Thời gian gần đây, cư dân mạng tỏ ra vô cùng bức xúc trước video một người phụ nữ dùng chân đạp gãy xương đùi một bé trai. Ban đầu, nhiều ý kiến tin rằng người phụ nữ trong video là mẹ kế của bé, nhưng sự thật lại khiến tất cả đều bàng hoàng khi thủ phạm lại chính là mẹ đẻ. Trong quá trình điều tra, người mẹ này một mực cho rằng bản thân không sai, vì cô ta chỉ đang phạt trẻ mình khi đứa trẻ không may làm mất chìa khóa nhà mà thôi.
Bị ảnh hưởng của giáo dục truyền thống, rất nhiều bậc cha mẹ tin rằng, la mắng, đòn roi chính là phương pháp kỷ luật hữu hiệu nhất đối với một đứa trẻ, đặc biệt là khi đứa trẻ ấy không ngoan.
Tuy nhiên, sự thật lại không phải vậy. Việc đánh mắng con đôi khi có tác dụng trong thời gian ngắn, nhưng về lâu về dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới xu hướng tính cách của con trong tương lai. Rất nhiều trẻ trải qua tuổi thơ bị cha mẹ la mắng, đánh đòn sau này khi lớn lên đã trở thành những đứa trẻ nổi loạn, hoặc thu mình, sợ hãi…
Nói như thế cũng không có nghĩa khi con phạm lỗi, cha mẹ sẽ bỏ qua cho con. Chính vì vậy, cha mẹ hãy tham khảo 5 phương pháp phạt con sau đây, vừa giúp trẻ nhận ra lỗi lầm của mình, vừa không làm tổn thương trẻ, cha mẹ nhé.
Phạt làm việc nhà
Nhiều trẻ có những hành vi như vứt rác rác, đồ chơi một cách bừa bãi, hay vẽ nguệch ngoạc lên tường nhà. Lúc này, cha mẹ có thể giận dữ nhưng tuyệt đối phải giữ bình tĩnh để không “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với con. Cách phạt tốt nhất đối với trẻ trong tình huống này đó là bắt trẻ làm việc nhà.
Hãy bảo trẻ rằng đồ chơi của con, chơi xong, con phải tự dọn. Vì con vẽ bậy lên tường nên con phải tự lai. Vì đó là lỗi của con nên con phải chịu trách nhiệm sửa chữa. Ban đầu, trẻ có thể phản kháng bằng cách càng bày bừa lung tung hơn. Cha mẹ hãy kiên nhân làm cùng con, vừa làm vừa nói chuyện với con để con nhận ra vấn đề, mà không làm con sợ hãi.
Phạt đếm hạt đậu
Đối với những đứa trẻ không tập trung và thường làm mọi việc một cách cẩu thả thì cha mẹ có thể trau dồi khả năng tập trung của trẻ bằng cách yêu cầu chúng đếm hạt đậu.
Cha mẹ có thể chọn các loại đậu khác nhau trộn lẫn vào và yêu cầu trẻ nhặt riêng từng loại. Phương pháp này không chỉ cho phép trẻ nhanh chóng bình tĩnh mà còn rèn luyện tính kiên nhẫn cho trẻ. Phương pháp sẽ hiệu quả hơn nếu cha mẹ cùng tham gia cùng con, trẻ sẽ hiểu con đang chơi chứ không phải là đang bị phạt.
Phạt tịch thu quyền của trẻ
Nếu cha mẹ yêu cầu trẻ đánh răng sau khi ăn tối xong mà trẻ không làm, cha mẹ hãy tịch thu quyền ăn dặm của trẻ.
Đây chỉ là một trong những ví dụ điển hình của phương pháp tịch thu một quyền nào đó của trẻ. Một lưu ý rằng, quyền tịch thu phải tương ứng với lỗi lầm mà trẻ gây ra. Phương pháp này được áp dụng nhằm giúp trẻ chịu trách nhiệm cho hành vi không ngoan của mình.
Khi áp dụng phương pháp này, cha mẹ nên thông báo rõ ràng với con để tránh con bị hoang mang. Và tất nhiên, cha mẹ cũng nên nói với trẻ nếu con làm cái này cái kia thì con sẽ có lại được quyền của mình.
Phạt vẽ tranh
Nếu trẻ dễ bị mất kiểm soát cảm xúc, và có những hành vi xấu thì cha mẹ nên thiết lập một khu vực riêng và khuyến khích trẻ vẽ tranh theo tưởng tượng của trẻ.
Trong thực tế, trẻ em bẩm sinh thích vẽ. Những bức tranh có thể không có bố cục rõ ràng, màu sắc cũng không hài hòa, nhưng đó đều thể hiện những suy nghĩ trong đầu trẻ. Thế giới nội tâm của con sẽ nhỏ nếu cha mẹ hiểu con, nhưng sẽ lớn nếu cha mẹ không tìm ra được sự đồng điệu với con. Chính vì vậy, cha mẹ hãy tôn trọng những bức tranh con vẽ và hãy lắng nghe điều con muốn nói qua những tác phẩm ấy.
Phạt tập thể thao
Một số trẻ đặc biệt thích nhảy lên và nhảy xuống, và chúng không thể dừng lại, điều này vô hình chung sẽ gây khó chịu cho những người xung quanh. Lúc này, cha mẹ có thể phạt con chạy, nhảy dây và các môn thể thao khác.
Khi trẻ tập thể dục, tốt nhất cha mẹ nên đồng hành cùng con. Điều này không chỉ khiến đứa trẻ cảm thấy rằng cha mẹ yêu thương mình mà còn thúc đẩy sự phát triển của mối quan hệ cha mẹ – con cái.
Trên đây là 5 phương pháp hướng dẫn cha mẹ phạt trẻ có thể thay thế cho đòn roi. Nhưng dù cha mẹ lựa chọn phương pháp nào để áp dụng với con của mình thì điều cốt lõi nhất mà cha mẹ cần phải hiểu đó là phạt không đồng nghĩa với hành hạ. Phạt để giúp con nhận ra lỗi lầm một cách nhẹ nhàng, chứ không phải khiến trẻ sợ hãi, vì điều này sẽ ảnh hưởng rất xấu tới con sau này đấy cha mẹ ạ!