Việc bổ sung đủ nước cho cơ thể từ lâu đã được xem là thói quen tốt, giúp duy trì sức khỏe và hỗ trợ hoạt động sống. Theo Tạp chí Dinh dưỡng (Nutrition Journal), uống đủ nước không chỉ thúc đẩy sự phát triển lành mạnh ở trẻ mà còn giúp nâng cao hiệu quả học tập.
Tuy nhiên, bất kỳ điều gì cũng cần thực hiện đúng cách để mang lại hiệu quả tốt nhất, uống nước cũng không ngoại lệ. Nếu mắc sai lầm, thay vì có lợi, uống nước sai cách có thể khiến sức khỏe gặp nguy hiểm.
1. Uống nước không đúng liều lượng
Nước đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất, điều hòa thân nhiệt, hỗ trợ bài tiết và giảm độ đặc của máu. Tuy nhiên, không phải cứ uống thật nhiều nước là tốt. Ngược lại, uống quá nhiều nước có thể gây ra tình trạng “nhiễm độc nước” hay còn gọi là hạ natri máu.
Khi cơ thể không kịp đào thải lượng nước dư thừa, nước sẽ bị giữ lại trong cơ thể, làm giảm áp suất thẩm thấu của máu. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như phù não, tổn thương hệ thần kinh và thậm chí ngộ độc cấp tính.
Những người có chức năng thận hoặc gan kém càng dễ bị ảnh hưởng bởi việc uống nước quá mức, do khả năng đào thải nước của cơ thể bị suy giảm. Theo khuyến nghị từ chuyên gia, một người trưởng thành bình thường nên uống khoảng 1,5 – 1,7 lít nước mỗi ngày. Đối với người có nồng độ axit uric cao, mắc bệnh gút hoặc tăng axit uric máu, lượng nước có thể tăng lên khoảng 2 lít mỗi ngày để hỗ trợ quá trình đào thải độc tố.
2. Uống nước không đúng thời điểm
Nhiều người có thói quen đợi đến khi khát mới uống nước. Tuy nhiên, cảm giác khát là dấu hiệu cho thấy cơ thể đã bị thiếu nước. Nếu tình trạng này kéo dài, máu sẽ trở nên đặc hơn, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và huyết áp.
Bên cạnh đó, nếu không duy trì thói quen uống nước thường xuyên, cơ thể sẽ dần mất đi sự nhạy cảm với cơn khát, làm giảm lượng nước hấp thụ một cách vô thức. Vì vậy, tốt nhất hãy uống nước đều đặn, ngay cả khi chưa cảm thấy khát, bằng cách chia nhỏ lượng nước trong ngày.
3. Uống nước sai cách
Nhiều người có thói quen uống nước ừng ực từng ngụm lớn, đặc biệt là sau khi vận động mạnh hoặc khi trời nóng. Cách uống này có thể khiến dạ dày bị áp lực đột ngột, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây ra cảm giác buồn nôn, chuột rút hoặc tim đập nhanh.
Ngoài ra, việc uống nước quá nhanh còn làm tăng nguy cơ tích tụ cặn bã trong thận và bàng quang, lâu ngày có thể dẫn đến sỏi thận hoặc các bệnh về đường tiết niệu.
Cách uống nước đúng là nên nhấp từng ngụm nhỏ, chia đều trong ngày, giúp cơ thể hấp thụ nước một cách hiệu quả mà không gây áp lực cho hệ bài tiết.
4. Nhiệt độ nước không phù hợp
Nhiều người có thói quen uống nước thật nóng vì cho rằng nước nóng tốt hơn cho sức khỏe. Tuy nhiên, uống nước ở nhiệt độ quá cao (trên 65°C) có thể làm tổn thương niêm mạc thực quản, lâu ngày làm tăng nguy cơ viêm nhiễm hoặc tổn thương tế bào.
Ngược lại, uống nước quá lạnh, đặc biệt là nước đá, có thể khiến mạch máu co lại đột ngột, làm giảm lưu lượng máu đến niêm mạc dạ dày, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa. Việc này còn có thể kích thích đường hô hấp, làm tăng nguy cơ viêm họng, ho kéo dài.
Nhiệt độ nước lý tưởng để uống là khoảng 30 – 40°C, tức là nước ấm vừa phải, không quá nóng cũng không quá lạnh.
5. Chọn sai loại nước uống
Do nước lọc không có vị nên nhiều người có xu hướng thay thế bằng các loại nước có hương vị như nước ngọt có ga, nước trái cây đóng hộp, cà phê hay trà sữa. Tuy nhiên, những loại đồ uống này có thể chứa đường, chất tạo ngọt nhân tạo hoặc caffeine, không tốt cho sức khỏe nếu tiêu thụ quá thường xuyên.
Lựa chọn tốt nhất vẫn là nước lọc, nước khoáng hoặc nước đun sôi để nguội. Đây là những nguồn nước an toàn, giúp cung cấp đủ lượng nước cần thiết mà không làm tăng lượng calo hay ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Uống nước đúng cách không chỉ giúp duy trì sức khỏe mà còn giúp phòng ngừa nhiều bệnh lý nguy hiểm. Để bảo vệ cơ thể, hãy chú ý đến lượng nước tiêu thụ mỗi ngày, thời điểm uống nước, cách uống nước, nhiệt độ nước và loại nước sử dụng. Điều chỉnh thói quen uống nước hợp lý không chỉ giúp bạn cảm thấy khỏe khoắn hơn mà còn hỗ trợ cơ thể hoạt động hiệu quả hơn trong cuộc sống hàng ngày.