Để đồng tiền không làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ, bạn phải đặt ra những nguyên tắc bất di bất dịch trong chuyện vay trả. Trong đó có một đạo lý từ xa xưa, đến nay vẫn được lưu truyền mà bạn cần tuân thủ.
Mượn gấp không mượn nghèo
Từ xa xưa, ông cha ta đã có câu “mượn gấp không mượn nghèo”. Đây là câu nói ám chỉ tiền cần gấp thì cho mượn, nhưng nếu mượn vì nghèo thì đừng nên cho.
Ở đời, nếu bạn gặp phải những người lâm vào cảnh tai nạn đột ngột, ốm đau bất thường…thì đừng bao giờ trì hoãn chuyện cho mượn. Còn nếu những người không có tiền nhưng thường xuyên đi mượn tiền người khác để phục vụ nhu cầu cá nhân như ăn chơi, mua sắm…thì tốt nhất bạn đừng nên cho mượn.
Người xưa có câu “người giàu cũng cần tiền, người nghèo cũng cần tiền”, dù bạn giàu hay nghèo thì đều phải lao động mới ra tiền. Không dưng tiền từ trên trời rơi xuống, mà lại dễ dàng cho người khác vay.
“Đồng tiền đi liền khúc ruột”, trước khi cho người khác vay tiền phải xác định rõ: vay với mục đích gì, vay trong khoảng thời gian bao lâu, có đủ khả năng để chi trả hay không. Những người mà chỉ vay suông mà không hẹn ngày trả thì bạn nên xác định “tiền không cánh mà bay”.
Cuộc sống ai cũng phải trải qua giai đoạn khó khăn thì mới có được thành công. Nên những người nghèo, không có chí cầu tiến, lúc nào cũng muốn vay mượn khắp nơi để phục vụ nhu cầu sung sướng cái thân thì bạn cho vay lần một, lần hai, cho vay đến cuối đời họ cũng không có tiền trả. Đây là những kiểu người luôn ỉ lại vào người khác, không đáng kết giao chứ đừng nói cho vay tiền.
Mượn ba, không mượn hai
Dưới đây là 3 trường hợp bạn nên cho mượn tiền và 2 trường hợp đừng bao giờ cho mượn tiền, nếu không thì xác định “của cho là của mất”.
Ba tình huống nên cho mượn tiền đó chính là ăn học của con cái, ma chay hiếu hỉ, đào móng xây nhà.
Trẻ con chính là mầm ương của tương lai, bạn nên cho mượn tiền để đầu tư cho thế hệ trẻ thành tài. Sau này chúng lớn lên sẽ ghi nhớ công ơn mà thành tâm báo đáp.
Ma chay hiếu hỉ là một trong những việc trọng đại của cả đời người, nếu bạn dư dả tiền bạc thì nên cho mượn. Việc này thường tốn kém rất nhiều tiền bạc, nên không phải ai cũng có đủ tiền để giải quyết.
Người xưa có câu “An cư, lập nghiệp”, chính vì thế xây nhà sửa cửa phải vay mượn tiền cũng là lẽ hiển nhiên. Bạn giúp được thì nên giúp, sau này ắt người ta sẽ giúp lại bạn lúc khó khăn.
Bên cạnh 3 tình huống nên cho mượn tiền, thì 2 tình huống dưới đây bạn nên tránh xa. Hoặc nếu có cho mượn, thì cũng xác định “vay là mất”.
Những người không giữ chữ tín, thường xuyên vay tiền nhưng lần khất hết lần này đến lần khác.
Những người ham mê cờ bạc, lô đề, rượu chè…thì một đồng một hào cũng không đáng cho vay. Họ là những người vừa lười vừa tật, tiền tiêu như núi lở thì có cả tỷ trong tay cũng hết.
Đồng tiền làm ra đã khó, đồng tiền cho vay còn khó hơn. Đã không ít trường hợp mất cả tiền lẫn tình vì chuyện cho vay mượn không rạch ròi. Vậy nên, trước khi cho người khác vay tiền, bạn nhớ tuân thủ đạo lý “Mượn gấp không mượn nghèo, mượn 3 không mượn 2” nhé.