi việc với bộ đồ lao động trên người. Từ khi chồng mất, chị vẫn mặc bộ đồ lao động thay vì mặc áo tang. Không còn chồng, chị phải làm lụng nhiều hơn mới đủ tiền trang trải cho cuộc sống. Lúc trò chuyện, dù đã kìm nén nhưng rồi chị cũng phải bật khóc thành tiếng.
“Em năm nay mới 25 tuổi, lấy chồng sớm, sinh được 2 đứa con gái, đứa lớn mới 5 tuổi, còn đứa bé mới 3 tuổi, đều đang học mầm non, tốn kém lắm. Nay chồng mất, mẹ chồng lại nằm liệt giương như thế, tiền thuốc, tiền bỉm sữa cho bà cũng nhiều lắm. Dù con đang bé, mẹ đang bệnh nhưng em cũng không dám ở nhà ngày nào, ngày nào cũng phải đi tìm việc này việc khác, cấy thuê, làm cỏ lúa, hái rau… cho người ta cốt kiếm tiền về lo cho cuộc sống…”, đang nói thì tiếng nấc nghẹn khiến chị phải dừng lại.
Thiếu thốn trăm bề
Chị Mai cho biết, hằng tháng thì mẹ chồng và hai đứa con nhỏ được nhà nước hỗ trợ tổng số tiền là 1,2 triệu đồng, cũng có một số nhà hảo tâm hỗ trợ, tuy nhiên số tiền này chẳng thấm vào đâu so với chi phí. Tiền đóng góp ở nhà trường cho hai con gái của chị một năm đã khoảng 5,5 triệu đồng, chưa tính chi phí phát sinh và tiền ăn bán trú. Bà Tần nằm liệt giường nên cũng rất tốn kém tiền bỉm sữa, bà phải ăn chế độ ăn riêng, lại còn tiền thuốc thang thăm khám nên vô cùng tốn kém.
Sức khỏe yếu, chẳng có nghề nghiệp gì, việc làm trong vùng cũng ít, nhất là trong lúc dịch bệnh nên làm sao để lo đủ cái ăn hằng ngày cho cả nhà đối với chị Mai cũng là việc khó. Nằm trong lòng mẹ, đứa con nhỏ của chị Mai chưa ý thức được sự cay nghiệt của cuộc đời, bé vẫn cười đùa hồn nhiên như bao đứa trẻ khác.
Thấy người vào hỏi thăm, bà Tần dù không dậy được, cũng chẳng nói được rõ nhưng không ngừng khóc. Là một người chậm chạp, sức khỏe không tốt nên từ bé bà đã phải sống dựa vào sự đùm bọc của mọi người, sinh được một đứa con trai thì anh Lộc lại bỏ bà đi trước. Những nét đau khổ đan chằng chịt lên khuôn mặt và những đày đọa của cuộc đời đã kéo lưng bà còng gập xuống, những ngày cuối đời bà lại phải nằm im trên giường bệnh. Bà không nói, chỉ khóc, nhưng nước mắt có chảy bao nhiêu có lẽ cũng chẳng gột rửa được nỗi đau bà phải chịu.
Liên quan đến hoàn cảnh gia đình chị Mai, ông Thái Bá Thuận (trưởng thôn) cho biết: “Gia đình chị Mai các năm đều thuộc diện hộ nghèo. Anh Lộc vừa rồi bị rắn độc cắn chết, chị Mai thì sức khỏe yếu, không nghề nghiệp, hoàn cảnh rất thương tâm”.