Theo báo Tiền Phong, cụ thể, thiếu tá Tống Đình Xuân , Phó Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, quá trình điều tra, tại Thanh Hoá, cơ quan công an đã phát hiện tại hơn 10 nhà thuốc, tài khoản facebook bán loại thuốc giả .
Cụ thể, các quầy thuốc có bán loại thuốc giả như quầy thuốc Thuận Hương, thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh; quầy thuốc Đức Tín, phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa ; quầy thuốc Bình Minh ở chợ Nghè, huyện Hậu Lộc; quầy thuốc Thắng Hồng ở xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hoá; facebook Nga Hoàng (ở xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hoá); facebook Trần Thu (huyện Thiệu Hoá)…
21 loại thuốc giả được cơ quan chức năng phát hiện tại chuyên án
Ngoài ra, thiếu tá Tống Đình Xuân cho biết thêm, trong số 14 đối tượng bị khởi tố bị can, có 3 đối tượng ở Thanh Hóa có bằng trung cấp dược, chứng chỉ hành nghề dược bị khởi tố về hành vi buôn bán thuốc giả từ đường dây sản xuất thuốc giả trên. Đó là các bị can, Dương Thị Oanh (SN 1992, trú tại phường Trường Thi, TP Thanh Hóa); Phạm Thị Thảo (SN 1988, trú tại phường Đông Hải, TP Thanh Hóa) và Phạm Thị Thu (SN 1993, trú tại phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá).
Trước đó, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa đã đấu tranh triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả do là Nguyễn Tiến Đạt (SN 1991, trú tại Chung cư Hapulico, Quận Thanh Xuân, Hà Nội) và Trịnh Doãn Giáo (SN 1985; trú quận Bình Tân, TP HCM) cầm đầu. Lực lượng chức năng đã khám xét khẩn cấp 6 địa điểm là nơi sản xuất, nơi làm việc, nơi cất giấu hàng hóa của ổ nhóm trong đường dây sản xuất thuốc giả trên địa bàn TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp. Qua khám xét, lực lượng công an đã thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả . Tổng khối lượng thuốc tân dược giả và nguyên liệu để làm thuốc tân dược giả công an thu giữ được gần 10 tấn.
Nhóm đối tượng này sử dụng thủ đoạn không làm giả các sản phẩm đang lưu hành trên thị trường mà tự đặt ra tên thuốc và tên công ty, trong đó phần lớn có trụ sở “ảo” ở nước ngoài như Malaysia, Singapore… nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Kể từ năm 2021 đến khi bị bắt, đường dây này đã bán ra thị trường số lượng thuốc giả rất lớn, ước tính gần 200 tỉ đồng.
Bộ Y tế công bố 21 loại thuốc giả
Theo báo Vnexpress, cảnh báo này được Bộ Y tế gửi đến Sở Y tế các địa phương hôm nay, trong bối cảnh Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc và bắt giữ 14 người.
Trong số 21 sản phẩm bị thu giữ, có 4 loại được xác định là giả mạo thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, gồm: Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter và Neo-Codion. Tức là, thông tin ghi trên nhãn các loại này hoặc tên thuốc hoàn toàn trùng khớp với thuốc thật đã được Bộ Y tế cấp phép.
“Sở y tế địa phương và y tế các ngành khẩn trương thông báo rộng rãi đến các cơ sở kinh doanh, cơ sở sử dụng thuốc không được kinh doanh, buôn bán, sử dụng các sản phẩm giả này”, Cục Quản lý Dược cho biết.
Cụ thể, 4 loại thuốc giả trên nhãn ghi thông tin sau:
Viên nén Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg), SĐK: VD-25305-16; nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm TW3, đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên.
Viên nén Tetracyclin TW3 (Tetracyclin hydroclorid 250mg), SĐK: VD-28109-17; nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm TW 3, đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên.
Viên nén Pharcoter (Codein base 10mg; Terpin hydrat 100mg), SĐK: VD-14429-11; nhà sản xuất: Công ty cổ phần dược phẩm TW1 (Pharbaco), đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên.
Sản phẩm giả thuốc Neo-Codion. Riêng thuốc này chưa có thông tin trên nhãn. Song, Cục Quản lý dược cho biết, với thuốc Neo-Codion được Bộ Y tế cấp phép lưu hành có các thông tin chính thức như sau: số giấy phép lưu hành 300111082223 (SĐK cũ: VN-18966-15); hoạt chất Codein base (dưới dạng Codein camphosulfonat 25mg) 14,93mg; Sulfogaiacol 100mg; cao mềm Grindelia 20mg; dạng bào chế là viên nén bao đường; đóng gói hộp 2 vỉ x 10 viên. Nhà sản xuất: Công ty Sophartex (Pháp), địa chỉ: 21, rue du Pressoir, Vernouillet, 28500.
Danh mục 16 thuốc chưa được cấp số đăng ký. Ảnh: Bộ Y tế
Còn 16 sản phẩm còn lại không trùng khớp với bất kỳ loại thuốc nào nằm trong danh mục đã được Bộ Y tế cấp giấy phép đăng ký lưu hành. Danh sách gồm: Nhức tê khớp bại hoàn; Tui Hua Shen Jing Tong (thuốc thoái hóa Singapore); Trùng thảo sâm nhung bổ tỳ khai vị đại bồ hoàn; Professor’s Pil (khớp xanh); Mujarhabat Kapsul (khớp đỏ); Gai cốt hoàn…
Ngoài công bố và cảnh báo về danh sách thuốc giả, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện rà soát quy trình mua sắm và cung ứng thuốc, đảm bảo chỉ sử dụng thuốc có giấy phép lưu hành, được cung cấp từ nguồn hợp pháp và có đầy đủ hóa đơn chứng từ.
Khi phát hiện thuốc nghi ngờ bất thường hoặc chưa được cấp phép, cần niêm phong ngay, ngừng sử dụng và báo cáo cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.
Người dân được khuyến cáo chỉ mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh hợp pháp, tránh sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc và thông báo các dấu hiệu nghi ngờ về thuốc giả đến cơ quan chức năng.
Các địa phương cần thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin về thuốc giả, thuốc nhập lậu để truy tìm nguồn gốc và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Hàng chục nhãn hiệu thuốc bị làm giả tinh vi. Ảnh:Lam Sơn
Hôm 17/4, Bộ Y tế nói ‘thuốc giả không xâm nhập được vào bệnh viện công’ do không có giấy tờ, chứng từ để tham gia đấu thầu. 21 loại thuốc giả được sản xuất tại Hà Nội, TP HCM và An Giang. Trong đó, có 4 loại giả thuốc tân dược (44 hộp Tetracyclin, 40 hộp Clorocid, 49 hộp Pharcoter, 52 hộp Neo-Codion); 39.323 hộp gồm 17 loại sản phẩm giả nghi là thuốc đông dược, sản phẩm có nhãn ghi mục đích sử dụng như thuốc chữa bệnh.