Đau bắp chân khi đi lại (Ảnh nguồn: Internet)
Đau bắp chân dai dẳng trong một tuần
Trường hợp bệnh nhân L.N.T (40 tuổi, tại Hải Phòng) đi khám vì có triệu chứng đau bắp chân phải. Anh T có chia sẻ với bác sĩ triệu chứng đau bắp chân đã xuất hiện khoảng 1 tuần nay.
Trước đó, anh T có vận động nhiều, bê vác đồ nặng, bắp chân phải sưng nóng, căng tức, tê bì, đau tăng khi đứng lâu, kèm phù tăng dần vùng cẳng bàn chân phải. Sau đó vài ngày, anh cảm thấy bắp chân phải phù cứng, đau nhiều, đau ngực bên phải nhiều, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt nên quyết định đi khám.
Bệnh nhân được bác sĩ chỉ định thực hiện siêu âm tĩnh mạch chi dưới bên phải. Kết quả siêu âm cho thấy hình ảnh huyết khối tĩnh mạch chày trước, chày sau, tĩnh mạch khoeo và một phần tĩnh mạch đùi nông chi dưới phải. Bên cạnh đó, là hình ảnh phù nề và theo dõi tụ dịch phần mềm 1/3 giữa mặt trong cẳng chân phải.
Trong 15 phút siêu âm, bệnh nhân có biểu hiện đau ngực, khó thở cấp. Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành cấp cứu để xử trí tình huống khẩn cấp.
Kết quả chụp động mạch phổi phát hiện huyết khối lan tỏa trong động mạch phổi phải và động mạch phổi trái, đặc biệt bên phải (Ảnh: BSCC)
Sau khi sức khỏe bệnh nhân ổn định, bác sĩ tiếp tục tiến hành chụp động mạch phổi. Trên hình ảnh CT phát hiện huyết khối lan tỏa trong động mạch phổi phải và động mạch phổi trái, đặc biệt bên phải. Bệnh nhân nhập viện điều trị thuốc chống đông máu để tiêu dần huyết khối và điều trị tình trạng viêm mô bào cẳng chân phải. Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân đã hết hoàn toàn các triệu chứng và được xuất viện.
Thuyên tắc phổi – căn bệnh nhiều biến chứng nguy hiểm
Thuyên tắc phổi xuất hiện khi có một vật gây tắc nghẽn làm cản trở dòng máu chảy qua động mạch phổi. 90% trường hợp thuyên tắc phổi xuất phát từ cục máu đông hình thành trong bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu. Khoảng 80% các cục máu đông này sẽ tự tan biến mà không gây tắc mạch phổi, 20% còn lại có thể di chuyển đến tĩnh mạch chậu đùi và bị vỡ, cho phép một cục máu đông di chuyển lên tĩnh mạch chủ dưới và sau cùng lên phổi sẽ gây ra sự tắc nghẽn tại đó.
Nguy cơ phát triển thuyên tắc phổi tăng theo tuổi. Những người có nguy cơ cao là những người bị huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc có tiền sử thuyên tắc phổi.
ThS.BS Phạm Duy Hưng – Phó Trưởng Khoa Nội, Bệnh viện Đa Khoa Medlatec cho biết, bệnh nhân T được chẩn đoán thuyên tắc phổi, đây là bệnh nguy hiểm gây ra các biến chứng rất nặng, thậm chí đ. ộ t t.ử. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể thay đổi rất nhiều, tùy thuộc vào mức độ liên quan đến phổi, kích thước của cục máu đông và sức khỏe tổng thể, đặc biệt là sự có mặt của bệnh phổi hay bệnh tim tiềm ẩn hay không.
Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của thuyên tắc phổi bao gồm: Khó thở, đau ngực, ho, thở khò khè, sưng phù chân, niêm mạc hoặc da có màu hơi xanh, ra nhiều mồ hôi, nhịp tim nhanh hoặc nhịp tim không đều, mạch yếu, choáng váng hoặc ngất xỉu,…
Thuyên tắc mạch phổi có thể dẫn đến những biến chứng như:
– Tuần hoàn tim bị ảnh hưởng lâu ngày dẫn đến tăng gánh nặng cho tim, lâu ngày bệnh nhân có thể bị suy tim.
– Tăng huyết áp trong mạch phổi (tăng áp phổi) ở bệnh nhân bị thuyên tắc mạch phổi lặp đi lặp lại nhiều lần.
– Biến chứng do điều trị: Biến chứng do điều trị thuốc chống đông như chảy máu ở những vị trí khác trong cơ thể (ví dụ: Loét dạ dày…).
Trường hợp thuyên tắc mạch phổi được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì tiên lượng được đánh giá là tốt, bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn. Nếu bệnh nhân có bệnh lý nghiêm trọng đi kèm từ trước khi bị thuyên tắc mạch phổi thì sẽ có tiên lượng xấu hơn, việc điều trị gặp nhiều khó khăn, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/dau-hieu-o-bap-chan-canh-bao-benh-cuc-nguy-hiem-co-the-gay-dot-tu-20230615095222535.htm