“Công việc hiện tại của con chủ yếu là ăn và ngủ. Nhưng một ngày nào đó, con sẽ cần đến những lời khuyên về tiền bạc và cuộc sống. Là một người cha đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để nghiên cứu về tiền bạc, kinh doanh, cha có những điều sau đây muốn nói với con”, Morgan Housel, chuyên gia tài chính và cựu phóng viên của tờ Wall Street Journal viết trong lá thư gửi cho con gái chưa đầy một tuổi của mình.
Không có số tiền nào có thể bù đắp cho sự thiếu hụt tính cách, sự thiếu trung thực, thiếu đồng cảm đối với mọi người. Ảnh minh họa: CNBC.
Không có số tiền nào có thể bù đắp cho sự thiếu hụt tính cách, sự thiếu trung thực, thiếu đồng cảm đối với mọi người. Ảnh minh họa: CNBC.
Đừng đánh giá thấp vai trò của cơ hội trong cuộc sống
Không thể phủ nhận sự giàu có hay nghèo khổ là do chính những lựa chọn mà chúng ta đưa ra, nhưng việc đánh giá thấp vai trò của các cơ hội trong cuộc sống còn dễ xảy ra hơn.
Các gia đình, đất nước, thế hệ mà chúng ta sinh ra, cũng như những người mà chúng ta gặp trên đường, tất cả đều đóng vai trò trong những kết quả mà chúng ta đạt được. Thế nên, mặc dù tin vào những giá trị và phần thưởng cho công việc mà mình đã làm, điều quan trọng cần hiểu là không phải tất cả thành công đều là kết quả của những công việc khó khăn, cũng như nghèo đói không phải là kết quả của sự lười biếng. Hãy ghi nhớ điều này khi hình thành quan điểm, đánh giá về người khác, bao gồm cả chính bản thân mình.
Lợi tức cao nhất là khả năng kiểm soát thời gian
Có thể làm điều mà bản thân mong muốn, ở bất cứ nơi nào, trong thời điểm nào, với bất cứ người nào mà mình muốn… sẽ đem lại niềm hạnh phúc lâu dài mà không thứ vật chất nào có thể đem lại.
Sự hồi hộp của việc đạt được thứ mình thích sẽ nhanh chóng biến mất. Nhưng có một công việc linh hoạt, với thời gian đi lại ngắn là bức thiết. Có đủ tiền tiết kiệm để chi tiêu lúc khó khăn là cần thiết. Có thể nghỉ hưu bất cứ lúc nào mình thích cũng là thiết thực. Do đó, đạt được sự độc lập là mục tiêu cuối cùng của chúng ta trong cuộc sống. Độc lập không phải là một cuộc chơi “được ăn cả, ngã về không”, bởi vì một đồng tiền mà con tiết kiệm cũng tương đương với việc con sở hữu một lát cắt trong tương lai, thay vì để người khác quản lý và phải dựa theo các ưu tiên của họ.
Đừng dựa vào việc được nuông chiều
Chẳng ai có thể hiểu được giá trị của đồng tiền nếu không đổ mồ hôi công sức cho nó. Thế nên, việc hiểu rằng con không thể có được mọi thứ con muốn là cách duy nhất để hiểu được giữa nhu cầu và mong muốn. Chính điều này sẽ dạy cho con về cách lập ngân sách, tiết kiệm, định giá những gì mà mình có.
Biết cách tiết kiệm mà không làm khổ chính mình là một kỹ năng sống thiết yếu và sẽ có ích trong suốt những thăng trầm mà con không thể nào tránh khỏi trong cuộc sống.
Thành công không phải lúc nào cũng đến từ những việc to tát
Napoleon từng định nghĩa về thiên tài là người có thể làm những điều bình thường, trong khi mọi người xung quanh trở nên mất trí. Việc quản lý tiền cũng như vậy. Con không cần phải làm những điều phi thường để có thể đạt một kết quả tốt. Đôi khi, thứ con cần làm tốt chính là không liên tục làm hỏng việc, trong một thời gian dài. Hãy tránh những sai lầm to lớn, lớn nhất là vùi mình vào nợ nần, điều đó quan trọng hơn bất cứ chiến lược tài chính nào.
Sống dưới mức thu nhập của mình
Sống dưới mức thu nhập của mình chính là một trong những đòn bẩy tài chính có sức mạnh nhất, bởi vì con sẽ có nhiều quyền kiểm soát hơn với những thứ như thu nhập, lợi tức đầu tư…
Người kiếm được 50.000 USD mỗi năm, nhưng chỉ cần 40.000 USD để hạnh phúc, giàu có thì sẽ tốt hơn nhiều so với người kiếm được 150.000 USD, nhưng cần đến 151.000 USD để hạnh phúc. Nhà đầu tư kiếm lợi nhuận 5% nhưng có chi phí thấp sẽ tốt hơn so với nhà đầu tư kiếm được 7% một năm, nhưng lại có chi phí cao hơn.
Đừng ngại thay đổi suy nghĩ theo thời gian
Hầu như chẳng ai sống cuộc sống mà họ đã nghĩ đến năm 18 tuổi, vì thế nếu một ngày con thay đổi quyết định trong việc chọn chuyên ngành của mình thì đó cũng chẳng phải ngày tận thế. Con có thể thừa nhận rằng các giá trị, mục tiêu của mình đã thay đổi. Việc tha thứ cho bản thân vì đã thay đổi suy nghĩ là một siêu năng lực, đặc biệt khi con còn trẻ.
Mọi thứ đều có giá của nó
Cái giá của sự nghiệp bận rộn là có ít thời gian cho bạn bè, gia đình. Cái giá của đứa trẻ hư hỏng chính là một cuộc sống được bảo bọc, che chở. Tất cả mọi thứ đều có giá trị của nó, và hầu hết các giá trị đó đều được ẩn. Đôi khi chúng đáng để ta trả tiền, nhưng đừng bao giờ con bỏ qua giá trị thực của nó.
Khi con chấp nhận điều này, con sẽ bắt đầu xem xét những thứ như thời gian, các mối quan hệ, quyền tự chủ và sáng tạo như những loại tiền tệ, có giá trị như tiền mặt.
Tiền không phải là thước đo thành công cao nhất
Tỷ phú Warren Buffett nói: “Thành công thực sự trong đời sống là số người mà bạn muốn họ yêu bạn đích thực yêu bạn”.
Tình yêu đó đến từ cách bạn đối xử với mọi người, chứ không phải số tiền mà bạn có. Tiền sẽ không đem đến thứ mà bạn lẫn người khác muốn nhất. Không có số tiền nào có thể bù đắp cho sự thiếu hụt tính cách, sự thiếu trung thực, thiếu đồng cảm đối với mọi người.
Đừng mù quáng tin vào tất cả những lời khuyên
Tất cả những bài học kể trên, và cả bài học cuối cùng này, là những điều mà hầu hết chúng ta ngộ ra quá muộn. Nhưng thế giới của con sẽ khác cha mẹ, cũng như thế giới của bố mẹ khác ông bà. Không ai giống ai, không ai có tất cả các câu trả lời đúng. Thế nên, đừng bao giờ chấp nhận lời khuyên của bất cứ ai mà không bối cảnh hóa nó với các giá trị, mục tiêu và hoàn cảnh mà con sống.