Công trình đăng trên tạp chí Cell đầu tháng 1 cho thấy JN.1 bám vào tế bào hiệu quả hơn, tham gia vào phản ứng tổng hợp màng tế bào của vật chủ.
JN.1 là thế hệ tiếp theo của BA.2.86, có nhiều hơn khoảng 60 đột biến ở protein gai so với phiên bản nCoV ban đầu, nhiều hơn 30 đột biến so với chủng lớn gần nhất là Omicron (gồm cả BA.2 và XBB.1.5). Các nhà khoa học lo ngại quá nhiều thay đổi và đột biến sẽ gây ra đợt bùng phát khó ngăn chặn như Omicron năm 2021 và 2022.
Theo Shan-Lu Liu, tác giả chính của nghiên cứu, giáo sư virus học tại khoa Khoa học Sinh học Thú y, Đại học Bang Ohio, khả năng lây nhiễm tế bào biểu mô phổi của BA.2.86 và các thế hệ sau cao hơn nhiều so với các biến chủng trước đó của Omicron. Điều này làm dấy lên mối lo ngại tiềm tàng về độc tính của virus, đặc biệt trong thời điểm vaccine bớt hiệu quả, người dân chủ quan hơn.
Hình ảnh hiển vi điện tử của nCoV. Ảnh: NIAID-RML
“Người đã mắc Covid-19 trước đây nên nhớ Omicron độc tính kém hơn các biến chủng trước đó, chẳng hạn Delta, tức là người mắc thường không có triệu chứng nặng. Vì vậy, kháng thể của họ cũng thấp hơn khoảng 10 lần so với kháng thể do vaccine tạo ra”, giáo sư Liu giải thích. Điều này có nghĩa cộng đồng không thể chỉ dựa vào nhiễm bệnh tự nhiên để tăng khả năng miễn dịch. Những người dễ bị tổn thương như nhóm bệnh nền được khuyến cáo cần chích ngừa vaccine hằng năm.
BA.2.86 và các dòng con của nó, nổi bật nhất là JN.1 đang lan rộng khắp các quốc gia. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại chúng vào nhóm “các biến chủng cần quan tâm” (VOI), hồi tháng 12 năm ngoái.
Người nhiễm JN.1 thường có biểu hiện ho, đau cơ, đau họng, nhức đầu và sổ mũi. Tại Mỹ, JN.1 hoạt động mạnh nhất ở các khu vực Đông Bắc, gồm New Jersey và New York. Anh cũng công nhận đây là biến chủng phát triển mạnh nhất, được đưa vào diện cần giám sát. Mới đây, Thái Lan cũng ghi nhận hàng chục người thở máy và tử vong do nhiễm JN.1, đa số nhóm này chưa tiêm hoặc chưa chích ngừa vaccine đầy đủ.