Hành động tàn nhẫn của người đàn ông này đã bị phát hiện khiến ai cũng khó chấp nhận.
Theo tờ Ettoday, vụ việc xảy ra ở Thương Thành (Hà Nam, Trung Quốc), người đàn ông tên Liu Mingju có 6 con tuổi từ 1 đến 15. Ông này nuôi con một mình vì vợ bị tâm thần. Làm các công việc chân tay không ổn định, ông thường xuyên trói các con vào giường đánh. Những người hàng xóm đã đồng loạt tố cáo Liu.
Không chỉ bạo hành các con, người cha này còn đem 5 con nhỏ của mình cho băng nhóm chuyên trộm cắp thuê lấy tiền, bởi lẽ nhân viên an ninh tại các cửa hàng thường ít chú ý đến những người đi mua sắm cùng với trẻ em. Các con của Liu, bé thậm chí mới một tuổi đã bị người cha đẩy vào con đường trộm cắp.
Đứa con thứ 4 của Liu tiết lộ: “Cháu và các anh chị thường bị treo lên đánh, phải ngủ ngoài đường, hay trong các hộp giấy, ăn mì gói thường xuyên vì cha không bao giờ nấu cho”.
Trong phiên xử, người đàn ông thừa nhận đánh các con với lý do là vì “muốn tốt cho các con”. Tuy nhiên, tòa án Thương Thành đã ra phán quyết Liu không đủ tiêu chuẩn để tiếp tục nuôi con. Quyền nuôi 6 bé đã thuộc phòng dân sự quận Thương Thành. Các bé đã được đưa đi kiểm tra sức khoẻ, sau đó cho về nhà an sinh để được đi học.
Bạo hành trẻ em là một tội ác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của trẻ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các vụ bạo hành trẻ đều được phát hiện quá muộn, việc điều tra, lên án hành vi sai trái này đều xảy ra sau khi các vụ việc được đăng tải công khai hoặc cơ quan chức năng vào cuộc. Cần có các biện pháp nhằm ngăn ngừa và phát hiện sớm bạo hành trẻ em.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bạo hành trẻ em là tất cả những hành vi đối xử tệ bạc với trẻ ề cả thể chất và tinh thần như đánh đập, xâm hại tình dục, lợi dụng hay bỏ bê… dẫn đến những mối nguy hiểm tiềm tàng hay hiện hữu đối với sức khỏe, nhân phẩm và sự phát triển của trẻ. Điều đau đớn là có những hành động bạo hành trẻ em đến từ chính cha mẹ, người trông nom trẻ, thậm chí trẻ có thể bị bạo hành bởi những đứa trẻ khác.
Sang chấn tâm lý do bạo hành ở trẻ để lại những tác động, hậu quả lâu dài lên mọi mặt như thể chất, cảm xúc, xã hội và tinh thần đối với trẻ.
Những tác động khủng khiếp này không chỉ đối với sức khỏe, tâm sinh lý của trẻ em ở thời điểm hiện tại mà cả tương lai sau này. Trẻ em bị bạo hành có thể bị ám ảnh lâu dài nên các em không thể có một tuổi thơ lành mạnh và một cuộc sống sau này bình thường.
Các nghiên cứu về phôi học và nhi khoa đã tuyên bố rằng bộ não phát triển với một tốc độ đáng kinh ngạc trong giai đoạn phát triển ban đầu của trẻ sơ sinh và trẻ em.
Vì thế, việc lặp đi lặp lại tiếp xúc với các sự kiện không tốt như bạo hành kéo dài có thể ảnh hưởng đến phản ứng của não, làm cho nó phản ứng mạnh hơn và giảm khả năng thích ứng, gây ra các vấn đề như: Phát triển não bộ không thích hợp; sự mất cân bằng giữa các kỹ năng xã hội, tình cảm và nhận thức; giảm khả năng ngôn ngữ; giảm sút về thị giác, lời nói và thính giác; tăng nguy cơ bị bệnh tim, ung thư, bệnh phổi mạn tính, bệnh gan, béo phì, tăng huyết áp, mỡ máu, nồng độ protein C-reactive cao (làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh đột quỵ); hút thuốc, nghiện rượu và ma túy…
Trẻ em gặp phải sang chấn tâm lý, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nhân cách, sự phát triển về mọi mặt từ thể chất sinh học đến khía cạnh tâm lý tinh thần như niềm tin, tự nhận thức, đạo đức, lòng tin, khả năng ứng phó, năng lực học tập, việc lựa chọn nghề nghiệp.
Vậy câu hỏi đặt ra là, giáo dục bằng bạo lực có thể làm cho đứa trẻ ngoan hơn không? Câu trả lời luôn là không, bởi ba lý do sau đây:
Thứ nhất, bạo lực chỉ tạo ra bạo lực. Sự phòng vệ của một đứa trẻ bị bạo lực là sự tức giận trút đau đớn đó lên đứa trẻ khác; là lì lợm và chống đối hoặc nói dối; là sự thu mình, lo âu hoặc trầm cảm…Tất cả các tình huống đều dẫn tới các ngõ ngách khó khăn, tiêu cực.
Thứ hai, chỉ là đứa trẻ ngoan giả tạo. Nếu có đứa trẻ nào sau khi bị dạy bằng đòn roi mà “ngoan” như chúng ta nghĩ thì đó chỉ là sự “ngoan” giả tạo, để đối phó.
Thứ ba, điều nguy hiểm nhất là đứa trẻ sẽ chán ghét bản thân, trở nên yếu đuối. Để hình thành một nhân cách, ai cũng phải đi qua những giai đoạn khác nhau của cuộc đời, ai cũng phải đối diện với những khó khăn từ nội tại của mình, thách thức từ cuộc sống. Nếu được thấu hiểu và chia sẻ thì sẽ hướng tới một nhân cách tích cực. Còn nếu phải đối diện với những sang chấn, nhất là bạo lực thì trong tâm hồn sẽ nhiều tổn thương, tiêu cực hóa và cực kỳ khó đối mặt với cuộc sống.
Các nghiên cứu trong tâm lý học đều cho thấy, những người có xu hướng bạo lực hay phạm pháp đều có một quá khứ bị bạo lực hay bắt nạt theo một hình thức nào đó.