Ngành Luật là ngành như thế nào?
Ngành Luật ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đây là ngành học mang tính thực tiễn cao, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ pháp luật về quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Theo chia sẻ từ Trường Đại học Công nghệ TP.HCM, thống kê cho thấy, sự thiếu hụt nhân lực ngành Luật tại các công ty và các doanh nghiệp khi nhu cầu tuyển dụng ngày càng tăng. Việc có nhân lực ngành Luật sẽ giúp cảnh báo, phát hiện sớm các rủi ro để giúp các công ty và doanh nghiệp giảm bớt thiệt hại. Đồng thời có những phương án thích hợp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, đón đầu các dòng đầu tư vốn nước ngoài, không cần phải tham gia tranh trụng tại tòa… Chính điều này đã tạo ra cơ hội lựa chọn việc làm phong phú cho các cử nhân ngành Luật.
Thí sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2024.
Theo chia sẻ của Trường Đại học Kinh tế – Luật, ngành Luật ở Việt Nam là ngành học đào tạo và cung cấp cho sinh viên những kiến thức về hệ thống pháp luật Việt Nam và quốc tế. Các kỹ năng nhận định, xử lý khách quan đến luật pháp. Ngành Luật bao gồm nhiều chuyên ngành khác nhau. Mỗi chuyên ngành sẽ tập trung đào tạo về một lĩnh vực pháp luật cụ thể.
Hiện nay, ngành Luật được xét tuyển theo nhiều tổ hợp môn. Tùy thuộc vào từng trường đại học mà tổ hợp xét tuyển sẽ có sự khác biệt. Tuy nhiên, phổ biến nhất là các khối thi:
Khối A00: Toán, Lý, Hóa
Khối A01: Toán, Lý, Anh
Khối C00: Ngữ Văn, Lịch Sử, Địa Lý
Khối D01: Ngữ Văn, Toán, Tiếng Anh
Khối D03: Ngữ Văn, Toán, Tiếng Pháp
Khối D06: Ngữ Văn, Toán, Tiếng Nhật
Khối D07: Toán, Hóa, Tiếng Anh
Ngoài ra, một số trường đại học cũng xét tuyển ngành Luật theo tổ hợp môn khác. Có thể kể đến như:
Khối D90: Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh, Lịch Sử
Khối D91: Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh, Địa Lý
Khối D92: Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh, Vật Lý
Khối D93: Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh, Hóa học
Hiện nay, có nhiều trường đại học đào tạo ngành Luật trên cả nước bao gồm cả công lập và tư thục. Một số trường đại học đào tạo ngành Luật uy tín tại Việt Nam có thể kể đến như Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM; Trường Đại học Luật TP.HCM; Đại học Đà Nẵng; Đại học Huế; Đại học Ngoại thương; Đại học Kinh tế – Tài chính; Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội;…
Khi lựa chọn trường đại học đào tạo ngành Luật, thí sinh cần cân nhắc các yếu tố: Uy tín của trường đại học; Chương trình đào tạo; Đội ngũ giảng viên; Cơ sở vật chất; Chọn lựa trường đại học có mức học phí phù hợp với khả năng tài chính của bản thân.
Ngành Luật chưa bao giờ hết “hot”
Chia sẻ với thí sinh trong việc lựa chọn ngành Luật để xét tuyển đại học sắp tới, Luật sư Lê Thị Thanh Huyền cho biết: Hiện nay nhóm ngành kinh tế và Luật có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trên 90% trong đó có rất nhiều ngành các em thích.
Trước một số thông tin cho rằng ngành Luật thừa nhân sự, sinh viên ra trường khó xin việc, Luật sư Huyền khẳng định: “Học ngành Luật không chỉ ra trường để làm luật sư mà thực tế đời sống cần nhiều kiến thức của các sinh viên Luật ra trường. Hiện ngành luật có nhiều chuyên ngành: Luật hiến pháp, dân sự, hình sự, kinh tế… để điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội. Vì vậy khi học Luật chúng ta sẽ làm được rất nhiều công việc khác nhau trong xã hội.
Chính vì thế, thông tin cho rằng ngành Luật thừa nhân sự, sinh viên ra trường khó xin việc không có căn cứ, bởi các bạn sinh viên ra trường có thể làm thẩm phán, công chứng viên, nhà báo…
Ví dụ, nhiều bạn thích kinh doanh, muốn làm giám đốc… đều phải hoạt động đúng pháp luật. Ngoài làm đúng chuyên ngành luật như thẩm phán, kiểm soát viên, điều tra viên, các bạn có thể làm tư vấn pháp luật cho các công ty, tập đoàn… Việc này thực tế có thu nhập rất cao.
Theo nhiều thông tin, mức lương trung bình trên 15 triệu thì 90% rơi vào ngành Luật. Cơ hội và thu nhập trải dài trên tất cả các lĩnh vực của ngành này. Cơ hội cũng chia đều cho các bạn đang tham gia buổi đối thoại, tư vấn, hướng nghiệp. Tuy nhiên, để theo học ngành này, trước hết các em phải xác định mục tiêu và đam mê. Ngành Luật ngoài kiến thức trong nhà trường, cần đòi hỏi kiến thức, kỹ năng mềm như: Thuyết trình, tổ chức công việc, tận dụng các chi tiết hay, đặc biệt trong thời buổi kinh tế hội nhập thì ngoại ngữ là kỹ năng cực kỳ quan trọng (luật sư thành thạo ngoại ngữ có thu nhập gấp 2, gấp 3 luật sư không có ngoại ngữ). Thực tế, có những luật sư làm trong công ty luật có thu nhập 10-20 triệu đồng/giờ tư vấn.
Tiếp nữa, vấn đề thừa hay thiếu còn phụ thuộc vào chất lượng luật sư như nào. Ở trường đào tạo ngành Luật, có nhiều bạn sinh viên đang theo học đã được mời theo các vụ việc. Từ thực tế trên có thể thấy, sự phấn đấu, học tập, trau dồi kỹ năng mềm, trải nghiệm thực tế thì sẽ có nhiều cơ hội trong ngành luật này”.