Sau nhiều năm chờ đợi, nhiều bệnh nhân vẫn không ngừng hy vọng có một ngày nhìn thấy ánh sáng. Và điều đó đã đến với số ít trong số những bệnh nhân một cách kỳ diệu…
Chiều 1/3, chúng tôi đã có cơ hội tiếp xúc với 2 bệnh nhân “mù lòa” đang nằm điều trị tại BV Mắt Trung ương sau những ngày được ghép giác mạc và chờ hồi sinh trong ánh sáng. Đó là anh Nguyễn Văn Nam là bà Trịnh Thị Cúc.
Anh Nam (42 tuổi) bị đục giác mạc di truyền, suốt 8 năm qua người đàn ông trụ cột của gia đình đã gần như không nhìn rõ mọi vật dụng và những gì diễn ra ở xung quanh.
Đó cũng là bằng ấy năm anh Nam sống trong bóng tối vì bệnh lý dưỡng giác mạc với biết bao nỗi buồn thê thảm.
Rồi một ngày, có thông tin tại bệnh viện Mắt Trung ương cấy ghép thành công cho bệnh nhân nhờ có người hiến giác mạc, anh Nam tìm hiểu và đăng ký để được ghép giác mạc như những bệnh nhân trước đó.
Chia sẻ với chúng tôi, vào thời điểm này anh Nguyễn Văn Nam đã có một bên mắt mới được ghép giác mạc đã tiến triển tốt. Theo bệnh nhân, trước khi phẫu thuật anh chỉ có thể hình chung ra những gì mờ ảo trươc mắt khoảng 2m. Thế nhưng, hiện tại anh Nam đã có thể nhìn thấy mọi vật xung quanh và đang dần dần rõ nét.
“Nếu cho tôi cái kính, bây giờ tôi đi ra ngoài đường và phóng xe máy ầm ầm. Tôi đã có thể nhìn thấy nhiều tuy hình ảnh còn hơi nhòe, nhưng mọi thứ đang hiện ra rất nhanh.”
Anh Nam cười sảng khoái và tiếp tâm sự cảm giác khi nhìn thấy ánh sáng: “Tôi làm hồ sơ đăng ký ghép giác mạc cách đây 3 năm. Trong 3 năm ấy, ngày nào tôi cũng chờ đợi và hi vọng vận may sẽ mỉm cười với mình.
Cách đây ít ngày, khi tôi đang ở quê, các bác sĩ BV Mắt Trung ương gọi điện thông báo, tôi là một trong số những người được chọn để ghép giác mạc. Tôi vui mừng lắm, dù không biết “nguồn” giác mạc được lấy từ đâu nhưng cảm xúc trong tôi như vỡ òa. Có thể nói đây là niềm hạnh phúc tột cùng không chỉ của riêng tôi”.
Đứng bên cạnh người chồng của mình, chị Hương vui mừng cho biết, từ nay chồng chị đã được nhìn thấy ánh sáng. Cơ hội công việc của chồng chị sẽ nhiều hơn và có thêm thu nhập nuôi 4 đứa con (con lớn của anh 5 tuổi, con út mới 1 tuổi) để đỡ đần vợ.
“Khi vừa phục hồi sau khi chuyển từ phòng mổ, ông xã tôi giằng lấy chiếc điện thoại từ tay vợ chụp ảnh tự sướng và đăng lên facebook để mọi người chứng kiến và các con vui… Tôi coi đây như một cơ duyên may mắn của chồng tôi đối với người hiến giác mạc. Hy vọng sau khi ổn định, gia đình tôi sẽ có cơ hội gặp lại gia đình họ để nói lời cảm ơn”, chị Hương trải lòng.
13 năm chờ đợi
Nằm ngay cạnh giường anh Nam là bà Trịnh Thị Cúc (73 tuổi). Bà cũng là người được chọn để ghép giác mạc cùng thời điểm này.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Cúc liên tục đưa cánh tay lên muốn lau nước mắt và không giấu được niềm vui mừng.
Bà Cúc chia sẻ, từ hồi còn nhỏ bà bị sẹo giác mạc nên đã không nhìn rõ cụ thể bất cứ vật dụng gì. Cách đây 13 năm vào một ngày bỗng dưng bà thấy mỏi mắt. Cứ thế, mắt bà Cúc tự nhiên mờ đi và dần dần không nhìn thấy gì, cuộc sống của bà bắt đầu buồn chán và nhiều lần được các con đưa đi chữa trị ở nhiều nơi .
“Khi còn trẻ tôi cũng như bao nhiêu người, rồi khoảng 60 tuổi bỗng dưng mắt tôi cứ mờ dần. Mọi sinh hoạt phải phụ thuộc và trông cậy vào các con cháu, cuộc sống rất bức bối. Những người trong gia đình, lúc rảnh, lúc bận nhưng nhiều sinh hoạt tôi vẫn phải chờ họ về giúp đỡ”, bà Cúc tâm sự.
Bà Cúc với giọng sụt sùi nói trong tâm trạng hạnh phúc: “Dù không nhìn thấy gì, nhưng hàng ngày tôi mở radio để nghe các chương trình. Tôi còn nhớ ngày đầu (13 năm trước) có việc ghép giác mạc, thế là tôi bảo các con đăng ký để mẹ xin. Không ngờ rằng mới đây các bác sĩ BV Mắt Trung ương thông báo cho các con đưa tôi ra đây để hội chẩn. Sau đó, các bác sĩ thông báo cho tôi biết đã đủ điều kiện và chuẩn bị tinh thần”
“Tôi thật may mắn khi biết mình trong số hàng nghìn bệnh nhân đang chờ đợi. Lúc nhìn thấy ánh sáng, ngoài các bác sĩ là các con tôi đứng xung quanh lần lượt xòe tay ra hỏi mẹ có thấy gì không. Hơn 10 năm qua, các con của tôi cũng thay đổi nhiều, đứa nào cũng già đi.
Thời điểm tôi không nhìn thấy ánh sáng, các cháu của tôi có đứa còn bé, có đứa chưa sinh ra. Giờ nhìn chúng đã lớn khôn cả rồi. Tôi có thể biết được gương mặt từng người mà không phải tưởng tượng, thực sự rất vui mừng”, bà Cúc nói.
Nói xong, bà Cúc cũng bày tỏ lòng cám ơn đến người hiến giác mạc để bà có cơ hội nhìn thấy ánh sáng:
“Ai đó đã hiến giác mạc. Tôi chỉ biết cám ơn và thật sự xúc động. Họ đã làm như vậy thì sau này tôi sẽ suy nghĩ để đưa ra quyết định nếu đôi mắt tôi còn tốt”, bà Cúc có ý muốn hiến cho người tiếp theo.
Tên các nhân vật đã được thay đổi!