Ngay sát vách nhà tôi là một bác trai bị ung thư, nhưng bác giấu nhẹm chuyện này với người thân vì không muốn phiền hà đến con cháu, sợ rằng chúng nó vì bố mà phải bán nhà cửa đi để chữa trị.
Hôm đó tôi đang tưới cây ở sân thì bác hàng xóm sang chơi, hai bác cháu nói chuyện vu vơ vài câu thì bác ngập ngừng không nói tiếp. Tôi gặng hỏi mãi thì bác mới kể chuyện mấy tháng nay thường xuyên cảm thấy khó thở, tay chân bủn rủn, uống thuốc Tây cả tháng mà không thấy bệnh tình thuyên giảm, nên bác mới vào bệnh viện khám tổng quát xem sao.
Sau khi làm đủ các loại xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bác bị ung thư gan giai đoạn cuối. “Ung thư khác nào án tử, may ra thì sống được một hai năm nữa”, bác tâm sự với tôi.
Đấy là người ta được chạy chữa và thuốc men đầy đủ mới như vậy. Chứ như gia cảnh nhà bác thì lạc khác: vợ chồng không có lương hưu, bác thì chạy xe ôm còn bác gái thì ở nhà cơm nước và trông nom các cháu. Hai bác cũng chỉ có mỗi anh con trai đang sống cùng, vợ chồng anh chị đều làm công nhân, lương tháng đủ ăn đủ tiêu chứ chẳng dư dả là bao.
Bác hỏi qua chi phí chữa trị, thì họ nói phải lên tới tiền trăm triệu. Mà cũng chẳng có cam kết gì cả, nếu phẫu thuật tốt thì sống được vài năm, còn không chỉ 1-2 năm nữa là đi. Bây giờ cả nhà cả cửa may ra được mấy chục triệu, chứ mà tiềm trăm thì phải bán nhà đi may ra mới đủ tiền chữa trị.
Hơn tháng nay bác nghe theo lời khuyên của ông bạn mua thuốc nam để uống, chạy được cuốc xe nào lại dồn hết tiền vào mua thuốc. Có bệnh thì vái tứ phương, bác cũng hiểu uống được ngày nào hay ngày đó, chứ chẳng mong khỏi hẳn bệnh. Bác nói: “Bây giờ sống được ngày nào biết ngày đó thôi cháu, mình cũng gần 70 tuổi rồi có chết cũng nhắm mắt xuôi tay. Chứ để con cái biết chuyện nó lại lo lắng thêm”.
Kể xong câu chuyện, bác dặn đi dặn lại tôi không được nói cho ai biết. Bác tâm sự ra để cho nhẹ lòng thôi, chứ không mong cầu gì. Bác thừa hiểu tính bác gái và hai con, nó mà biết chuyện kiểu gì cũng tìm mọi cách để chạy chữa. Già rồi không giúp gì được con, lại làm gánh nặng thêm cho con cháu, đến khổ. Bác nói vậy tôi cũng chỉ biết im lặng, không nói gì thêm, nhưng trong lòng cảm thấy trống rỗng đến lạ. Kể từ ngày ấy hai bác cháu thi thoảng vẫn gặp nhau tâm sự vài ba câu, 4 tháng sau thì bác mất.
Hàng năm, báo đài đưa tin về hàng nghìn ca ung thư trên cả nước. Mà lạ lắm, những người bị ung thư lại đa phần là những gia đình có hoàn cảnh éo le. Vẫn biết ung thư là căn bệnh vô phương cứu chữa, kể cả có chữa được cũng chỉ hi vọng sống được vài năm. Ung thư ảnh hưởng đến tâm lý, khiến cho người bệnh luôn ở tình trạng suy yếu, khó gượng nổi. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho người bị ung thư ra đi nhanh hơn.
Nhiều người khi phát hiện bị ung thư thường “giấu nhẹm” với gia đình, cố chịu đựng một mình vì không muốn người thân phải đau buồn. Họ cũng sợ khi biết chuyện mà con cháu phải vay mượn, thậm chí bán nhà cửa đi để chạy chữa. Vì bệnh tình của mình mà gia đình tán gia bại sản. Bác hàng xóm của tôi là ví dụ điển hình, bác sẵn sàng đối mặt với cái chết và từ chối chữa trị vì không muốn phiền hà con cháu.
Đến bây giờ khi “mắt thấy tai nghe” bác hàng xóm bị ung thư, tôi mới biết sợ căn bệnh này. Vậy là tôi yêu cầu cả nhà đi tầm soát sức khỏe, điều chỉnh lại chế độ ăn uống cho khoa học hơn. Tôi cũng hạn chế bia rượu và bỏ hoàn toàn thuốc lá vì sợ một ngày mình sẽ giống như bác hàng xóm, đến lúc đó tôi cũng chẳng biết xoay xở như nào?