Khi nhìn thấy con gái, ông bố đã không kìm được nước mắt.
Cấp trung học phổ thông là giai đoạn cực kỳ quan trọng của các học sinh tại các nước cùng chung nền văn hóa Nho giáo như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam,… Đây là thời điểm mà mỗi học sinh chạy đua với kiến thức với ước mong tranh lấy một suất vào đại học. Bước chân vào đại học đồng nghĩa với việc bạn sẽ có nhiều cơ hội mở ra trong tương lai hơn. Do đó, việc học hành của học sinh phổ thông cũng vì thế luôn ở trạng thái căng thẳng.
Hôm 25/11, trên MXH Trung Quốc, mọi người truyền tay nhau câu chuyện cảm động của một ông bố đăng tải về con gái mình. Câu chuyện được ghi nhận xảy ra tại TP. Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây. Theo đó, ông bố trong câu chuyện thức dậy lúc 1h đêm vì khát nước, khi đi ngang qua phòng của con gái, thấy phòng con vẫn sáng đèn, ông bố hé cửa vào xem có chuyện gì xảy ra.
Thì ra lúc này, cô bé vẫn đang miệt mài làm bài tập dù trạng thái cơ thể tỏ ra uể oải ít nhiều trong khi 6 giờ sáng nữ sinh phải thức dậy để đến trường. Ông bố khuyên con gái nên nghỉ ngơi sớm và đừng cố gắng thức khuya nữa. Nhưng nữ sinh cho hay mình vẫn còn rất nhiều bài tập cần phải hoàn thành. Lúc này, dường như mọi kìm nén và buồn bực vì việc học đã khiến cô bé bật khóc nức nở trước mặt bố mình.
Thấy con gái đang rất nỗ lực và chăm chỉ, ông bố cũng không kìm được nước mắt đành vội chạy ra khỏi căn phòng. Vừa khóc, ông vừa cảm thấy bất lực vì mình không thể làm gì để giúp đỡ nữ sinh.
Khi câu chuyện được đăng tải, không ít những bậc làm cha, làm mẹ đã bày tỏ sự thông cảm và thấu hiểu của mình với tâm trạng của ông bố trên. Dù giáo dục tại Trung Quốc ngày càng có những thay đổi nhằm giảm áp lực cho học sinh nhưng vẫn còn tồn tại nhiều gánh nặng khác mà người học đang phải chịu đựng.
Theo thống kê, hầu hết trẻ em tại Trung Quốc không ngủ đủ giấc, dù tỷ lệ đã giảm phân nửa trong thời gian vừa qua nhưng tình trạng này vẫn rất phổ biến, đặc biệt là ở lứa học sinh THCS và THPT.
Học sinh cấp 3 ngoài lịch học chính thức ở trường còn phải tham gia các giờ tự học đến 10 giờ tối và bắt đầu đến trường vào 6 giờ sáng hôm sau. Bởi điều này mà không phải ai cũng đảm bảo mình ngủ đủ 8 tiếng/ ngày như khoa học đã khuyến cáo.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT ở học sinh THCS cũng được xem là kỳ thi áp lực không kém gì thí sinh tham dự kỳ thi Cao khảo. Dù đã có những lệnh hạn chế việc học thêm, song các em còn phải đối mặt với lượng bài tập khổng lồ.
Ngoài ra, hệ thống thi cử khốc liệt của Trung Quốc khiến mỗi học sinh đều có ý niệm ăn sâu vào tiềm thức rằng đỗ đại học là con đường duy nhất để mình trở nên thành công. Điều này khiến học sinh phải hình thành ý thức chăm chỉ và xem điểm số là mục đích của việc học tập ngay từ rất sớm.
Câu chuyện của ông bố khiến nhiều phụ huynh đồng cảm và bình luận phía dưới bài đăng:
“Con gái tôi cũng từng như vậy. Sau này con bé đỗ đại học, tốt nghiệp và hiện tại là một công chức. Đó là cả một quá trình của sự chăm chỉ mà đứa trẻ đã trải qua. Trong quá trình đó, chúng còn phải chịu đựng nhiều thứ gian khổ nữa. Cha mẹ luôn yêu thương con cái nhưng cần phải biết quan tâm con nhiều hơn nữa, hãy giúp con gái anh về mặt tâm lý và dinh dưỡng nếu mình không can thiệp được vào chuyện học của cô bé!”
“Con gái tôi mới học lớp 2 nhưng cũng đã vất vả lắm rồi! Dù mong muốn chúng không có quá nhiều bài tập về nhà nhưng dù thế mình cũng không thể để con không hoàn thành chúng!”
“Nhìn thấy vẻ bất lực và buồn bã trên gương mặt của em, tôi chợt thấy rất xót xa. Học sinh bây giờ quả thật không sung sướng gì. Ngày nào cũng phải làm bài về nhà muộn đến khuya, hãy chú ý đến sức khỏe của mình hơn”.