Khi người điều khiển xe dừng xe mặc áo mưa thì phải tuân thủ các điều kiện về dừng, đỗ xe. Nếu không, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính tùy vào từng hành vi và loại phương tiện, tính chất, mức độ nguy hiểm hành vi của người điều khiển phương tiện.
Dừng xe mặc áo mưa có bị phạt không?
Theo đó, kể cả đối với trường hợp xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có hành vi dừng xe mặc áo mưa không đúng quy định (tại Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) sẽ có mức phạt tiền như sau:
Phạt từ 300-400 nghìn đồng đối với hành vi:
– Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường.
– Dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông.
– Dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, điểm dừng đón trả khách của xe buýt.
– Dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, điểm dừng đón trả khách của xe buýt, nơi đường bộ giao nhau, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; dừng xe nơi có biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”; đỗ xe tại nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”…
Phạt từ 400-600 nghìn đồng đối với hành vi: Dừng xe, đỗ xe trên cầu.
Phạt từ 800 – 1 triệu đồng đối với hành vi: Dừng xe, đỗ xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định.
Phạt từ 4 – 5 triệu đồng đối với hành vi: Dừng xe, đỗ xe không đúng quy định gây tai nạn giao thông.
Đối với người đi xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) (tại Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP) có hành vi dừng xe mặc áo mưa không đúng quy định sẽ có mức phạt tiền như sau:
Phạt từ 80 – 100 nghìn đồng đối với hành vi:
– Dừng xe đột ngột, chuyển hướng không báo hiệu trước.
– Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường.
– Dừng xe, đỗ xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định.
Như vậy, đối với hành vi dừng xe sai quy định để mặc áo mưa thì sẽ tùy thuộc vào từng hành vi, loại phương tiện, tính chất và mức độ nguy hiểm mà hành vi đó gây ra, để xử phạt người điều khiển phương tiện theo quy định như đã nêu trên.
Từ 1/1/2025, khi dừng, đỗ xe trên đường phải thực hiện các quy định:
Căn cứ khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 18 Luật Trật tự an toàn giao thông 2024 (có hiệu lực từ 1/1/2025) quy định như sau:
Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi dừng xe, đỗ xe trên đường phải thực hiện các quy định sau đây:
– Có tín hiệu báo cho người khác biết khi ra, vào vị trí dừng xe, đỗ xe.
– Không làm ảnh hưởng đến người đi bộ và các phương tiện khác.
Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:
– Bên trái đường một chiều;
– Trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc mà tầm nhìn bị che khuất;
– Trên cầu, trừ những trường hợp tổ chức giao thông cho phép;
– Gầm cầu vượt, trừ những nơi cho phép dừng xe, đỗ xe;
– Song song cùng chiều với một xe khác đang dừng, đỗ trên đường;
– Cách xe ô tô đang đỗ ngược chiều dưới 20 mét trên đường phố hẹp,
dưới 40 mét trên đường có một làn xe cơ giới trên một chiều đường;
– Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;
– Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 05 mét tính từ mép đường giao nhau;
– Điểm đón, trả khách;
– Trước cổng và trong phạm vi 05 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức có bố trí đường cho xe ra, vào;
– Tại nơi phần đường có chiều rộng chỉ đủ cho một làn xe cơ giới;
– Trong phạm vi an toàn của đường sắt;
– Che khuất biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông;
– Trên đường dành riêng cho xe buýt, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; trên lòng đường, vỉa hè trái quy định của pháp luật.
Trường hợp trên đường bộ thì chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì chỉ được dừng xe, đỗ xe sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình.
Trường hợp trên đường phố thì chỉ được dừng xe, đỗ xe sát theo lề đường, vỉa hè phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, vỉa hè quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho người và phương tiện khác.
Trường hợp gặp sự cố kỹ thuật hoặc bất khả kháng khác buộc phải đỗ xe, khi đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy hoặc tại nơi không được phép đỗ, phải có báo hiệu bằng đèn khẩn cấp hoặc đặt biển cảnh báo về phía sau xe để người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khác biết.
Theo đó, có thể thấy, pháp luật không cấm việc người dân dừng xe để mặc áo mưa. Tuy nhiên, người dân khi dừng xe trong trường hợp này cũng cần lưu ý không vi phạm những quy định như đã nêu trên.
Ngày 4/2/2025, Tạp chí Người đưa tin đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Từ 15/2, CSGT toàn quốc sẽ đặc biệt chú ý tới 6 hành vi vi phạm giao thông này, mọi tài xế cần biết”. Nội dung cụ thể như sau:
Ngày 4/2, Cục CSGT, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch Tuần tra kiểm soát, xử lý các chuyên đề vi phạm là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt.
Theo đó, 6 nhóm chuyên đề được CSGT toàn quốc tập trung xử lý gồm:
Vi phạm nồng độ cồn, ma túy.
Vi phạm cơi nới thùng xe, chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, vận chuyển hàng hóa không chằng buộc đúng quy định.
Vi phạm tốc độ, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu (vượt đèn đỏ), đi không đúng phần đường, làn đường quy định, đi ngược chiều, tránh vượt, không tuân thủ các quy định về nhường đường tại nơi đường bộ giao nhau.
Điều khiển xe thành đoàn gây cản trở giao thông, lạng lách, đánh võng… đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng.
Lái xe kinh doanh vận tải sử dụng điện thoại, thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện và việc lắp đặt, hoạt động của thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh lái xe.
Xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đối với học sinh, sinh viên.
Việc kiểm tra, xử lý vi phạm được thực hiện thường xuyên, liên tục, nghiêm minh, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” để răn đe, giáo dục, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của người tham gia giao thông.
Kế hoạch được thực hiện xuyên suốt trong năm 2025 bắt đầu từ ngày 15/02/2025.
Trước đó, ngày 2/2, Cục CSGT cũng thông tin, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán (từ 25/1 đến 10h ngày 2/2), toàn quốc xảy ra 445 vụ tai nạn giao thông làm chết 209 người, bị thương 373 người.
So với 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tai nạn đã giảm 258 vụ (giảm 36,69%), giảm 126 người chết (giảm 37,61%), giảm 232 người bị thương (giảm 38,34%).
Theo Cục CSGT, trong 9 ngày nghỉ Tết vừa qua, cả nước xảy ra một vụ tai nạn đường bộ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến 7 người chết, 2 người bị thương tại tỉnh Nam Định. Đường sắt xảy ra 2 vụ tai nạn làm chết 1 người, bị thương 1 người.