Dân gian ta có câu “thuyền theo lái, gái theo chồng”, để ám chỉ những người phụ nữ khi đi làm dâu phải phụ thuộc vào nhà chồng, phải quan tâm và chăm sóc bố mẹ chồng. Nhưng lại không có câu nào để nói về trách nhiệm của người chồng với nhà vợ cả.
Không giống như phương Tây “thân ai người ấy lo”, ở Phương Đông lại đề cao chữ hiếu và văn hóa phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già. Ở Việt Nam cũng vậy, quan tâm và chăm sóc bố mẹ là trách nhiệm của người làm con. Thế nhưng ở khía cạnh này vẫn còn tư tưởng coi người phụ nữ trong nhà như người giúp việc, phải phục vụ nhà chồng. Còn người chồng thì hoàn toàn có quyền xem nhẹ nhà vợ.
Có một số người chồng, luôn áp dụng những giáo điều để ép người vợ phải toàn tâm toàn ý cho nhà chồng mà không được tư tưởng về nhà đẻ. Họ thậm chí còn cấm đoán vợ mình báo hiếu với “bố mẹ vợ”. Họ ví “con gái lấy chồng như bát nước hất đi”, chính vì vậy người phụ nữ sau khi lấy chồng phải rũ bỏ hoàn toàn trách nhiệm với chính cha mẹ ruột.
Nói đi cũng phải nói lại, không phải tất cả đàn ông Việt đều có tư tưởng vậy, nhưng đây lại là truyền thống, là văn hóa được lưu truyền rộng rãi trong đời sống. Chính vì thế, liệu có mấy người phụ nữ dám đứng lên để phản kháng lại số đông?
Ảnh minh họa internet
“Dâu là con, rể là khách”, chính vì thế phụng dưỡng cha mẹ chính là nghĩa vụ của người vợ khi đã theo chồng. Còn người chồng thì lại có quyền coi nhẹ việc báo hiếu bố mẹ vợ. Người ta cũng chỉ thấy bố mẹ chồng soi xét con dâu, nào có bao giờ bố mẹ vợ xét nét con rể hay chưa?
Một ví dụ cho bạn dễ hiểu, người ta vẫn nói Tết là dịp để cả nhà đoàn viên, nhưng có mấy người con gái đi lấy chồng được ăn Tết nhà ngoại?
Xã hội dù có phát triển đến đâu, và thế hệ trẻ ngày nay dù tư tưởng thoáng hơn rất nhiều nhưng đại đa số những người chồng vẫn thích sinh con trai để nối dõi tông đường, vì không muốn trở thành cha mẹ vợ của người khác. Cho nên, những câu ví von “con gái lấy chồng như bát nước đổ đi”, “thuyền theo lái, gái theo chồng”…vẫn tồn tại đến giờ.
Không biết đến bao giờ người Việt mới dám đối diện với vấn đề này. Liệu trong vài năm tới hay mấy chục năm tới, sẽ có bộ phận nữ quyền liên hiệp lại để lên tiếng vấn đề này hay không, hay cứ để nó trở thành điều tất nhiên của cuộc sống.