Cuộc sống gia đình là một hành trình và trải nghiệm đầy thử thách với tất cả các cặp đôi. Sau khi kết hôn và có con, nhiều cặp vợ chồng cho biết không thể hoà hợp do bất đồng quan điểm sống. Những trận cãi vã, mắng chửi xuất hiện dày đặc vô tình làm tổn thương đối phương và đặc biệt là trẻ nhỏ. Thường xuyên phải chứng kiến bố mẹ cãi nhau trong khoảng thời gian dài sẽ khiến con bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề.
Đó cũng là câu chuyện của chị Ánh Vy (chủ 1 chuỗi cửa hàng Mẹ và Bé) và con trai Hoàng Tôn (biệt danh Beton, sinh năm 2013). Thời điểm phát hiện con trai tự kỷ, chị Vy đã khóc và buồn rất nhiều, nhưng ngay ngày hôm sau, bà mẹ trẻ đã vực dậy bản thân và quyết tâm cùng con vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Hành trình ấy có cả niềm vui, nước mắt nhưng luôn đầy tình yêu thương.
Bịt tai, nhắm chặt mắt khi chứng kiến bố mẹ cãi nhau
Khi Beton khoảng 2 tuổi, cậu bé phải chứng kiến ba mẹ cãi nhau hàng ngày. Con sợ hãi, phản ứng lại bằng cách lấy tay bịt tai và nhắm chặt mắt để không phải nghe và nhìn những gì đang diễn ra. Suốt khoảng thời gian sau đó, Beton không có bất kì sự tương tác nào dù trước đó con có chơi đùa cùng với mẹ. Tuy nhiên lúc đó, chị Vy vẫn chưa rõ ràng về khái niệm trẻ tự kỷ.
Thời gian sau đó, Beton có những dấu hiệu lạ như lớn rồi nhưng con không biết nói, thích những bánh xe quay tròn, mẹ gọi nhưng con không trả lời, không tương tác, lấy tay mọi người để làm gì đó con thích chứ con không tự làm và thường xuyên khóc dữ dội không chịu mặc quần áo. Chị Vy quyết định đưa con đi khám, bác sỹ cho vào Beton vào dạng nghi ngờ tự kỷ vì khi đó con chỉ 2 tuổi, dấu hiệu không rõ ràng.
Khi con trai được 3 tuổi, chị Vy quyết định ly hôn và hai mẹ con chuyển về Sài Gòn ở. Lúc này, chị đưa bé đi khám và bác sĩ chẩn đoán Beton bị tự kỷ sau 30 phút test hành vi của con trong phòng khám.
”Mình không tin vào những thông tin trên mạng viết rằng tự kỷ sẽ không bao giờ bình thường, tự kỷ sẽ không hoà nhập được với mọi người, tự kỷ sẽ phải học trường đặc biệt, kỹ năng đặc biệt. Có quá nhiều cái ”SẼ” mà vô tình giết chết trái tim 1 bà mẹ cả tin nào đó, những cái đó vô tình biến kết cục số phận của đứa trẻ nào đó được vẽ theo những gì thông tin sắp đặt.
Think outside the Box – nghĩ ngoài cái hộp chính là tư duy sống của mình, phải chính mình tự tạo kết cục cho cuộc đời mình và con mình. Mình đã giảm bớt công việc lại hoàn toàn tập trung tìm hiểu về nó và cuối cùng mình đã tự dạy con, không thuê 1 cô giáo kỹ năng nào cả.
Ban đầu rất cực vì con không tập trung, nhưng mình kiên trì từ 5 phút lên 10 phút, rồi lên 15 phút, 25 phút mỗi ngày, có ngày 2 lần cùng con chơi các trò chơi hoạt động tinh như đếm que, busy board (phải order tận bên Mỹ gửi về bằng gỗ rất nặng, thời đó ở nước mình chưa phổ biến đồ chơi này), xếp tháp Infantino, thả khối fisher price, mấy trò chơi gỗ lắp hình theo shape có sẵn trong nhà sách, đếm bi theo màu v..v, ngoài ra còn phải kết hợp cho con nghe nhạc giao hưởng để tránh stress, trẻ tự kỷ hay tự stress và làm đau bản thân.
Bà mẹ trẻ quyết định đồng hành cùng con trên chặng đường dài.
Tự kỷ không phải là ”bệnh”. Đây là cách nghĩ rất sai của nhiều người. Tự kỷ là 1 dạng lỗi gen chứ không phải virus gây ra nên không thể gọi là bệnh. Lỗi gen có thể xảy ra bất cứ lúc nào như tác dụng phụ của các đợt tiêm vaccine cho trẻ (tỷ lệ thấp), ảnh hưởng tâm lý môi trường gây stress, quá trình chữa lành DNA trở nên khó khăn và gây lỗi gene cũng gây tự kỷ, hoặc DNA cha và mẹ không phù hợp nhau dẫn đến thai nhi tự kỷ.
Ở nước ngoài họ có thể test tiền hôn nhân DNA của cả 2 để xác định 2 gene này kết hợp có sinh ra con mắc tự kỷ không để quyết định nên có con hay không. Và có rất nhiều phổ tự kỷ, không cái nào như cái nào, mỗi đứa trẻ đều khác nhau, trẻ tự kỷ cũng vậy. Trẻ tự kỷ có chỉ số IQ cao nhưng EQ thấp hoặc hoàn toàn không có, con sẽ không biết đâu là giỡn đâu là thật, sẽ không biết an ủi, không biết làm nũng, không biết nói chuyện ”thảo mai” để mẹ yêu, mẹ không phạt… nhưng bù lại rất thông minh và trí nhớ đỉnh”, chị Vy chia sẻ.
Không tin vào số phận mà quyết định cùng con vượt qua chứng tự kỷ
Xảy ra chuyện như vậy với con, chị Vy không trách bản thân mà còn nghĩ theo hướng tích cực là con thật đặc biệt. Mặc dù lúc vừa nghe bác sĩ nói con tự kỷ, bà mẹ 1 con đã khóc như mưa khi đọc thông tin trên mạng. Tuy nhiên, chị cố gắng lấy lại bình tĩnh, cảm thấy bản thân quá nhảm nhí và ngu ngốc khi tin vào những điều đó. Bởi vậy, chị Vy quyết định hành động theo bản năng của một người mẹ: ”Mình sẽ tự dẫn lối mình cần làm gì, thật kỳ diệu mọi thứ hiện ra trước mắt rằng mình phải làm sao để chăm con cho đúng”.
Thay vì lời khuyên của bác sĩ là nên cho bé học trường tự kỷ kỹ năng đặc biệt, chị Vy giấu việc bé mắc tự kỷ và vẫn đăng ký cho con học trường bình thường, chỉ luôn dặn cô là bé hơi ”đặc biệt” chút nhờ cô lưu tâm. Từ nhỏ tới lớn Beton đi học luôn được các cô yêu thương, con tuy không biết nói chuyện tình cảm nhưng hay ôm cô rồi dụi đầu vào bụng các cô rất tình cảm.
”Beton cũng là một cậu bé luôn vui vẻ và hoà đồng với các bạn trong lớp nhưng những kiến thức con nói vượt qua sự tìm hiểu của các bạn nên con hay bị cô lập. Ví dụ như con rất thích lịch sử chiến sự, vũ trụ, linh kiện máy bay, những kiến thức này là khó tìm được bạn ”tâm giao” ở độ tuổi của con. Từ nhỏ con đã thể hiện sự thông minh khác thường của mình. Ví dụ như con 3 tuổi tuy không nói nhưng đã tự coi sách tự tham khảo những kiến thức về linh kiện máy bay và vũ trụ, khoảng cách từ các hành tinh hay điều kiện khí hậu ở các nơi đó…”, chị Vy chia sẻ về con trai.
Đừng nuôi dưỡng con bằng thái độ lam lũ, tủi thân hay cực khổ
Vừa làm cha vừa làm mẹ suốt 5 năm 1 mình là điều không dễ: ”Mình vừa phải đảm bảo tài chính cho con học trường quốc tế, nâng cấp cuộc sống, vừa đặt đạo đức nghề nghiệp không dựa vào danh tiếng bản thân để giàu nhanh bất chấp. Bên cạnh đó, mình cũng phải xinh đẹp bằng cách luôn yêu thương bản thân, bởi suy cho cùng mình phải ổn trước thì con mới hạnh phúc ấm no được.
Mình thấy nhiều mẹ hy sinh hết vì con nhưng không cho bản thân được một thứ gì, dẫn đến nuôi dưỡng tâm hồn của con qua thái độ cực khổ của mẹ, đau khổ của mẹ, lam lũ của mẹ, khiến con cũng buồn bã và tâm tính trầm giống như những gì mẹ trải qua. Mình luôn phục vụ bản thân mình vui vẻ, để mình dùng tâm trạng hạnh phúc, thoả mãn đó truyền cho con, nên bé rất là hoạt náo, y như năng lượng mình đã trao cho con vậy”.
Để bản thân không bị stress, chị Vy vẫn dành chút thời gian để đi spa, gội đầu, làm nail… tự refresh bản thân rồi mới dẫn con đi chơi, vận động ngoài trời, cứ như vậy 2 mẹ con luôn có nhau và cùng vui vẻ chứ không áp lực, mệt mỏi.
”Mình khuyên các mẹ đừng bao giờ nuôi dưỡng con bằng thái độ lam lũ, tủi thân, cực khổ, phải yêu mình, mình phải ổn trước thì con mới ổn được. Đừng bao giờ vì bất kì ai mà đánh mất chính mình, vì điều đó sẽ làm con có 1 cuộc sống buồn bã, mệt mỏi và cáu gắt hơn”, chị Vy gửi gắm. mẹ