Đem 50 triệu đến cho mẹ và bố dượng trả viện phí, tôi sững người khi biết chuyện lâu nay 2 người vẫn luôn giấu kín

Mẹ tôi vẫn khóc, dượng thì cuống quýt xin lỗi và an ủi. Tôi đứng sau cánh cửa, nghe được mà cũng bật khóc theo.

Hai ngày trước, khi đang cắm cúi làm việc, điện thoại của tôi bỗng reo lên. Là mẹ gọi. Giọng bà run run, gần như nghẹn lại:

– Kiên ơi, dượng nhập viện rồi, con có tiền thì mang tới đóng giúp viện phí được không?

Tôi vội vàng trấn an mẹ, bảo bà bình tĩnh rồi nhanh chóng xin nghỉ phép. Tôi lập tức chạy ra ngân hàng, rút toàn bộ số tiền tiết kiệm được khoảng 50 triệu đồng rồi bắt xe thẳng tới bệnh viện. Trên đường đi, lòng tôi rối bời, vừa lo lắng cho sức khỏe của dượng, vừa áy náy vì mình đã không quan tâm nhiều hơn đến mẹ và dượng suốt thời gian qua.

Dượng tôi tên là Hùng, một người thợ mộc nổi tiếng trong làng. Không chỉ khéo tay, ông còn là người sống chính trực, luôn giữ lời hứa. Tôi nhớ mãi câu nói dân làng hay bảo nhau:

– Đồ gỗ nhà ông Hùng dùng ba đời không hỏng!

Dượng chỉ cười xua tay khi nghe vậy:

– Làm tốt là chuyện phải làm. Mình không thể gian dối mà lấy tiền của người ta được.

Hình ảnh của dượng luôn gắn liền với những bộ bàn ghế, tủ gỗ mộc mạc nhưng chắc chắn. Ông không giàu có, nhưng danh dự và tấm lòng của ông thì giàu hơn bất cứ ai tôi từng biết.

Ngày bố ruột tôi qua đời, gia đình tôi rơi vào cảnh kiệt quệ. Chính dượng là người đã đứng ra lo liệu mọi việc, từ đám tang đến sửa sang lại nhà cửa. Vài năm sau, dượng ngỏ lời muốn cưới mẹ tôi. Ông bà nội tôi không ngăn cản, ông bà ngoại lại càng ủng hộ, nên mẹ quyết định bước thêm bước nữa.

Từ khi về ở với dượng, tôi chưa bao giờ cảm thấy mình là con riêng. Dượng chăm sóc tôi chu đáo, dạy tôi đủ điều từ sửa điện, đóng đinh đến những bài học làm người. Tôi vẫn nhớ đêm mưa tầm tã năm đó, tôi bị viêm ruột thừa cấp tính, cả nhà náo loạn. Đường làng lầy lội không thể đi xe, dượng cõng tôi vượt qua bùn đất, vừa đi vừa hét to cầu cứu:

– Làm ơn cho tôi đi nhờ đến bệnh viện, con tôi bệnh nặng lắm, nó không chịu nổi mất…

Dưới cơn mưa như trút, tiếng kêu của dượng át cả tiếng mưa rơi. Tôi nằm trên lưng ông, đau đớn đến mức muốn ngất đi nhưng vẫn nghe rõ giọng dượng khản đặc vì lo lắng. Nếu hôm ấy không có ông, có lẽ tôi đã không còn sống đến ngày hôm nay.

Khi đến bệnh viện, tôi gặp mẹ đang ngồi chờ ở ngoài phòng bệnh. Sau khi hỏi thăm tình hình, tôi cầm lấy giấy tờ rồi đi đóng viện phí. Quay trở lại, tôi bất ngờ nghe thấy tiếng dượng và mẹ trò chuyện bên trong:

– Tiền viện phí bà nhớ trả lại thằng Kiên nhé, nó còn đang lập nghiệp, chắc tiền nong chẳng dư dả gì đâu.

Mẹ tôi thở dài, nghẹn ngào:

– Nó đi làm rồi còn đỡ hơn thằng Minh. Minh còn đang là sinh viên, lấy đâu ra tiền mà giúp.

– Nhà mình hết sạch tiền tiết kiệm rồi à? – Dượng hỏi tiếp.

Mẹ tôi bắt đầu khóc:

– Hai lần ông đi viện trước, tiêu hết sạch rồi. Những năm qua, ông làm được đồng nào đều dồn lo cho hai đứa con, giờ chẳng còn gì nữa.

Tôi đứng ngoài cửa, nước mắt bất giác tuôn rơi. Hóa ra những bữa cơm đầy đủ mỗi lần tôi về thăm nhà, những món quà nhỏ mẹ gói ghém gửi theo… tất cả đều là sự chắt chiu, cố gắng của mẹ và dượng. Họ chưa một lần than vãn hay đòi hỏi tôi phải gửi tiền về phụng dưỡng. Mẹ và dượng còn tỏ ra cuộc sống ở quê vô cùng đầy đủ, sung túc mỗi khi tôi về hoặc gọi điện hỏi thăm để tôi không phải lo lắng, áp lực. 

Giờ đây, dượng nằm đó với khuôn mặt già nua và gầy rộc vì lao lực suốt bao năm. Mỗi lần ông làm việc, bụi gỗ len lỏi vào phổi, dần dần gây ra căn bệnh mà giờ đây cần phải chữa trị lâu dài và tốn kém. Vậy mà, ông chưa một lần kêu than, cũng chẳng bao giờ để tôi biết về những khó khăn tài chính của gia đình.

Tôi ngồi lặng ngoài hành lang bệnh viện, lòng trĩu nặng. Tôi chưa thành công, chưa có nhiều tiền để báo đáp ân tình của dượng. Nhưng giờ đây, tôi quyết tâm sẽ không để ông gánh vác thêm nữa.

Tôi bước vào phòng bệnh, nắm chặt tay ông:

– Dượng yên tâm nghỉ ngơi ạ, tiền bạc để con lo. Con lớn rồi, con có trách nhiệm chăm sóc gia đình mình.

Dượng nhìn tôi, ánh mắt thoáng bất ngờ rồi dịu dàng cười:

– Thằng Kiên của tôi trưởng thành thật rồi…

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/dem-50-trieu-den-cho-me-va-bo-duong-tra-vien-phi-toi-sung-nguoi-khi-biet-chuyen-lau-nay-2-nguoi-van-luon-giau-kin-d257204.html