Năm tôi học năm ba đại học, mẹ đột ngột qua đời. Cú sốc ấy khiến bố tôi như người mất hồn, cả ngày lầm lũi, không còn thiết tha chuyện gì nữa. Nhìn ông cứ ngồi thẫn thờ bên di ảnh mẹ, lòng tôi đau như cắt. Nhưng tôi còn phải đi học, rồi đi làm, không thể ngày nào cũng ở bên để an ủi, chăm sóc ông. Chỉ có thể gọi điện về thường xuyên, mong bố đỡ cô đơn.
Mãi đến khi tôi tốt nghiệp, đi làm ổn định, bố cũng dần nguôi ngoai. Nhờ bạn bè giới thiệu, ông gặp dì Lương – một người phụ nữ cũng góa chồng, có hai con trai đã lập gia đình nhưng không ai muốn chăm sóc bà. Dì đành đi làm giúp việc để tự nuôi thân.
Sau nửa năm quen biết, họ trở nên thân thiết hơn. Bố tôi bảo, sống một mình cô quạnh quá, ông muốn có người bầu bạn những năm tháng sau này. Khi ông đề nghị cưới dì Lương, tôi phản đối ngay lập tức. Tôi không cấm bố có người ở bên, nhưng chuyện kết hôn thì không thể chấp nhận.
Dưới áp lực của tôi, bố không đăng ký kết hôn, chỉ đơn giản là sống chung với dì. Lúc đầu, tôi nghĩ mình sẽ ghét người phụ nữ “thay thế” mẹ, nhưng mọi chuyện lại không như tôi tưởng.
Mỗi lần tôi về nhà, dì Lương luôn chuẩn bị sẵn những bữa cơm nóng hổi, toàn những món bố thích. Bố tôi từ ngày có dì cũng khỏe mạnh, vui vẻ hơn hẳn. Thế nhưng, trong lòng tôi vẫn có một sự khó chịu mơ hồ. Tôi cảm thấy như có ai đó đã chiếm mất bố của mình. Vì thế, tôi bắt đầu ít về nhà hơn, chỉ ghé qua vào dịp Tết hay ngày giỗ mẹ.
Mọi thứ chỉ thay đổi khi tôi lấy chồng và sinh con. Lúc ở cữ, tôi mới thấm thía nỗi cô đơn và sự bất lực. Mẹ chồng tôi không quan tâm, chẳng hề đỡ đần lấy một ngày. Biết chuyện, dì Lương đã cùng bố tôi tức tốc đến chăm cháu. Dì lo hết mọi việc trong nhà, từ cơm nước, dọn dẹp, giặt giũ, chẳng nề hà việc gì.
Tôi đưa dì 15 triệu mỗi tháng, tính cả tiền chợ lẫn tiền công. Vậy mà dì chỉ nhận 10 triệu lo sinh hoạt phí, còn 5 triệu thì nhất quyết trả lại. Dì bảo:
– Con mới sinh xong còn nhiều thứ phải lo nên đừng hoang phí, cứ để dành mà nuôi con.
Sau này, khi con tôi đi mẫu giáo, dì vẫn không yên tâm mà ở lại giúp tôi thêm một thời gian nữa. Chính sự tận tâm của dì khiến tôi dần thay đổi cách nhìn. Tôi chợt nhận ra, đã từ lâu, dì Lương đã trở thành một người mẹ của tôi rồi. Nếu mẹ tôi còn sống, chắc hẳn bà cũng sẽ yêu thương con cháu như vậy.
Từ đó, tôi thường xuyên về thăm nhà, mang theo quần áo, đồ ăn, thỉnh thoảng biếu bố và dì ít tiền tiêu Tết. Tôi nghĩ rằng gia đình nhỏ này cứ thế mà êm ấm mãi. Nhưng rồi, sau 10 năm sống bên dì, bố tôi ngã bệnh và qua đời.
Bố mất chưa lâu, dì Lương đã âm thầm thu dọn đồ đạc, trở về nhà mình. Tôi muốn giữ dì lại nhưng cũng hiểu, có lẽ dì muốn về với con cháu.
Dịp đầu năm, vợ chồng tôi mang quà đến thăm nhà con trai lớn của dì nhưng không gặp được ai. Hàng xóm bảo, dì đã chuyển sang sống với gia đình con trai út. Chúng tôi lại đến đó, nhưng cũng không thấy dì đâu. Con dâu út hờ hững nói:
– Mẹ không quen sống ở thành phố nên bà tự về quê rồi.
Hỏi thăm thêm, tôi mới biết dì Lương bị bệnh nặng, hai con trai đã phải tốn khá nhiều tiền chữa trị. Thấy phiền phức, hai nàng dâu chẳng ai muốn chăm sóc, cứ đùn đẩy qua lại. Cuối cùng, dì phải lủi thủi về quê một mình.
Nghe mà tôi đau xót vô cùng. Không thể ngồi yên, vợ chồng tôi lập tức lái xe về quê dì.
Khi đến nơi, nhìn ngôi nhà cũ kỹ, rệu rã và thấy dì Lương đang cầm tô mì trắng loãng, tôi không kìm được nước mắt.
Lúc đó, tôi biết mình phải làm gì.
Tôi nắm chặt tay dì, khẽ nói:
– Mẹ à, mẹ đã chăm sóc bố con rồi lo lắng cho con và cháu bao năm nay. Với con, mẹ đã là mẹ ruột từ lâu rồi. Hai con trai mẹ không lo được cho mẹ, thì để chúng con chăm mẹ!
Dì Lương tròn mắt nhìn tôi, rồi bất giác nước mắt rơi. Đây là lần đầu tiên, tôi gọi dì là “mẹ”. Dì run rẩy đưa tay chạm vào mặt tôi, nghẹn ngào hỏi:
– Liệu có làm phiền các con không?
Tôi quay sang chồng, anh mỉm cười gật đầu. Chúng tôi cùng đáp:
– Không phiền chút nào ạ, chúng con vui vì có mẹ ở bên!
Tôi không biết sau này thế nào, nhưng dù vất vả bao nhiêu, tôi cũng sẽ đồng hành cùng mẹ kế của mình đến cuối đời.