Theo thông tin từ VnExpress, ngày 22/7, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi 2 cho biết vừa tiếp nhận cấp cứu một bé gái 2 tuổi bị hóc dị vật. Tuy nhiên do thời gian hóc quá lâu khiến bệnh nhi rơi vào trạng thái nguy kịch và tử vong sau đó.
Bệnh nhi là L.N.A, trú xã Kon Braih, tỉnh Quảng Ngãi (trước đây thuộc H.Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum), được người nhà đưa đến Khoa Cấp cứu trong tình trạng ngưng thở, tím tái toàn thân, mất ý thức.
Qua thông tin người nhà cung cấp, trước đó bé ăn nhãn và bất ngờ bị hóc. Mặc dù các bác sĩ nỗ lực cấp cứu gần một giờ, bệnh nhi vẫn không qua khỏi.
Theo thông tin từ báo Thanh Niên, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Cảnh Son, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi 2, cho biết tai nạn hóc dị vật đường thở là tình trạng cấp cứu nguy hiểm, thường gặp ở trẻ từ 1-3 tuổi. Dị vật có thể là hạt trái cây, kẹo, đồ chơi nhỏ… Khi mắc kẹt tại thanh quản hoặc khí quản, trẻ có thể ngưng thở, ngưng tim chỉ sau vài phút nếu không được xử lý đúng cách.
Theo bác sĩ Son, phần lớn ca tử vong do hóc dị vật đều có điểm chung: trẻ ăn thực phẩm không phù hợp độ tuổi, ăn trong tư thế nằm hoặc chạy nhảy, và người lớn thiếu kỹ năng sơ cứu ban đầu.
“Mùa hè là thời điểm các loại trái cây như nhãn, vải, mít, chôm chôm… được tiêu thụ nhiều. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, đây lại là nhóm thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ cao gây hóc dị vật nếu ăn không đúng cách”, bác sĩ Son cảnh báo.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu hóc dị vật như ho sặc, tím tái, ngưng thở, mất ý thức…, phụ huynh không nên đưa tay móc họng nếu không thấy dị vật rõ ràng vì có thể khiến dị vật chui sâu hơn, gây tắc hoàn toàn.
Bác sĩ Son hướng dẫn: Với trẻ dưới 2 tuổi, cần đặt trẻ úp mặt xuống cánh tay, đầu thấp hơn ngực, dùng lực vỗ 5 cái giữa hai bả vai; nếu không hiệu quả, lật ngửa và ấn ngực 5 lần. Với trẻ lớn hơn, thực hiện thủ thuật ôm ngang bụng trẻ từ phía sau, ấn mạnh vào vùng dưới xương ức để tạo áp lực tống dị vật ra. Sau đó phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi.
“Hóc dị vật đường thở là tình huống sống còn, chỉ vài phút cũng có thể gây tử vong hoặc tổn thương não vĩnh viễn. Xử trí đúng và kịp thời là yếu tố then chốt”, bác sĩ Son nhấn mạnh.