Cuộc đời này là của bạn, bạn có toàn quyền quyết định với nó. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa bạn muốn làm gì cũng được, mà phải biết nhìn trước ngó sau, xem điều gì nên hay không nên làm.
Khi còn trẻ, sau khi tốt nghiệp, bạn rất tham vọng. Giống như một cỗ máy không ngừng nghỉ, mỗi ngày đối với bạn đều là một cuộc chiến khốc liệt. Lúc đó, bạn nghĩ rằng hạnh phúc chính là cần phải “có”: xe, nhà, tiền và sự nghiệp. Với mục tiêu này, bạn đã luôn làm việc chăm chỉ cho đến khi bước vào tuổi trung niên.
Sức khỏe giảm sút, năng lực không còn dồi dào, bạn dần nhận ra rằng hạnh phúc thực ra là “không có gì cả”: không lo lắng, không bệnh tật và không tai họa.
Bạn không cần có quá nhiều thứ vật chất trong tay mới có thể sống viên mãn. Trạng thái tốt nhất là không có gì có thể làm vướng bận trái tim bạn, một cơ thể khỏe mạnh và một gia đình luôn ở bên.
Sau tuổi trung niên, hãy học cách điều chỉnh trọng tâm của cuộc sống và quan trọng nhất là đừng bao giờ làm 3 việc dưới đây.
1. Đừng đánh đổi sức khỏe để lấy của cải
Cách đây ít lâu, tôi thấy một bài chia sẻ trên Facebook nói về hành trình chiến đấu với bệnh ung thư trong 4 năm của một diễn giả trẻ khá nổi tiếng. Và tôi đã rất xúc động.
Năm 20 tuổi, cô ấy bước ra thế giới và thề sẽ luôn tiến về phía trước. Ở tuổi 30, cô muốn có một cuộc sống tốt hơn, chính vì thế đã lao vào làm việc một cách không ngừng nghỉ. Thậm chí, đã có những thời điểm cơ thể cô ấy đưa ra dấu hiệu cảnh báo, nhưng cô ấy vẫn không quan tâm.
Trong những năm đó, cô ấy bận rộn làm việc ngày đêm cho mục tiêu của mình, ngày đêm đảo lộn, chế độ ăn uống thất thường là chuyện thường ngày. Và cuối cùng, điều gì đến cũng phải đến. Căn bệnh hiểm nghèo tìm đến cô ấy. Cô gái trẻ đau đớn, kiệt quệ và cuối cùng cũng nhận ra những thành quả, sự giàu có mà cô ấy luôn tự hào sau cùng cũng chẳng còn nghĩa lý gì cả.
Bi kịch lớn nhất trong cuộc đời của một người là nửa đời đầu bạn đánh đổi mạng sống của mình để kiếm tiền, nhưng sau này khi bạn cần đổi tiền để lấy mạng sống của mình, bạn lại phát hiện ra rằng Thượng đế đã quay lưng đi.
Cuối bài chia sẻ, diễn giả trẻ đã đưa ra lời khuyên cho mọi người: “Trong nhịp sống hiện đại gấp gáp, con người theo đuổi của cải vật chất một cách bản năng. Có bao nhiêu người nhớ rằng của cải lớn nhất mà họ có được chính là sức khỏe và tính mạng?”.
Bất kể chúng ta nổi tiếng hay giàu có, nếu chúng ta đánh mất nền tảng là sức khỏe, mọi thứ chúng ta có sẽ không có ý nghĩa gì cả.
Khi đến tuổi trung niên, bạn càng nên hiểu rằng chăm sóc cơ thể tốt là sự đầu tư thông minh nhất cho phần đời còn lại của bạn. Chính vì thế, đừng bao giờ có ý định đánh đổi sức khỏe lấy bất cứ thứ vật chất phù phiếm gì.
2. Đừng coi gia đình bạn như những người ngoài cuộc
Tôi đã từng nghe được ở đâu đó rằng: Sai lầm phổ biến nhất của hầu hết mọi người là tử tế với người ngoài, nhưng lại dễ dàng nóng giận với người nhà.
Sở dĩ có điều nghịch lý như vậy là bởi vì bạn biết, cho dù bạn có phạm bao nhiêu lỗi lầm thì gia đình vẫn sẽ luôn bao dung bạn, những người thân sẽ luôn ở bên và yêu thương bạn vô điều kiện. Tuy nhiên, có lẽ bạn đã sai, bởi cho dù là người nhà, trong một khoảnh khắc nào đó, khi những vết thương bạn gây ra đủ lớn, họ cũng sẽ không thể chịu đựng thêm nữa mà rời bỏ bạn.
Trong chương trình tạp kỹ có tên “Bốn người giúp việc nổi tiếng”, một người vợ đã rơi nước mắt khi tố cáo chồng mình là “kẻ hai mặt”.
Trước mặt bạn bè, anh ấy là một người đàn ông tốt. Khi bạn bè muốn vay tiền, anh ấy ngay lập tức đáp ứng mà không nói một lời. Khi bạn anh ấy đáp chuyến bay xuống sân bay thì trời đã khuya và gọi cho anh ấy, anh ấy đã không ngần ngại mà đi đón người bạn đó.
Nhưng ở nhà, anh lại biến thành một người hoàn toàn khác.
Khi có chuyện, anh mất bình tĩnh với bố mẹ vợ. Vợ mua quần áo mới, anh mỉa mai: “Có còn đẹp như thời trẻ nữa đâu mà cũng đua đòi”.
Theo thời gian, bố mẹ anh ta chuyển ra chỗ khác ở và vợ anh ta rất đau lòng khi phải một mình trong “cuộc chiến nuôi con”.
Sẽ đến một lúc nào đó bạn sẽ hiểu ra thời khắc đen tối nhất của cuộc đời chính là khi bạn không có gì trong tay, người ngoài quay lưng với bạn, nhưng gia đình vẫn ở bên bạn. Lúc đó, bạn hiểu ra chỉ có gia đình mới là thứ trường tồn mãi mãi.
Khi bước vào tuổi trung niên, tình thân giữa bạn bè cần được duy trì, nhưng tình cảm giữa các thành viên trong gia đình cũng cần được trân trọng và quan tâm nhiều hơn.
3. Đừng quá hào hứng tham gia giao tiếp xã hội
Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta khoe khoang rằng chúng ta có bạn bè trên khắp thế giới, và niềm vui là một điều cần thiết trong cuộc sống.
Sau 30 tuổi, tôi học cách khép lòng mình lại, chặn những ồn ào của thế giới bên ngoài và tập trung vào cuộc sống của mình.
Một nhà văn nổi tiếng từng viết về câu chuyện của gia đình mình. Ông cho biết, mỗi chủ nhật, vợ chồng ông cùng với con gái và con rể, mỗi người sẽ ngồi một góc để vùi đầu vào đọc sách.
Khi rảnh rỗi, họ đắm chìm trong thế giới nhỏ của riêng mình, hay bày trò chọc phá nhau để giải trí, hoặc cùng nhau nghiên cứu các món ăn khác nhau và sống một cuộc sống sôi động.
Thông minh như họ chắc chắn hiểu rằng, bức tranh cuộc sống không thể bị tô màu bởi người khác, bản chất của cuộc sống nằm ở sự giàu có và bình yên bên trong.
Ở độ tuổi 30 hay 40, chúng ta từ lâu đã bước qua cái tuổi mà chúng ta cần dùng bữa ở nhà hàng tối để gắn kết tình cảm và uống rượu để chứng tỏ lòng trung thành của mình. Chỉ bằng cách sống thu mình lại một chút, bạn mới có thể bỏ qua gánh nặng của sự hối hả và nhộn nhịp của thế giới bên ngoài.
Sau tuổi trung niên, chúng ta vẫn sẽ có cho bản thân nhiều lựa chọn sống, nhưng hãy thận trọng bởi vì ở ngưỡng cửa này, không phải bạn cứ muốn sống thế nào thì sẽ sống thế ấy. Đơn giản là đôi khi hãy biết cúi mặt xuống một chút, chăm sóc cơ thể và yêu thương gia đình nhiều hơn. Chỉ bằng cách này, bạn mới có thể sống một cuộc sống ổn định và yên bình trong thế giới này.