Đầu năm nay, Võ Thị Nhung Nhi quyết định rời thành phố Hồ Chí Minh sau gần 10 năm gắn bó để về quê khởi nghiệp. Điều này đã giúp cô “đổi đời” nhờ mô hình nông sản sạch của mình.
Sinh ra từ nông, lại quay về làm nông
Võ Thị Nhung Nhi (27 tuổi), sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nông nghiệp. Mảnh đất Đắk Mar, huyện Đắk Hà, KonTum cằn cỗi đã nuôi dưỡng Nhi trưởng thành. Đến năm 18 tuổi cô tốt nghiệp khoa Marketing, rời quê hương lên Tp Hồ Chí Minh học tập và làm việc. Hiện tại cô đã có hơn 10 năm gắn bó ở thành phố mang tên Bác.
Ra trường được 5 năm, Nhi đã tìm được chỗ đứng ở công ty với chức vụ nhân viên truyền thông. Thu nhập hàng tháng lên tới 8 con số. Có lẽ với nhiều người, đây chính là niềm mơ ước. Nhưng sâu trong Nhi vẫn mong mỏi làm được gì đó cho mảnh đất Đắk Mar nơi cô sinh ra.
Sau nhiều tháng ngày trăn trở, đầu năm 2022 vừa qua, Nhi quyết định “rời phố về làng”.
Biết được quyết định đó của Nhi, gia đình và bạn bè đều ngăn cản. Bởi không chỉ công việc của Nhi đang rất thuận lợi mà bố mẹ cũng sợ đây chỉ là “đam mê nhất thời” mà thôi.
Mẹ Nhi cho biết:
“Ngày Nhi bảo về quê lập nghiệp, tôi đã phản đối kịch liệt. Tôi khó nhọc để nuôi nó ăn học, mong con có công ăn việc làm ổn định ở thành phố. Bây giờ nó lại đòi bỏ phố về quê.
Thế nhưng, Nhi bảo sẽ về quê để phụ tôi phát triển những sản phẩm nhà mình đang làm. Để cho mọi người biết đến rộng rãi hơn. Nó cứ thuyết phục tôi dần dần, sau đó tôi và ông nhà cũng tin tưởng và ủng hộ con.”
Còn về phía chị Yến Phương (chị gái ruột của Nhi) có nói:
“Khi nghe cái Nhi nói muốn bỏ phố về quê. Tôi cũng ngăn cản dữ dằn lắm. Đang công ăn việc làm ổn định, mối quan hệ cũng nhiều. Giờ lại bỏ giữa chừng thì đúng uổng phí. Thế mà con bé nó nói mãi, con bé quyết tâm dữ lắm. Vậy là tôi cũng giúp đỡ nó để hoàn thành ước mơ”.
5 năm đi làm Nhi cũng tích cho mình được một khoản kha khá. Khi được bố mẹ cho mượn mảnh đất rộng 2ha, cô bắt tay vào gây dựng mô hình nông sản sạch. Bên cạnh những kiến thức thuần nông từ cha mẹ chỉ dạy, Nhi cũng tìm hiểu và học hỏi thêm từ nhiều nguồn nông nghiệp trên thế giới.
Cháy hết mình với ước mơ “nông sản sạch”
Cô gái trẻ Kon Tum với mô hình VAC, kết hợp giữa phương pháp truyền thống và hiện đại.
Đối với các loại gia súc và gia cầm, Nhi cho ăn sẵn cỏ ở vườn hoặc những loại cây trái hư hỏng. Phân từ gia súc gia cầm, cô lại lấy để bón cây và giúp cho đất tơi xốp.
“Thay vì cuộc đua vào sản lượng như nhiều trang trại bây giờ vẫn hay làm. Mình lại tập trung cho chất lượng. Mình mới nuôi một đàn heo sạch nhưng phải đến năm sau mới xuất chuồng. Chứ như những nơi khác 3-6 tháng đã cho xuất rồi vì người ta nuôi bằng cám tăng trọng”, Nhi chia sẻ.
Tính đến nay, Nhi đã “bỏ phố về làng” được nửa năm. Dưới sự giúp đỡ của bố mẹ, anh chị mà mô hình nông sản sạch của cô đã bước đầu gặt hái được thành công. Trang trại của Nhi với hơn 1000 cây cà phê, 300 cây sầu riêng, 500 gốc cam và hơn 100 bụi chuối. Chưa kể Nhi còn đan xen trồng các loại cây trái khác nhau như hồ tiêu, bơ sáp, chôm chôm…Còn heo sạch cũng lên tới 150 con và gà vịt cũng khoảng 500 con.
Hai tháng vừa qua Nhi cũng bắt đầu có doanh thu, mỗi tháng đang kiếm được khoảng vài chục triệu đồng nhờ tiền bán gà, vịt và cây trái trong trang trại.
Một khách hàng quen của Nhi cho hay: “Mình biết Nhi qua một nhóm về nghiện vườn trên mạng. Sau đó mình có đặt mua thử của Nhi ít nông sản. Lúc mới đầu cũng hơi hoang mang liệu cô bé này có bán đồ sạch thật không. Nhưng đến khi mình dùng sản phẩm và theo dõi em đủ lâu. Mới thấy được nhiệt huyết tuổi trẻ và quan điểm kinh doanh rõ ràng của em. Vậy là mình hoàn toàn yên tâm”
Khi mô hình của Nhi đã bắt đầu thành công, cô cũng không ngần ngại mà giúp đỡ bà con quanh rẫy để nhân rộng và phát triển. Nhi thay mặt bà con để quảng bá hình ảnh nông sản Kon Tum. Chia sẻ về tương lai, Nhi hi vọng sẽ phát triển và nhân rộng mô hình này hơn nữa, để tăng thêm thu nhập cho gia đình và bà con cùng lối xóm.