Biến đổi khí hậu: Nước đại dương nóng lên kỷ lục, virus cổ xưa sống dậy

Những tưởng biến đổi khí hậu chỉ làm băng tan, nhưng không, nước bề mặt đại dương cũng nóng lên, các loài virus tưởng tuyệt chủng có thể sống dậy.

Theo VTC, nhiệt độ toàn hành tinh nóng lên nhiều tháng qua. Theo Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus, tháng 3/2024, nhiệt độ mặt nước biển trung bình toàn cầu đạt mức cao mới 21,07 độ C.

Nhà khí hậu học và Giám đốc Viện Nghiên cứu Vũ trụ Goddard của NASA Gavin Schmidt nhận định, số liệu nói trên không có gì mới. “Vấn đề là chúng ta có công nhận điều đó hay không”, ông nói.

Trong khi đó, Samantha Burgess, Phó Giám đốc Copernicus chia sẻ: “Tháng 3/2024 tiếp tục chuỗi kỷ lục về khí hậu bị lật đổ, về cả nhiệt độ không khí và nhiệt độ bề mặt đại dương”.

Biến đổi khí hậu: Nước đại dương nóng lên kỷ lục, virus cổ xưa sống dậy - 1
Theo dự báo ban đầu của các nhà khoa học tại Đại học bang Colorado, vùng nhiệt đới Đại Tây Dương ấm áp bất thường, điều này sẽ là tiền đề cho một mùa bão căng thẳng. Nhiệt độ đại dương cao hơn khiến các cơn bão có nhiều năng lượng hơn và trở nên mạnh hơn.

Trong khi đó, phát biểu tại một tổ chức phi chính phủ ở London, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc(LHQ) về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Simon Stiell cảnh báo, nhân loại chỉ còn 2 năm để “cứu Trái đất” bằng cách giảm phát thải nhà kính.

Biến đổi khí hậu: Nước đại dương nóng lên kỷ lục, virus cổ xưa sống dậy - 2
Chuyện gì đang xảy ra? 

Nhiệt độ toàn cầu đang tăng lên do việc đốt nhiên liệu hóa thạch làm tăng hiệu ứng nhà kính – yếu tố làm nóng hành tinh – trong bầu khí quyển. Cho đến nay, biến đổi khí hậu đã làm tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu lên khoảng 1,2 độ C, cao hơn nhiệt độ trung bình thời tiền công nghiệp. Bởi vì cần nhiều năng lượng để làm nóng nước hơn không khí, các đại dương đã hấp thụ phần lớn sự nóng lên của hành tinh từ khí nhà kính.

Tiến sĩ Schmidt cho biết, “những kỷ lục khổng lồ” được thiết lập trong năm qua vượt xa những gì các nhà khoa học đã dự đoán khi xét đến vấn đề biến đổi khí hậu.

Điều khác biệt hiện nay so với thời điểm này năm ngoái là hành tinh đang phải đối mặt với những ảnh hưởng của El Niño – sự kiện bắt đầu vào tháng 7/2023, gắn liền với nhiệt độ tăng cao.

Ngoài biến đổi khí hậu và El Niño, có một số yếu tố khác có thể góp phần tạo nên những kỷ lục chóng mặt này.

Một là việc giảm ô nhiễm khí dung gần đây từ các tàu container đi qua đại dương, tuân theo các tiêu chuẩn nhiên liệu quốc tế mới có hiệu lực vào năm 2020. Trớ trêu thay, khí dung có tác dụng làm mát bầu khí quyển và đã giúp che giấu mức độ thực sự của biến đổi khí hậu cho đến hiện nay.

Biến đổi khí hậu: Nước đại dương nóng lên kỷ lục, virus cổ xưa sống dậy - 3

Nhiệt độ mặt nước biển trên toàn cầu đặc biệt cao vào năm 2023 và tiếp tục phá kỷ lục vào 2024. (Nguồn: New York Times)

Ngoài ra còn có vụ phun trào lớn của núi lửa Hunga Tonga-Hunga Haʻapai dưới nước vào năm 2022. Các vụ phun trào núi lửa xảy ra trên đất liền tạo ra khói và khí dung, ngăn chặn ánh sáng mặt trời và tạm thời làm mát bầu khí quyển.

Nhưng do ngọn núi lửa này chìm dưới Thái Bình Dương nên vụ phun trào đã sinh ra hàng triệu tấn hơi nước vào bầu khí quyển phía trên. Hơi nước cũng là một loại khí nhà kính có tác động mạnh mẽ. 

Sean Birkel, trợ lý giáo sư tại Viện Biến đổi Khí hậu của Đại học Maine, người đã tạo ra một công cụ trực quan hóa dữ liệu khí hậu có tên là Climate Reanalyzer, cho biết: “Đó là vụ phun trào bùng nổ nhất kể từ vụ Krakatau. Thường chúng ta sẽ chỉ thấy rõ tác động của nó một năm sau”.

Ông nghi ngờ tác động ấm lên của vụ phun trào núi lửa đã trở nên mạnh hơn so với những ước tính ban đầu được đưa ra, đồng thời lưu ý rằng vụ phun trào có thể đã ảnh hưởng đến sự lưu thông khí quyển và giúp khuếch đại hiện tượng El Niño phát triển vào năm 2023. Tuy nhiên, ông nói thêm, vẫn cần phải theo dõi để đưa ra kết luận.

Tiến sĩ Schmidt cho biết, một số nhóm nhà khoa học đang làm việc để có được bức tranh rõ ràng hơn và ông hy vọng kết quả sẽ bắt đầu được công bố trong vài tháng tới.

Biến đổi khí hậu: Nước đại dương nóng lên kỷ lục, virus cổ xưa sống dậy - 4

Nhiệt độ bề mặt các đại dương đã liên tục tăng trong các thập kỷ qua. (Nguồn: Wired)

Sinh quyển đại dương biến động

Ấm hơn 1 hoặc 2 độ C nghe có vẻ không quan trọng. Nhưng đối với nước biển, điều này thực sự đáng chú ý. Không giống như đất liền, nơi nóng lên và nguội đi nhanh chóng khi ngày chuyển sang đêm và ngược lại, phải mất rất nhiều thời gian để làm ấm một đại dương. Vì vậy, sự bất thường nhiệt độ ở đại dương chỉ một phần nhỏ cũng có những tác động lớn. 

Một trong số đó là ảnh hưởng đến sức khỏe của các hệ sinh thái trôi nổi trong lòng nước. Thực vật phù du nở hoa bằng cách hấp thụ năng lượng mặt trời và các động vật phù du nhỏ bé ăn những thực vật này. Nếu nhiệt độ tăng quá cao, mạng lưới thức ăn dưới đại dương có thể biến động.

Ngoài ra, tác động âm thầm hơn, khi bề mặt đại dương ấm lên, sẽ tạo ra một lớp nước nóng, ngăn chặn các chất dinh dưỡng ở vùng nước lạnh hơn bên dưới hòa trộn lên trên. Thực vật phù du cần những chất dinh dưỡng đó để phát triển và “xử lý” carbon, từ đó giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Dennis Hansell, nhà hải dương học và nhà hóa sinh học tại Đại học Miami, cho biết: “Nếu sự phân tầng do ấm lên trở nên đủ lớn, chúng ta sẽ không còn thấy một số hoa nở vào mùa xuân nữa”. 

Điều đó gây áp lực nghiêm trọng lên hệ sinh thái phụ thuộc vào các thực vật phù du này. Tệ hơn nữa, nước càng ấm thì càng chứa ít oxy. Hansell cho biết: “Các sinh vật cần nhiều oxy sẽ không vui vẻ chút nào. Hãy nghĩ đến một con cá ngừ sẽ phải tiêu tốn rất nhiều sức lực để bơi dưới nước”. 

Biến đổi khí hậu: Nước đại dương nóng lên kỷ lục, virus cổ xưa sống dậy - 5

Các cơn bão với cường độ lớn. 

Biến đổi khí hậu: Nước đại dương nóng lên kỷ lục, virus cổ xưa sống dậy - 6

San hô chết trắng xóa. 

Biến đổi khí hậu: Nước đại dương nóng lên kỷ lục, virus cổ xưa sống dậy - 7

Đại dương nóng lên có thể ảnh hưởng đến các hiện tượng thời tiết cực đoan. 

Với sự kết hợp của nhiều yếu tố, các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác đầy đủ lý do tại sao nhiệt độ mặt nước biển lại tăng cao như vậy.

“Tôi lo ngại có thể có điều gì khác đang xảy ra gây ra sự thay đổi lâu dài về nhiệt độ mặt nước biển mà chúng ta không thể dự đoán được” – John Abraham, giáo sư tại Đại học St. Thomas, người nghiên cứu nhiệt độ đại dương, cho biết. “Tất cả mọi kỷ lục đã bị xô đổ, đây là một điều hết sức bất thường, nó đang thách thức những dự đoán trước đây của chúng tôi”.

Nếu nhiệt độ đại dương tiếp tục phá kỷ lục, điều đó có thể khiến các rạn san hô mất màu, tạo ra các cơn bão dữ dội hơn và phát triển nhanh hơn, đẩy nhiệt độ ven biển tăng lên và tạo ra lượng mưa cực lớn – những sự kiện mà các nhà khoa học đã quan sát được vào năm 2023.

Biến đổi khí hậu: Nước đại dương nóng lên kỷ lục, virus cổ xưa sống dậy - 10
Trong bối cảnh khí thải nhà kính đang tiếp tục gia tăng trong bầu khí quyển, khiến nhiệt độ hành tinh ngày càng tăng cao, một hiểm họa đáng lo là sự gia tăng của các bệnh truyền nhiễm.

Tờ Bloomberg nhận định, côn trùng gây bệnh, nhất là những loài sống trong nước gây ra các bệnh nguy hiểm như sốt rét và dịch tả phát triển mạnh trong điều kiện nóng ẩm do biến đổi khí hậu tạo ra. Chưa kể, thời tiết cực đoan sẽ càng khiến tình hình trở nên tồi tệ.

Dịch bệnh càng trầm trọng hơn 

Đã có một số bằng chứng về việc biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm dịch bệnh hoặc làm bùng phát các loại bệnh mới. Ví dụ tiêu biểu cho trường hợp này là Candida auris, một loại nấm bệnh mới xuất hiện từ năm 2009 nhưng đã gây lo ngại trong giới y học bởi tỷ lệ gây tử vong lên tới 1/3 tại Mỹ.

Mặc dù Candida auris không phải là mối nguy hiểm đối với người khỏe mạnh nhưng sẽ đe dọa những người có bệnh nền, chưa kể còn có khả năng kháng lại các loại thuốc chống nấm thông thường. Số ca bệnh ở Mỹ đã tăng lên 2.377 ca bệnh vào năm 2022 từ 173 ca vào năm 2017.

Đầu năm 2024, mùa mưa nóng bất thường ở Nam Mỹ đã góp phần gây ra sự bùng phát của hai bệnh do muỗi truyền: sốt xuất huyết, có thể đe dọa tính mạng và sốt Oropouche, trong trường hợp nặng có thể dẫn đến viêm màng não.

Nhiệt độ cao sẽ khiến mầm bệnh trở nên nguy hiểm hơn. Lấy ví dụ một số loài vi khuẩn Vibrio gây viêm dạ dày ruột không chỉ phát triển nhanh mà còn tăng độc lực khi nước biển có nhiệt độ trên 27°C. Các nghiên cứu cũng đã tìm ra liên hệ giữa nhiệt độ nước và số ca bệnh nhiễm trùng tại Mỹ, Canada.

Điều đáng lo ngại nằm ở chỗ đây mới chỉ là sự khởi đầu. Tổ chức Y tế Thế giới gọi biến đổi khí hậu là “mối đe dọa sức khỏe lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt”.

Theo một nghiên cứu năm 2021, trong ngắn hạn, hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể làm giảm nhẹ số ca tử vong liên quan đến nhiệt độ, vì hiện tại 90% trong số 5 triệu ca tử vong ước tính hàng năm là do điều kiện lạnh chứ không phải nóng.

Nhưng với số ca tử vong liên quan đến nhiệt ngày càng tăng, biến đổi khí hậu dự kiến sẽ làm tăng tỷ lệ tử vong về lâu dài. Ngân hàng Thế giới dự đoán rằng tới 2050 sẽ có thêm ít nhất 21 triệu ca tử vong chỉ vì nắng nóng cực độ, còi cọc, tiêu chảy, sốt rét và sốt xuất huyết.

Biến đổi khí hậu: Nước đại dương nóng lên kỷ lục, virus cổ xưa sống dậy - 11

Báo cáo năm 2023 của Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng số ca sốt xuất huyết trên toàn cầu đã tăng 10 lần từ năm 2000 tới 2019. (Ảnh: PBS)

Có thể dự đoán rằng người dân ở các quốc gia không có hệ thống y tế tiên tiến sẽ phải chịu gánh nặng lớn nhất về bệnh tật do biến đổi khí hậu. Nhưng dù ở đâu, những người có miễn dịch yếu hoặc mắc các bệnh về hô hấp, tim mạch, dị ứng theo mùa đều sẽ bị đe dọa.

WHO ước tính việc điều trị các bệnh tăng thêm do biến đổi khí hậu sẽ tiêu tốn thêm từ 2 đến 4 tỷ USD vào chi phí chăm sóc sức khỏe hàng năm ngay từ 2030.

Một báo cáo tổng hợp năm 2022 dựa trên hơn 77.000 nghiên cứu đã kết luận rằng trong số 375 bệnh truyền nhiễm mà nhân loại đang phải đối mặt, biến đổi khí hậu có thể làm trầm trọng thêm 218, tức 58%, theo nhiều cách khác nhau.

Thời tiết cực đoan

Sự nguy hiểm của các hiện tượng thời tiết cực đoan hay thiên tai không chỉ nằm ở con số thương vong ban đầu mà chúng gây ra. Lấy ví dụ, lũ lụt có thể làm lan rộng bệnh xoắn khuẩn vàng da – một loại nhiễm khuẩn gây hại cho thận vốn trú trong nước tiểu động vật. Nước tù đọng trong lốp xe cũ, xô và các thùng chứa khác sau mưa lớn có thể trở thành môi trường sinh sản cho muỗi, muỗi vằn và các côn trùng lây bệnh khác.

Ở phía ngược lại, hạn hán có thể buộc các loại gặm nhấm vào nhà dân kiếm ăn và lây lan virus Hanta gây hại cho hô hấp.

Thiên tai cũng có thể làm suy yếu khả năng chống chọi với mầm bệnh của cộng đồng. Cụ thể, cháy rừng, lũ lụt và các thảm họa khí hậu khác có thể buộc người dân phải sơ tán và sống trong điều kiện đông đúc, tạo điều kiện phát triển các bệnh tiêu chảy, hô hấp và da.

Chưa kể, mối nguy với an ninh nước và lương thực sẽ gây suy dinh dưỡng, đe dọa sức khỏe và càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Cuối cùng, biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi hành vi của con người theo hướng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ví dụ, trong các đợt nắng nóng, mọi người thường dành nhiều thời gian hơn ở dưới nước, làm gia tăng các trường hợp mắc các bệnh lây qua đường nước như dịch tả, thương hàn và E. coli.

Sự trỗi dậy của virus cổ đại

Một trong những mối lo lớn nhất của các nhà khoa học hiện nay là các loại bệnh cổ gây ra bởi virus “ngủ đông” trong lớp băng vĩnh cửu đang tan. Vẫn khó có thể lường được hậu họa từ các mầm bệnh này, nhưng một đợt sóng nhiệt năm 2016 khiến nhiệt độ tăng quá 35 độ C tại vùng Bắc cực thuộc Nga đã chứng minh  mối lo trên không phải là vô căn cứ.

Biến đổi khí hậu: Nước đại dương nóng lên kỷ lục, virus cổ xưa sống dậy - 12

Băng tan do nóng lên toàn cầu có thể giải phóng nhiều virus gây bệnh cổ xưa (Ảnh: Unsplash)

Cụ thể, lớp băng vĩnh cửu tan chảy ở phía tây bắc Siberia đã gây ra một vụ lở đất. Sau đó, một đàn hàng nghìn con tuần lộc và 2 người chăn tuần lộc đã mắc bệnh rồi qua đời.

Cuộc điều tra sâu đã xác định được nguyên do là một đợt bùng phát dịch than – cần biết rằng khu vực này đã “sạch” loại bệnh đó suốt nửa thế kỷ. Các nghiên cứu di truyền chỉ ra rằng vi khuẩn gây bệnh than có thể đã xuất hiện từ xác động vật nằm trong băng tan từ tận thế kỷ 13.

Chia sẻ bài viết:

Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ Copy link

Link bài gốc

Copy Link
https://sohuutritue.net.vn/bien-doi-khi-hau-nuoc-dai-duong-nong-len-ky-luc-virus-co-xua-song-day-d216794.html