Vất vả cả ngày với những chuyến xe ba gác chở đồ thuê, người cha vẫn dành thời gian đến trường học đón con trai.
Người ta nói rằng hạnh phúc như tấm chăn hẹp, kẻ đủ người thiếu. Nhưng nếu hài lòng và trân trọng những gì ta có được ở hiện tại, có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy bản thân họ đã đủ đầy hơn người khác rất nhiều.
Thấy bố đến đón, con chạy ào ra hớn hở (Ảnh TT)
Mạng xã hội mới đây lan truyền đoạn video ghi lại khoảnh khắc vô cùng xúc động của 2 bố con, kèm theo đó là lời chia sẻ: “Một tuần 7 ngày thì đón con muộn 5 ngày, mạnh mẽ giống cha con nhé, thương con lắm!”
Đoạn clip có lẽ không thu hút nhiều cư dân mạng đến thế nếu không có hành động ấm áp của người cha và nụ cười rạng rỡ của đứa con. Cảnh tan trường chỗ nào cũng có, cảnh cha mẹ ôm chầm lấy con diễn ra hàng ngày. Nhưng điều khiến đoạn clip này gây ấn tượng mạnh mẽ chính là giây phút người cha cầm chiếc khăn ôm con vào lòng, sau đó nhảy từng bước về chiếc xe ba gác trên một chân còn lại của mình.
Người cha cẩn thận lấy khăn choàng lên người con rồi mới ẵm con lên (Ảnh TT)
Giây phút ấy, người ta mới nhận ra rằng người cha là một người thiếu đi một chi, là một người khuyết tật. Nhưng sự thiếu thốn ấy không ngăn cản anh trở thành người có ích cho xã hội, người cha tận tâm và đầy yêu thương với con mình. Hành động lấy khăn ra ôm con cũng được nhiều người lý giải là do bố chạy xa ở ngoài đường cả ngày, sợ ôm con vào lòng sẽ làm bẩn con nên mới dùng khăn để cha chắn bớt. Một người đàn ông vô tâm sẽ không bao giờ để ý đến điều đó.
Khi được bố ẵm lên xe, cậu nhóc có vẻ rất hạnh phúc. Nụ cười tỏa nắng của hai cha con khiến những người lướt qua đoạn clip này trên mạng xã hội cũng vui theo niềm vui của họ. Hạnh phúc đôi khi giản đơn và bình thường, nhưng có mấy ai trong cuộc đời này có được hạnh phúc.
Cư dân mạng bình luận:
“Thương hai cha con quá, đáng yêu nhất là nụ cười của cậu nhỏ, chắc là thấy bố đón nên em bé vui lắm đây.”
“Mình thấy ông bố dùng cái khăn để ôm con mà cứ nghĩ là sợ con lạnh, nhưng khi lên xe thì bỏ ra. Người bố cẩn thận nào cũng làm vậy á, vì làm việc lao động xong thường có mồ hôi và tay cũng có thể dơ.”
Ảnh TT
“Nhìn thấy mà chạnh lòng cho các con của tui quá. Sau khi ly hôn bố nó chưa từng ngó ngàng đến chứ đừng nói là chu cấp cho con. Ổng nói là con là châu báu ngọc ngà nhưng chỉ nói miệng mà thôi, có chăm lo quan tâm gì đến con.”
“Ai có con sẽ hiểu cảm giác đón con đi học về. Hạnh phúc lắm! Nó đi học mong đến giờ để đón còn hơn mong mẹ đi chợ về.”
“Mình nhiều khi bận không đón được thì sốt ruột mong cho mau xong việc để về với con.”
“Một đoạn clip mấy giây thôi nhưng có quá nhiều cảm xúc và thông điệp của tình yêu thương. Một hành động nhỏ lấy áo che cho con trước khi ôm con vào lòng cho thấy một người cha sâu sắc hoàn hảo đến cỡ nào.”
“Nhìn em bé cười vui vẻ thế kia là hiểu em được sống trong tình yêu thương to lớn nhường nào rồi! Chúc em bé và gia đình luôn hạnh phúc!”
“Xem đi xem lại vẫn thích. Bé cắm đầu chạy muốn té nhủi, người cha ôm con với nụ cười hạnh phúc. Ui, cả hai thương quá! Ai đang có tâm trạng không vui mà xem được clip này cũng đều thấy nhẹ lòng.”
“Một người đàn ông khiếm khuyết về thể chất, nhưng không khiếm khuyết về tình yêu thương con mình. Chẳng bù cho những người lành lặn, nhưng khiếm khuyết đi tình yêu thương cho con mình, chỉ biết ích kỷ bản thân, bỏ lăn lóc ra đó, chỉ biết ỷ lại những người thân xung quanh, chỉ được cái miệng là nói yêu thương.”
Ảnh TT
“Yêu hai bố con quá! Nhìn hai bố con cười làm mọi người cũng vui theo. Chúc gia đình luôn mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc, mãi yêu thương như vậy!”
“Ba khiếm khuyết mà yêu con rất hoàn hảo, sợ bẩn con nên lấy khăn ôm con. Trẻ con ngây thơ lắm, không có chê cha mẹ bao giờ. Nhìn nụ cười của em bé là biết đã đủ đầy tình yêu thương.”
Cha không hoàn hảo nhưng luôn yêu thương con theo cách hoàn hảo nhất. Đây là câu được nói nhiều nhất xung quanh đoạn clip này. Và có lẽ các ông bố cũng sẽ tự suy ngẫm lại xem đã bao giờ bố con có những giây phút hạnh phúc như thế, đã bao giờ con ngồi phía trước bi bô kể chuyện cho bố nghe, đã bao giờ bố ôm con trong vòng tay tràn trề hạnh phúc. Sự phát triển và lớn lên của con không thể thiếu bóng dáng của người cha, nhưng nhiều bố lại vin lý do này nọ để “nhường” quyền chăm sóc con cho vợ. Đã bao giờ họ thấy con mình cười rạng rỡ đến thế khi thấy bố?